Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Quartz, cây viết Feyi Fawehinmi phân tích về mối quan hệ của người Trung Quốc với nước sở tại Nigeria khi họ tới làm ăn ở châu lục này. Bài viết thể hiện quan điểm của ông Fawehinmi và được lược dịch dưới đây.
Một Trung Quốc trong lòng Nigeria
Một bài báo đăng trên Roads & Kingdoms số tháng 1/2018 về người Trung Quốc ở Lagos có đoạn:
"Vào đêm cuối cùng của tôi ở Lagos, Fang mời tôi tới văn phòng Huawei để dùng bữa, trao cho tôi một tấm thẻ khách và đưa tôi đi qua hành lang đầy gió vào một khu canteen hiện đại. Nhân viên có thể thanh toán tiền ăn của mình thông qua WeChat, một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc".
Vì khá quen thuộc với bối cảnh công nghệ và môi trường lưu hành tiền tệ trực tuyến của Nigeria nên phân đoạn này khiến tôi khá bất ngờ - thanh toán tiền bằng WeChat không phải là lựa chọn dành cho người Nigeria.
Tôi đã hỏi một số bạn bè của mình làm việc trong môi trường công nghệ ở Lagos rằng làm sao người Trung Quốc có thể làm như vậy tại Lagos và họ chỉ nhún vai rồi nói: "Người Trung Quốc đang quản lý một đất nước nhỏ của riêng mình ở đây".
Không khó để tiếp cận những số liệu cho thấy quy mô đầu tư và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi.
Trung tâm Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins ước tính rằng, từ năm 2000 tới 2015, các nhà thầu, ngân hàng và chính phủ Trung Quốc đã kéo dài thời hạn khoản vay trị giá 94,4 tỉ USD cho chính phủ các nước châu Phi cũng như nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở khu vực này.
Chính quyền thành phố Lagos đang phải chật vật chi trả cho dự án đường sắt do công ty xây dựng Trung Quốc thi công. Ảnh: NYTimes
Từ một vài triệu USD vào năm 2000, các khoản vay đã lên tới 16 tỉ USD chỉ trong năm 2013. Hiện vẫn chưa rõ các khoản vay này là giá trị tiền tệ thực hay chỉ là dòng tiền từ chính phủ Trung Quốc chảy vào các công ty Trung Quốc thông qua châu Phi.
Tuy nhiên, một khoản vay trị giá 600 triệu USD để chi trả cho việc lắp đặt hệ thống CCTV khắp thủ đô Abuja của Nigeria liên quan tới tham nhũng và bê bối. Vì vậy, khó có thể coi đó là một câu chuyện riêng biệt.
Dù vậy, câu chuyện có một mặt khác, ít được nhắc tới. Đó là chuyện về những doanh nhân bình thường tới châu Phi làm ăn mà không có sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc.
"Thuyền bè lướt qua nhau"
Những doanh nghiệp này rất cẩn trọng, tránh để mình bị chú ý và ít khi trao đổi với truyền thông địa phương. Theo một báo cáo của McKinsey năm 2017, hơn 10.000 công ty thuộc sở hữu của người Trung Quốc hoạt động trên khắp châu Phi, nhiều gấp 4 lần con số mà Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đưa ra.
Những doanh nghiệp này có đặc điểm chung: Họ cảm thấy làm ăn ngày càng khó khăn ở quê nhà, phần lớn vì giá cả tăng cao và cạnh tranh gay gắt, chủ doanh nghiệp bèn dấn thân vào hành trình khám phá một quốc gia châu Phi rồi quyết định đầu tư vào đó.
Họ nhanh chóng đổ hàng triệu USD để xây dựng một nhà máy ở châu Phi. Ngoài các khu vực kinh tế nhỏ hẹp mà họ quyết định vận hành, các doanh nhân Trung Quốc gần như không hiện diện trong tầm mắt của dân cư địa phương.
Tại Nigeria, tôi vẫn chưa nghe thấy ai kể chuyện người Trung Quốc ở Nigeria và người Nigeria kết hôn với nhau. Trong các chuyến đi của mình, tôi cũng không mấy khi nhìn thấy người Trung Quốc bát phố buổi đêm, dùng bữa ngoài hàng quán hay ngồi quầy bar với người Nigeria.
Một vài người Trung Quốc đã gặp hái được thành công đáng kể, ví dụ như Tung gia, một gia đình điều hành doanh nghiệp thép trị giá tỷ USD và góp mặt trong ban điều hành của một trong những cơ quan tài chính phát triển của Nigeria.
Và cả nhà họ Lee với Tập đoàn Lee, sản xuất mọi thứ, từ nước đóng chai cho tới bánh mì và 1,2 triệu đôi dép xỏ ngón mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người thất bại, trắng tay.
Mặc dù, việc kinh doanh nở rộ nhưng mối quan hệ giữa hai bên lại có dấu hiệu xuống dốc trong những năm gần đây. Hồi 2013, Lamido Sanusi, thống đốc Ngân hàng Trung Ương Nigeria khi đó, đã viết một bài xã luận đăng trên Financial Times cho rằng: "Châu Phi cần phải nhìn nhận thực tế về mối quan hệ với Trung Quốc".
Ông Sanusi chỉ trích cách người Trung Quốc làm ăn trên khắp châu lục này: "Trung Quốc lấy đi các nguyên liệu thô của chúng tôi và bán cho chúng tôi đồ sản xuất".
Câu chuyện về hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng tồi được tuồn ra tiêu thụ tràn lan ở thị trường châu Phi không còn là hiếm. Nhà bê tông ở Nigeria đã cháy vì dây điện "lỗi" của Trung Quốc, quần áo sứt chỉ, may không đều được bán ngập đường phố Lagos.
Người Trung Quốc và "chủ nhà" Nigeria tiếp tục chung sống bên nhau nhưng "cách lòng" - khoảng cách giữa họ chứa đầy sự nghi kị. Người Trung Quốc ở Lagos co cụm vào thế giới của riêng mình, nơi họ có thể thanh toán bằng WeChat, như ở Trung Quốc quê nhà.
Và dù đã làm ăn ở châu Phi nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp Trung Quốc ở nơi này vẫn khó có thể "làm bạn" với những người dân bản địa. Mối quan hệ giữa họ - hệt như câu nói nổi tiếng của nhà thơ Mỹ Longfellow - chỉ "giống như thuyền bè lướt qua nhau trong đêm tối".