Biến cố cuộc đời
Phạm Sỹ Long (SN 1988) trú ở xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống không mấy khá giả nhưng chị em Long được ăn học đến nơi, đến chốn.
Là con trai duy nhất của gia đình, Long được bố mẹ rất kỳ vọng. Vì lẽ đó, từ nhỏ Long đã được cả nhà cưng chiều. Thế rồi, một biến cố lớn xảy ra đã đưa cuộc đời Long rẽ sang một hướng khác.
Sau tai nạn, Long phải tập viết bằng miệng.
Năm 2003, khi tròn 15 tuổi trong một lần trèo cây, Long không may bị ngã. "Cú ngã cắm thẳng đầu xuống đất khiến em đau đớn. Lúc đó, em rất tỉnh nên mọi người nghĩ là em không bị làm sao.
Bản thân em cảm nhận được một luồng khí nóng dọc sống lưng của mình kèm cái đau buốt đến tê dại", Long kể về lần bị tai nạn đó.
Khi tỉnh lại, Long thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân đau đớn. Do vết thương nặng, Long được chuyển thẳng ra bệnh viện Việt Đức.
Kết quả chụp chiếu, các bác sỹ cho biết Long bị dập 2 đốt xương số 3 và số 4 ở cổ không thể phục hồi. Sau mấy tháng điều trị không có kết quả, Long được các bác sỹ cho về.
Thi sĩ cầm bút bằng… miệng
Từ đó, từ phần cổ trở xuống, Long không cảm nhận được gì cả. "Năm đó, em đang chuẩn bị vào học lớp 10. Chỉ vì tai nạn đó mà em phải nằm một chỗ.
Ban đầu em sốc lắm, những cơn đau cứ hành hạ em. Rồi cảm giác các bạn được đi học còn mình nằm một chỗ không thể tự chủ được gì khiến em tự ti. Nhiều lần em buông xuôi muốn tìm đến cái chết để không là gánh nặng cho bố mẹ", Long nhớ lại.
Được sự động viên của gia đình, Long đã dần bình tâm trở lại. Cậu chấp nhận cuộc sống thực vật. Những ngày nằm không, Long nghĩ ra cách để tập viết bằng miệng.
Mẹ Long luôn ở bên chăm sóc đứa con tội nghiệp.
Sau 2 tuần luyện tập, Long đã có thể viết thành thạo. Từ đó, Long nghĩ, sao mình không viết gì hay làm điều gì có ý nghĩa. Thế rồi, những bài thơ, những trang nhật ký thấm đẫm nước mắt kể về cuộc đời của chính mình được Long viết lên trang giấy trắng.
Dần tìm lại được sự tự tin của mình, Long mạnh dạn viết thư kết bạn bốn phương. Niềm vui của chàng trai trẻ cứ thế đong đầy theo năm tháng. Long thấy mình sống có ích và có niềm vui mỗi ngày.
Ý nguyện hãi hùng
Chuỗi ngày bình yên của Long cứ vậy trôi qua trong vòng tay của mẹ và người thân. Vào ngày 7/4/2016 vừa qua, người bác họ của Long ở Nghệ An qua chơi.
Trong lúc nói chuyện, người bác này gợi ý cho về ca phẫu thuật ghép đầu sắp được thực hiện trên thế giới. Sau khi bác về, Long mày mò lên mạng tìm thông tin. Đọc và ngẫm nghĩ, Long đã đi đến một quyết định lạ lùng.
Long giãi bày: "Qua những thông tin trên mạng, em được biết, ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới sẽ được tiến hành vào năm 2017. Nếu ca phẫu thuật đó thành công thi ở Việt Nam cũng sẽ tiến hành.
Em biết, để thực hiện được ca phẫu thuật đó cần người bại liệt toàn thân cho đầu cũng như cần người cho phần thân. Em thấy mình là người phù hợp để cho đầu nên đã viết tâm thư với mong muốn được hiến đầu cho y học".
Long viết tâm thư xin được hiến đầu.
Nghĩ là làm, Long cặm cụi gần 1 ngày trời để viết bức tâm thư về mong muốn được hiến đầu cho y học. Quyết định của Long khiến mọi người trong gia đình bất ngờ và phản đối.
Để trấn an mọi người Long nhẹ nhàng giải thích. Cậu mong nhận được sự ủng hộ của cả nhà.
"Lần trước, em từng có ý định hiến xác cho y học và bị cả nhà phản đối. Lúc đó, mọi người can ngăn nhiều lắm nên em bỏ ý định đó.
Lần này, thấy em quyết tâm mẹ và các chị đều khóc khuyên em nghĩ lại. Về sau, thấy em kiên quyết quá mọi người cũng xuôi", Long chia sẻ.
Sau khi gửi tâm thư, Long đang hồi hộp để chở kết quả xem mình có được chấp nhận việc hiến đầu hay không. Hàng xóm, láng giềng khi hay tin Long sẽ hiến đầu ai cũng ngạc nhiên và ngăn cản.
Bà Trần Thị Hà (SN 1958) mẹ của Long cho biết: "Gia đình rất bất ngờ trước quyết định của Long. Trước đây, nó từng có ý định hiến xác chúng tôi đã phải khuyên can rất nhiều nó mới chịu thôi. Long là con trai một trong gia đình.
Từ ngày bị tai nạn nó đã phải sống cuộc sống người thực vật rồi. Là một người làm mẹ, tôi đau khi con mình phải nằm vậy nhưng tôi cũng thấy may mắn khi Long còn sống.
Giờ Long quyết định hiến đầu, can mãi không được thì cũng đành chập nhận mà "thành toàn" cho ý nguyện của con".
Dù không muốn nhưng bà Hà vẫn phải đồng ý với ước nguyện của con.
Nếu chết cũng là cái chết đầy ý nghĩa…
Long bảo, khi đưa ra quyết định đó em đã suy nghĩ rất nhiều. Y học dù có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa nhưng ghép đầu là chuyện cực kỳ khó khăn. Bởi thế, ca phẫu thuật đó cũng có nhiều khả năng thất bại.
Tuy nhiên, bỏ qua nỗi lo sợ, Long vẫn muốn thực hiện mong muốn đó của mình. Tâm sự, Long bảo, nếu ca phẫu thuật thành công thì cuộc đời Long sẽ sang trang mới.
"Nếu thất bại, em vẫn chấp nhận. 14 năm nay em ăn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân và giờ em không muốn phải phụ thuộc như vậy nữa.
Em cũng đã lường đến nếu ca phẫu thuật không thành công thì coi như em là một thí nghiệm để các bác sỹ rút ra được bài học. Em muốn sống có ý nghĩa và nếu có chết thì cái chết đó cũng cống hiến được cho nền y học nước nhà", Long tâm sự.