Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào các mặt kinh tế, thương mại và các hoạt động gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay, Bắc Kinh đã tiến thêm một bước lớn tại khu vực này khi tăng cường hiện diện quân sự nhằm bảo vệ các tài sản quốc gia và giành ảnh hưởng về địa chính trị lớn hơn trên "Lục địa đen", CNBC nhận định.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho nhận định trên là gần đây quân đội Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận định kì trong khu vực châu Phi, đặc biệt là tại các nước nằm trong dự án Vành đai và Con đường.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã triển khai cơ sở quân sự tại nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, nơi các công ty Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng một số cảng chiến lược và tuyến đường sắt xuyên quốc gia đầu tiên tại châu Phi. Cơ sở quân sự này cũng đảm nhiệm vai trò là cơ sở hậu cần và tình báo của Trung Quốc tại nước ngoài, CNBC cho biết.
Trong khi đó, tại Tanzania, nơi Tập đoàn China Merchants Holdings International của Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án siêu cảng Bagamoyo, Bắc Kinh đã cho xây dựng một cơ sở huấn luyện các lực lượng quân đội địa phương hồi đầu năm nay.
Hôm thứ 3 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh-Quốc phòng Trung-Phi lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh, đại diện của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi về an ninh-quốc phòng; đồng thời cam kết hỗ trợ toàn diện về công nghệ, thiết bị, nhân sự và chiến lược cho châu lục này trong các vấn đề như chống hải tặc và chống khủng bố.
Tuyên bố hợp tác trên cho thấy Trung Quốc đang kì vọng Mỹ sẽ rút bớt quân đội đồn trú tại châu Phi dưới chính sách "Nước Mỹ Trước tiên" của Tổng thống Trump. Điều này sẽ tạo ra đòn bẩy giúp chính quyền ông Tập giành được uy thế lớn hơn trên Lục địa đen.
Diễn đàn An ninh-Quốc phòng Trung-Phi lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh hôm thứ 3 (26/6) vừa qua. Ảnh: CGTN.
Lí do Trung-Phi tăng cường hợp tác quân sự
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng có liên quan đến các thương vụ giao dịch hiện nay của Trung Quốc và châu Phi, đặc biệt là các thương vụ vũ khí.
"Trong những năm gần đây, số thương vụ vũ khí của Trung Quốc tại châu Phi đã vượt qua Mỹ", ông Luke Patey, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch cho biết.
"Cụ thể, số lượng vũ khí hạng nhẹ của Trung Quốc được bán ra tại châu Phi đã tăng mạnh, do Trung Quốc ít bị hạn chế bởi các lệnh cấm bán vũ khí hơn so với các nhà cung cấp phương Tây. Điều này lí giải một phần lí do Bắc Kinh quyết định tăng cường hợp tác về quân sự với Châu Phi", ông Patey giải thích.
Một lí do khác, theo các chuyên gia, là mong muốn bảo vệ an toàn cho các công nhân Trung Quốc và các dự án do Bắc Kinh cấp vốn đầu tư tại châu Phi.
"Thực tế, những điều này xuất phát từ mối lo ngại về an ninh của Trung Quốc đối với chính những công dân của mình, và chính sách ngoại giao quân sự đã được sử dụng khéo léo nhằm bảo vệ người dân và lợi ích của họ [ở nước ngoài]", Clingendael, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hà Lan, nhận định.
"Việc di tản hàng trăm công dân Trung Quốc và công dân nước ngoài khỏi vùng chiến sự Yemen từ bờ biển Somalia hồi năm 2015 - trên một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc - cho thấy tầm quan trọng của việc đặt cơ sở hậu cần quân sự trên bờ Đông của châu Phi đối với Trung Quốc", Clingendael cho biết.
Mối lo ngại về chính trị
Từ trước đến nay, Trung Quốc - cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới - luôn coi việc hợp tác với châu Phi là mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi". Theo đó, Trung Quốc được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, còn châu Phi được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Đối với "hầu bao" eo hẹp của các nước châu Phi, những nguồn lực dồi dào của Trung Quốc có thể là "món hời" trước mắt, tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại rằng nguồn tiền khổng lồ này có thể trở thành đòn bẩy chính trị tại châu Phi.
Các chuyên gia này cho rằng chính những lo ngại về khoản đầu tư của Bắc Kinh tại Zimbabwe đã dẫn đến việc đảng cầm quyền nước này phế truất Tổng thống Robert Mugabe hồi năm 2017 - dù chính quyền ông Tập đã bác bỏ cáo buộc trên.
"Hiện nay rất nhiều đối tác đang lo ngại về việc Trung Quốc sẽ có vai trò gì trong khu vực, và Bắc Kinh sẽ hợp tác như thế nào với các tổ chức quân đội và diễn đàn an ninh hiện có tại châu Phi", ông Duncan Innes-Ker, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết.
"Các quốc gia châu Phi cần cảnh giác cao độ bởi Trung Quốc giờ đây không còn tuân thủ chặt chẽ chính sách ngoại giao không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác như trước đây nữa", chuyên gia Patey kết luận.
Các dự án của Trung Quốc tại châu Phi