Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: Năm 1984, ông Trương Văn Phong (sinh năm 1964) sau khi cự cãi với cha mẹ ông Phong bỏ đi biệt tăm. Gia đình tìm kiếm nhiều năm nhưng không có thông tin và cứ tưởng ông Phong mất tích. Chính quyền địa phương sau một năm tìm kiếm cũng đưa ông Phong vào diện mất tích.
Ông Phong (trái) chụp ảnh với người thân khi được gia đình đón về quê
Đầu tháng 11/2023, UBND xã An Ninh nhận được điện thoại từ công an phường Xuân Thanh, TP Long Khánh (Đồng Nai) đề nghị xác minh danh tính ông Phong để làm căn cước công dân.
Qua thông tin, ông Trương Văn Thường, xã đội phó phát hiện đó là anh trai mình, người mất tích 39 năm qua. Gia đình đã đón ông Phong cùng vợ con trở về làm các thủ tục giấy tờ để được Công an Đồng Nai cấp căn cước công dân.
Qua tìm hiểu, sau khi bỏ nhà đi, ông Phong vào Long Khánh làm thuê, cần cù lao động. Năm 1992, ông Phong lấy vợ là bà Lê Thị Thu Hồng (sinh năm 1968, quê gốc Quảng Trị, định cư tại Long Khánh).
Ông Phong (trái) cùng với họ hàng ở quê
Ông Phong và bà Hồng sinh được 2 người con gái, trong đó một người đã lập gia đình, còn người con gái út đang làm công nhân nhà máy ở Đồng Nai. Cuộc sống hiện tại của ông Phong được nói là khó khăn.
Ông Phong có cha là ông Trương Văn Phát (1930 - 2020), mẹ là bà Trần Thị Thẻo (1939 - 2022). Ông Phát, bà Thẻo sinh được 9 người con, 8 nam 1 nữ. Ông Phong là con cả.
Khi vào Long Khánh, ông Phong khai tên thành Trương Văn Thạch, vợ con nhiều lần gặng hỏi quê ở đâu để về thăm gia đình, nhưng ông Phong chỉ nói ở Quảng Bình, không nói nguyên quán huyện, xã, thôn.
Đại gia đình ông Phong bên phần mộ của cha mẹ ở quê
Đầu tháng 11/2023, do làm căn cước công dân, địa phương rà soát mới biết ông Thạch có tên thật là Phong. Từ đó, ông Phong mới về quê sau gần 40 năm biệt tăm, nhưng cha mẹ đã qua đời.