"Làm cho Iran Vĩ đại Trở lại" và sai lầm chết người của ông Trump đằng sau câu nói đầy thiện chí

Tất Đạt |

Khác với trường hợp Triều Tiên, lời kêu gọi đàm phán của ông Trump dường như không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Cuộc mâu thuẫn kéo dài giữa Mỹ và Iran rõ ràng không thể giải quyết chỉ trong "một sớm một chiều". Theo CNN, lời mời gọi của ông Trump trong việc đàm phán, hòa giải dường như cũng tương đồng với cách mà tổng thống Mỹ đã sử dụng với một đối thủ "không đội trời chung" khác của Mỹ là Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, dường như hiệu quả mà phương pháp này đem lại không được như mong đợi.

"Nếu Iran muốn trở thành một quốc gia giàu có như trước, trở thành một đất nước thịnh vượng, hãy gọi đó là 'Làm cho Iran Vĩ đại Trở lại'... thì tôi vẫn thấy rất OK," ông Trump nói.

Tuy nhiên, lời tuyên bố có vẻ mang tính thiện chí này sẽ không được nhiều người Iran đón nhận một cách tích cực. CNN cho rằng, với một nền văn minh Ba Tư trải dài hơn 2.000 năm lịch sử, Iran không bao giờ nghĩ sẽ phải phụ thuộc vào bất cứ một tổng thống Mỹ nào - chứ không chỉ riêng ông Trump - trong việc trở nên giàu có và thịnh vượng.

Do đó, lời hứa hẹn của ông Trump có thể sẽ phản tác dụng và bị xem như một sự xúc phạm từ quốc gia có lịch sử chưa tới 300 năm như nước Mỹ.

Làm cho Iran Vĩ đại Trở lại và sai lầm chết người của ông Trump đằng sau câu nói đầy thiện chí - Ảnh 1.

Ông Trump mời gọi Iran đàm phán bằng lời hứa "Làm Iran Vĩ đại Trở lại". Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images

Bên cạnh đó, quan điểm của ông Trump khi đánh đồng khái niệm "vĩ đại" và của cải vật chất - như chính sách mà Mỹ vẫn đang hướng tới Palestine và Triều Tiên - cũng có thể là một sự sai lầm tệ hại và có thể khiến phía Iran có cái nhìn tiêu cực hơn đối với Washington.

Những hi vọng về một đột phá ngoại giao có thể sẽ bị tổn hại bởi sự mập mờ trong chính sách của Mỹ. Theo CNN, đây cũng có thể trở thành một vũ khí được Tehran sử dụng để chia rẽ Mỹ và các đồng minh.

Rạn nứt nội bộ

Ngày 24/6, ông Trump khẳng định Mỹ đang bảo vệ tuyến hàng hải toàn cầu đi qua khu vực chiến lược ở Eo biển Hormuz mà "không đòi hỏi gì cả".

Vài tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói "Mỹ đang cố gắng đảm bảo tự do hàng hải ở Eo biển Hormuz".

Ông Trump đã đổ lỗi cho một vị tướng "nào đó" của Iran cho vụ tấn công máy bay không người lái Mỹ - với mục đích rõ ràng là để tạo lối thoát về mặt chính trị. Nhưng Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin Mỹ lại nói một trong những nhân vật bị cấm vận là sĩ quan cấp cao của không quân Iran - người chịu trách nhiệm vì "bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ".

Làm cho Iran Vĩ đại Trở lại và sai lầm chết người của ông Trump đằng sau câu nói đầy thiện chí - Ảnh 2.

Việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ là "mồi lửa" mới nhất cho xung đột Mỹ - Iran.

Cơ hội để các đại diện của Iran ngồi xuống đàm phán với đoàn đại biểu của Mỹ - và bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - là rất thấp. Một số chuyên gia lo ngại rằng ông Bolton sẽ nhận định rằng nỗ lực kêu gọi đàm phán của ông Trump sẽ không đem lại hiệu quả gì và những chính sách cấm vận cứng rắn sẽ tiếp tục làm bùng nổ mâu thuẫn.

Tại Israel, ông Bolton vẫn tiếp tục cảnh báo rằng Iran không nên nghĩ ông Trump là "yếu đuối" khi hủy lệnh tấn công quân sự vào phút chót.

Mỹ đã gần tới chiến tranh như thế nào?

Trả lời CNN, một sĩ quan đề nghị giấu tên nói quân đội Mỹ đã dự định tấn công vào một số tổ hợp tên lửa và radar của Iran. Khi ông Trump ra lệnh hủy, chưa có vũ khí nào của Mỹ được triển khai.

Lần cuối cùng Mỹ gây chiến tại Trung Đông là vào năm 2003 ở Iraq. Nhưng chiến tranh với Iran sẽ khác biệt rất nhiều khi Iran có thể sử dụng mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm để tấn công Mỹ và các đồng minh Mỹ ở xa Tehran.

Mặc dù quân đội Mỹ có thể vượt qua Iran về mọi mặt, nhưng điều khiến Mỹ lo ngại nhất là sự ổn định khu vực và tổn thương tới nền kinh tế thế giới - đây là điều mà Iran cũng nắm rõ.

Israel, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể sẽ "tham chiến" với Mỹ trong căng thẳng Iran, nhưng Mỹ sẽ không tìm được thêm những quốc gia sẵn sàng tình nguyện khác - CNN đánh giá.

Chính quyền ông Trump đã trở nên xa cách với các đồng minh châu Âu khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm ngoái. Pháp và Đức có khả năng cao sẽ không ủng hộ tấn công quân sự, và Anh - vướng trong khủng hoảng Brexit - cũng sẽ không tham dự.

Thậm chí, với tất cả những sự hỗ trợ từ các nước ở Trung Đông nói trên, ông Trump sẽ không thể nhận được sự ủng hộ về chính trị và quân sự như tổng thống Mỹ George W. Bush có được trong cuộc tấn công Iraq năm 2003.

Trong khi đó, Iran lại nắm trong tay không ít lực lượng có thể tham gia "giải nguy", bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và một loạt các nhóm quân khác ở Iraq. Tehran cũng có thể kêu gọi sự trợ giúp từ Syria sau khi đã giúp đỡ tổng thống Bashar al-Assad giữ vững quyền lực trước cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại