Đối với phần lớn người dân Myanmar, rác thực phẩm chỉ được xem là rác nhưng với một nhà hoạt động môi trường, đây chính là nguồn tài nguyên quý giá để kinh doanh.
Nhà hoạt động vì môi trường Inda Soe Aung (35 tuổi) nhận định, rác thực phẩm bị bỏ vào thùng rác chính là cơ hội kinh doanh làm ra tiền khi biến nguồn nguyên liệu này thành phân bón.
“Mọi người nghĩ rằng, rác thực phẩm chỉ là rác mà thôi. Điều này khiến tôi gặp khó khăn khi muốn nâng cao nhận thức của người dân về việc rác thực phẩm là một nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Straits Times dẫn lời ông Aung.
Anh Inda Aung Soe (bên trái) và Aye Aye Than thu thập rác thực phẩm để tái chế thành phân bón. (Ảnh: Reuters)
Mỗi ngày, anh Aung thu nhặt khoảng 1 tấn rác thực phẩm từ các khu chợ ẩm ướt nằm gần nhà ở thị trấn Bắc Dagon thuộc thành phố Yangon.
Lượng rác này gồm những rổ chứa rau bị bỏ đi ở chợ, sau đó anh Aung tới thu thập và cho lên xe chở hàng trước khi đưa vào dây chuyền hữu cơ ủ trong vài tháng.
Hoạt động kinh doanh của công ty Bokashi Myanmar do anh Aung điều hành được bắt đầu từ năm 2018 và đã cho ra đời khoảng 500 tấn phân bón. Sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ các cơ sở trồng cây và nông trại gia đình.
Anh Aung có kế hoạch tăng gấp 3 sản lượng đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, cũng như thuyết phục người dân áp dụng các biện pháp bảo quản đất và chống lại tình trạng biến đổi khí hậu thông qua những bài đăng trên trang Facebook cá nhân.
Giới chức Yangon ước tính, mỗi ngày thành phố xả ra từ 2.300 – 2.500 tấn rác gây sức ép lớn lên hệ thống xử lý rác thải.
Cô Aye Aye Than, vợ của anh Aung cho biết cô cảm thấy tự hào với hoạt động kinh doanh của chồng khi đây là biện pháp giúp bảo vệ môi trường.
“Tôi từng nghĩ chỉ người nghèo mới làm việc với rác thải. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng đây là công việc giúp làm sạch môi trường cho những người hàng xóm ở quanh gia đình”, cô Than nói.