Sử dụng kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới trị giá 188 triệu đô la Mỹ ASKAP tại Australia, giới thiên văn học quốc tế vừa phát hiện tín hiệu chớp sóng vô tuyến bí ẩn từ vũ trụ, có tên FRB170107.
Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO); Đại học Curtin (Australia); và Trung tâm nghiên cứu Thiên văn học Quốc tế (ICRAR) phát hiện ra các chớp sóng này sau khi sử dụng 8 anten vô tuyến có độ quét rộng 240 độ vuông.
Chớp sóng FRB170107 được kính thiên văn ASKAP đặt tại Australia phát hiện. Ảnh: CSIRO.
Chỉ kéo dài vài mili giây nhưng có năng lượng bằng 500 Mặt trời cộng lại, chớp sóng vô tuyến nhanh này (Fast Radio Bursts - FRB) được cho là đến từ nơi cách Trái Đất chúng ta 6 tỷ năm ánh sáng.
CSIRO cho biết, "Chớp sóng này mạnh và rất sáng, nên họ dễ dàng quan sát được. Để chu du trong vũ trụ từ khoảng cách 6 tỷ năm ánh sáng với tốc độ ánh sáng, chớp sóng vô tuyến FRB170107 phải có được nguồn năng lượng cực kỳ lớn."
*Một năm ánh sáng tương đương 9,4 nghìn tỷ km.
Để có thể chu du từ khoảng cách 6 tỷ năm ánh sáng, với tốc độ của ánh sáng, năng lượng phóng ra FRB phải cực lớn. Ảnh: SciTech Daily.
Tiến sĩ Jean-Pierre Macquart thuộc Đại học Curtin, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm, những chớp sóng vô tuyến này tương tự như những tín hiệu từ đèn hải đăng. Rất có thể, ở một nơi xa xôi ngoài vũ trụ, người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với con người Trái Đất.
Hiện tại, các nhà thiên văn học tài kính thiên văn ASKAP đang tổng lực sử dụng tổng cộng 36 anten vô tuyến (đường kính 12m mỗi anten) để tiếp tục dò tìm FRB cũng như giải mã nguồn gốc bí ẩn của nó.
Được phát hiện lần đầu tiên năm 2007, chớp sóng vô tuyến (FRB) là một trong những bí ẩn khó hiểu nhất đối với giới thiên văn học. Vì chúng xuất hiện đột ngột, trong thời gian cực ngắn nên các nhà khoa học rất khó nắm bắt.
Tính cho đến nay, giới thiên văn học thế giới phát hiện tổng cộng gần 20 chớp sóng vô tuyến nhanh từ vũ trụ.
Dịch từ: The Sydney Morning Herald