Sự ra đời của Lahti L-39
Súng trường chống tăng Lahti L-39
Sau Thế chiến I và đặc biệt trong Thế chiến II, xe tăng có những bước phát triển rất nhanh, mạnh trong cả kỹ thuật chế tạo lẫn chiến thuật sử dụng. Các cường quốc trên thế giới đã nhận thức được vai trò của vũ khí này trong chiến tranh và ra sức xây dựng một lực lượng chiến xa hùng mạnh.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, song song với việc chạy đua chế tạo xe tăng, vũ khí chống tăng cũng ráo riết được nghiên cứu. Trước khi bazooka ra đời, súng trường cỡ nòng lớn từng được mệnh danh là phương tiện chống tăng và xe bọc thép hiệu quả nhất.
Những vết đạn trên thân một chiếc xe tăng
Súng trường chống tăng đòi hỏi các nhà chế tạo vũ khí phải nỗ lực rất nhiều để nhồi nhét vào thân súng những yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe so với công nghệ thời bấy giờ: hỏa lực mạnh, độ chính xác cao, tầm bắn xa để có thể xuyên giáp xe tăng, nhưng đồng thời lại phải dễ mang vác và dễ sử dụng.
Một số loại súng trường chống tăng
Một trong những khẩu súng trường chống tăng cỡ nòng lớn nổi tiếng nhất của thời Thế chiến II là mẫu súng Phần Lan có cái tên rất dài: model 20 Panssarintorjuntakkivääri L-39 (viết tắt là 20 pst.kiv L-39).
Khẩu súng này được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi Lahti L-39, gắn với tên của người sáng chế ra nó - Aimo Johannes Lahti (1896 - 1970). Quân đội Phần Lan đặt cho súng biệt danh Norsupyssy (súng săn voi) do có kích thước và khối lượng lớn.
Kích thước của Lahti L-39 rất "khủng"
Những nguyên mẫu đầu tiên được Aimo Johannes Lahti tạo ra vào năm 1939. Khi đó, các sĩ quan Quân đội Phần Lan vẫn tin dùng loại đạn 13,2 mm và tỏ ý nghi ngờ đạn 20 x 113 mm do Lahti thiết kế dành riêng cho súng. Họ tin rằng sơ tốc của đạn 20 mm không đủ để xuyên giáp xe tăng, và loại có tốc độ bắn cao cùng cỡ đạn nhỏ sẽ hiệu quả hơn.
Giới thiệu súng trường chống tăng Lahti L-39
Lahti L-39 trong chiến đấu
Thế nhưng sau nhiều thử nghiệm vào mùa hè năm 1939 với mục tiêu là tấm giáp dày 30 mm, súng trường 20 mm đã chứng tỏ hiệu quả chống tăng cao hơn hẳn súng máy 13,2 mm, vì vậy đạn xuyên 20 x 113 mm đã chính thức được lựa chọn.
Lahti L-39 trong chiến đấu
Súng có bộ phận giảm giật dài ở đầu nòng với 5 cửa chia khí mỗi bên. Đệm tì má và đệm đế báng có lò so ở báng súng làm giảm sức giật phản hồi lên xạ thủ. Dù vậy, độ giật của L-39 vẫn rất mạnh.
Bộ phận giá súng để tăng độ ổn định khi ngắm và bắn có thiết kế rất đặc biệt, bao gồm hai đôi chân. Một đôi có đế trụ nhọn dùng cho mặt đất cứng, một đôi đế dạng ván trượt dùng cho nền đất mềm hoặc mặt tuyết.
Lahti L-39 là một khẩu súng khá cồng kềnh
Lúc này lưỡi lửa của chiến tranh đã tiến tới rất gần Phần Lan. Tháng 9/1939, Quân đội Phần Lan đặt hàng 410 khẩu từ nhà máy quân khí VKT, nhưng thời điểm này quá muộn vì chỉ vài tháng sau là nổ ra chiến tranh với Liên Xô (Cuộc chiến mùa Đông 1939 - 1940).
Việc sản xuất loại đạn mới gặp khó khăn, do đó lô súng đầu tiên và toàn bộ về sau phải thay đổi thiết kế để có thể bắn loại đạn phòng không 20 x 138 mmB Rheinmetall-Borsig/Solothurn mà Phần Lan đang sử dụng khi đó. Ngoài ra, đạn 20 x 138 mmB cũng cho sơ tốc tốt hơn loại 20 x 113 mm vì lượng thuốc phóng nhiều hơn.
Lahti L-39 với đế dạng ván trượt
Lahti L-39 được sử dụng tích cực trong suốt 2 năm chiến tranh với Liên Xô và cả trong Thế chiến thứ II, tuy nhiên do tốc độ phát triển của thiết giáp quá nhanh, khiến súng trường chống tăng cỡ nòng lớn ngày càng trở nên yếu thế.
Mặc dù L-39 không thể bắn xuyên giáp xe tăng T-34 và KV-1 nhưng nó vẫn tỏ ra khá hiệu quả đối với các xe tăng hạng nhẹ, binh lính trú trong lỗ châu mai của lô cốt, mục tiêu tầm xa, thậm chí cả máy bay.
Một chiếc xe tăng bị phá hủy bởi súng trường chống tăng
Súng cũng được sử dụng trong chiến thuật chống bắn tỉa "Cold Charlie": Lính Phần Lan dựng một hình nộm mặc đầy đủ quân phục sĩ quan, lính bắn tỉa Liên Xô khi phát hiện ra nó sẽ ngắm bắn vì tưởng là người thật, dẫn đến làm lộ vị trí của chính mình, sau đó lính bắn tỉa Phần Lan sẽ sử dụng Lahti L-39 để triệt hạ đối phương.
Lahti L-39 với hòm đựng chuyên dụng
Khi Thế chiến thứ II kết thúc, phần lớn những khẩu L-39 được bán cho các nhà sưu tập vũ khí, chỉ một số rất ít còn được sử dụng để bắn trực thăng.
Ngày nay, một phần do đạn dược dùng cho loại súng này đã trở nên rất khan hiếm, phần khác vì đạn 20 mm bị quy là "vũ khí phá hủy" theo luật pháp Mỹ, nên súng được hoán cải để sử dụng loại đạn .50 BMG (12,7 mm) thông dụng hơn và phù hợp với Luật kiểm soát vũ khí Mỹ.
Anh chàng blogger của kênh YouTube FullMag đã thực hiện lại cú bắn từ một khẩu súng trường chống tăng Lahti L-39 với mục tiêu là 16 tấm thép, mỗi tấm dày 6 mm. Kết quả thử nghiệm cho thấy: cụ súng đã gần 80 tuổi L-39 "chỉ" có thể đâm xuyên 6 tấm (36 mm) và làm lõm khá sâu vào tấm thứ 7.
Súng chống tăng 80 tuổi vẫn bắn xuyên 36 mm giáp