Lạc vào hang động bí ẩn trên núi, người nông dân bất ngờ tìm ra 'hóa thạch rồng' dài hơn 7m: Chân tướng ra sao?

Tiểu Ngọc |

Sau khi nghe tin về bộ xương rồng vĩ đại trong hang động, người dân xung quanh đã kéo đến rất đông để xem xét, thậm chí là cúng bái.

Rồng trong lịch sử

Hình tượng rồng từ lâu đã ăn sâu bén rễ vào nền văn hóa Trung Quốc. Rồng luôn là biểu tượng tối cao của quyền lực, sức mạnh và điềm lành. Trang phục cho hoàng đế Trung Hoa cũng được gọi là "long bào", còn "long ỷ" (ghế rồng) là ghế ngồi thiết triều của hoàng đế.

Tuy nhiên, một linh vật có tầm ảnh hưởng lớn như loài rồng có thật sự tồn tại hay không vẫn là ẩn số. Người ta có thể tìm rất nhiều tài liệu ghi lại, vẽ lại hình tượng rồng, tuy nhiên, tất cả dường như chỉ là sự tưởng tượng của con người mà không hề có bất kỳ bằng chứng khoa học nào về loài rồng trong tự nhiên.

Lạc vào hang động bí ẩn trên núi, người nông dân bất ngờ tìm ra hóa thạch rồng dài hơn 7m: Chân tướng ra sao? - Ảnh 1.

Hình tượng rồng Trung Hoa. Nguồn: Sohu

Có một giả thuyết nhận được khá nhiều sự ủng hộ đó là nguồn gốc nguyên sơ của hình tượng rồng bắt đầu từ loài rắn. Vào thời cổ đại, các bộ lạc khác nhau sẽ sở hữu tín ngưỡng thờ vật tổ khác nhau, bộ tộc đầu tiên tại Trung Hoa cũng thờ phụng loài rắn.

Về sau, cùng với việc phát triển và mở rộng lãnh thổ, bộ tộc ấy đã từ từ chinh phục các bộ tộc khác.

Trong quá trình đó, vật tổ của các bộ tộc bị chinh phục dần dần dung nhập, tích hợp vào vật tổ rắn, hành vi này một mặt thể hiện chiến tích của kẻ thắng cuộc, mặt khác lại xoa dịu kẻ thua cuộc - thay vì bị triệt tiêu thì coi họ như một bộ phận của mình.

Bằng cách này, khi vật tổ rắn kết hợp ngựa, cá sấu, đại bàng… nó từ từ tạo thành một sản phẩm hợp nhất chứa hầu hết các đặc điểm của những con vật khác. Từ đây biểu tượng rồng ra đời. Vốn đã chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng thờ vật tổ, hiển nhiên một sản phẩm tích hợp sức mạnh của tất cả các bộ lạc sẽ nhận được sự tôn kính và ngưỡng mộ tuyệt đối của người dân.

Hang động bí ẩn

Vào năm 1996, tại vùng núi thuộc huyện Quan Lĩnh, Quý Châu, Trung Quốc, một người nông dân tình cờ phát hiện ra một hang động khá lớn. 

Khi tiến vào, anh đã vô cùng ngỡ ngàng khi nhìn thấy những dấu vân khổng lồ trên vách hang động. Tò mò loại bỏ lớp đất trên bề mặt, người nông dân ngỡ ngàng phát hiện một bộ xương khổng lồ có hình dạng giống con rồng.

Lạc vào hang động bí ẩn trên núi, người nông dân bất ngờ tìm ra hóa thạch rồng dài hơn 7m: Chân tướng ra sao? - Ảnh 3.

"Bộ xương rồng" được tìm thấy trong hang động. Ảnh: Sohu

Sau khi nghe tin về bộ xương rồng vĩ đại trong động, người dân xung quanh đã kéo đến rất đông để xem xét thậm chí cúng bái. Không lâu sau, các chuyên gia khảo cổ cũng đã nghe tin và lập tức đến Quý Châu tiến hành công việc nghiên cứu. Sau khi họ dọn sạch đất đá xung quanh, "con rồng thực sự" hiện ra đầy đủ trước mặt mọi người.

Hóa thạch trong động được bảo quản khá nguyên vẹn, tổng chiều dài là 7,6m, trong đó phần đầu dài 76 cm; cổ 54 cm; thân dài 2,7m; đuôi dài 3,7 m; đầu hình tam giác, miệng dài 0,43m, chỗ rộng nhất của đầu khoảng 0,32m.

Đặc điểm hình thái giống với rồng nhất là hai sừng nhọn nhô lên trên đầu, rất giống dáng vẻ của loài rồng cổ nên còn được gọi là hóa thạch "rồng Trung Hoa mới". Đây cũng là nguyên nhân khi đất đá chưa được làm sạch dân làng đã lầm tưởng đó là con rồng trong văn hóa của mình.

Lạc vào hang động bí ẩn trên núi, người nông dân bất ngờ tìm ra hóa thạch rồng dài hơn 7m: Chân tướng ra sao? - Ảnh 5.

Hóa thạch sau khi được các chuyên gia xử lý. Nguồn: Sohu

Các chuyên gia vô cùng hài lòng với chuyến đi này bởi cho dù đó không phải là rồng trong truyền thuyết thì hóa thạch này cũng vô cùng quý giá bởi họ chưa từng biết đến sinh vật nào tương tự trước đây.

Sau khi giám định kỹ càng các lớp đất đá cùng hóa thạch, các chuyên gia xác định rằng đây là một loài bò sát sống trong Kỷ Tam Điệp hơn 200 triệu năm trước.

Nó có khải năng sống cả trên cạn và dưới nước với các chi mềm mại và đuôi dài cứng cáp, thức ăn chủ yếu là cá và các loài bò sát thủy sinh nhỏ. Đây có thể là chìa khóa chứa đựng những câu hỏi chưa có lời giải đáp về sự hình thành và phát triển trái đất của chúng ta.

Chính quyền huyện Quan Lĩnh sau đó đã lên kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo vệ các hóa thạch cổ và các di tích địa chất trong vùng lân cận với vốn đầu tư hàng năm lên tới 1,5 triệu NDT.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại