Nỗi tủi buồn của cụ ông từng muốn yêu như tiểu thuyết
Căn phòng của ông Nguyễn Văn Khuê, 76 tuổi và bà Phạm Thị Chín, 62 tuổi ngăn nắp, ấm cúng nằm ở tầng 1 của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng (quận Kiến An).
Ông Khuê chống nạng, đứng bất động nhìn ra sân bằng ánh mắt tươi vui.
Phía trong, bà Chín đang hí hoáy làm việc. Bà đang soạn sửa mấy thứ để chuẩn bị cho bữa trưa của hai người.
Ông Khuê, bà Chín đã về ở với nhau từ mấy năm nay. Bà Chín bị khiếm thị từ bé, mắt không trông thấy gì, còn ông Khuê thì bởi bệnh khớp mà hơn nửa thế kỷ nay chỉ đứng trơ trơ như khúc gỗ.
Căn bệnh quái ác khiến xương từ đầu gối đến cổ ông Khuê dính liền với nhau, không thể ngồi hay quay ngang quay ngửa. Không có bà Chín, đời ông Khuê cũng tối rầm, buồn bã.
Bạo bệnh khiến ông Khuê cả ngày chỉ đứng nguyên một chỗ.
Ông Khuê có tâm hồn, sống lãng mạn. Niên thiếu, mơ mộng, ông thích và ước mình có một mối tình như tiểu thuyết. Nhưng rồi, trái tim chưa kịp rung động vì ai thì đời rơi vào vòng nguy khốn.
Nhà ông trước đây ở phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền. Nhà khá giả nên anh em được ăn học tới nơi tới chốn. Học hết phổ thông, ông thi đỗ vào Đại học Nông Nghiệp ở Hà Nội. Khi ấy, cuộc đời đang như là mơ.
Học xong, về lại Hải Phòng đi làm được vài năm thì ông thấy chân mình đau nhức, đi lại rất đỗi khó khăn. "Ngày bé, bởi tôi nghịch ngợm nên đi đâu vắng là bố tôi khóa cửa nhốt trong nhà.
Một sáng, bởi phải đến trường, không còn cách nào khác, tôi phải nhảy từ tầng hai xuống đất. Cú nhảy ấy khiến lưng tôi sụn xuống. Tưởng là không sao nên tôi chẳng nói với ai. Không ngờ hành động dại dột đó lại để lại di chứng nặng nề như vậy", ông Khuê nhớ lại.
Thương con, gia đình ông đã bán cả gia sản để chạy chữa khắp nơi. Ông Khuê bảo, có thời kỳ thân thể ông không khác nào vật thí nghiệm để người ta mổ xẻ. Cứ vết mổ này vừa lành thì ông lại lên giường bệnh để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng đó đều vô hiệu.
Khi tài sản trong nhà trống trơn thì cũng là lúc ông phải chấp nhận sống kiếp phế nhân. Hơn 50 năm nay ông chỉ đứng, không ngồi. "Người tôi giờ liền một khối như khúc gỗ ấy", ông Khuê chia sẻ.
Năm 1980, khi bố mẹ đã lần lượt về bên kia thế giới, không còn lựa chọn nào khác, ông Khuê đành vào trung tâm này.
Vào đây, ông Khuê thấy nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Họ không còn nơi bấu víu, tựa nương.
Khi mới vào "ngôi nhà của những người già neo đơn", ông Khuê được xếp ở cùng với những cụ ông có cảnh ngộ bi đát chẳng khác gì mình.
Người già khó tính, lại thêm buồn tủi về số phận nên hay cáu gắt. Thậm chí, bởi buồn chán nên giống trẻ con, dù thương nhau đến nhói gan buốt ruột nhưng nhiều lúc vẫn chành chọe, bắt nạt lẫn nhau.
Ông Khuê bảo, bởi sống lành, lại thêm bệnh trọng nên ông hay bị chèn ép. "Nhiều lúc cũng ứa nước mắt đấy chứ", ông Khuê chia sẻ.
Chiến tranh cướp đi của bà Chín đôi mắt.
Thấy thương thì ở với nhau
Thấy ông Khuê thường tâm sự chuyện mình bị "bạn cùng phòng bắt nạt", bà Chín thương.
Bà Chín quê ở xã Đặng Cương, huyện An Dương. Tuổi xuân thì, bà Chín đẹp có tiếng. Bà bảo, ngày ấy, nhiều trai làng đã qua lại nhà bà ngỏ lời thương yêu. Thế nhưng, chiến tranh tàn khốc, một lần chạy bom không kịp, bà đã bị mù.
Mắt hỏng, ánh sáng cuộc đời cũng tắt. Dù có chị có em, dù thương bà nhiều lắm nhưng bởi nghèo nên mọi người cũng chẳng thể bao bọc bà mãi được. Thêm nữa, tính bà chẳng muốn lụy ai nên dù bốn phía chỉ thấy một màu đen kịt, bà vẫn lặn lội để tự nuôi sống mình.
Và rồi số phận đẩy đưa, năm 1984, nhờ sự giới thiệu của hội người mù huyện An Dương, bà vào trung tâm này để làm tăm tre. Vài năm sau, khi mô hình sản xuất trên không còn hiệu quả, bà định rời đi nơi khác.
Tuy nhiên, quý mến, mọi người khuyên bà ở lại. Nghĩ đời mình cũng chẳng còn hi vọng gì nữa, lại thêm tình cảm của mọi người níu kéo, bà đã quyết định gắn bó với mái nhà này.
Quyết định gắn bó nhưng để sống được ở đây đến tận bây giờ, với bà Chín là một hành trình khó khăn. Bà bảo, bà từng bị đuổi khỏi trung tâm vì một "án oan" mà đến giờ nhắc lại, bà vẫn thấy còn nhiều bức xúc.
Bởi xinh đẹp nên bà đã bị một cán bộ có máu lăng nhăng bỡn cợt. Không có tình cảm, lại thêm chuyện cán bộ này nổi tiếng bởi tính "dê xồm" nên bà đã thẳng thắn chối từ.
Ỡm ờ hoài mà không được gì, vị cán bộ biến chất kia đã tung tin bậy là bà bởi quan hệ gái trai mà có chửa. Ngày ấy, chuyện này là tối kỵ. Bởi thế, ngay khi tin đồn kia bung ra, chẳng cần nắm rõ thực hư, bà bị trục xuất.
Ra đường mà chẳng biết đi đâu, lại thêm oan khiên chất ngất, không còn cách nào khác, bà dò đường lên thẳng Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố kêu cứu.
Nghe bà trình bày nguồn cơn, Sở đã mở cuộc điều tra. Và, chỉ trong thời gian ngắn, trắng đen đã được phơi bày. Người cán bộ trên bị buộc thôi việc, còn bà Chín thì lại được quay về với mái ấm của mình.
Thương ông Khuê bệnh tật, bà Chín nguyện về ở chung để tiện bề chăm sóc.
Bà Chín kể, ngay từ khi vào trung tâm, bà đã có tình cảm với ông Khuê. Mắt sáng, ông thường chỉ bảo cho bà những việc mà một người mù khó bề xoay xở.
"Tôi thấy ông ấy hiền lành, lại hay giúp đỡ tôi mà chẳng tính toán gì nên có cảm tình, vậy thôi", bà Chín hồn nhiên kể.
Bởi có cảm tình nên nghe tâm sự của ông về chuyện bị… bạn già cùng phòng chèn ép, bà thương lắm. Nghĩ thôi thì đều là cảnh neo đơn, tựa vào nhau được tí nào hay tí ấy, bà đã mạnh dạn… ngỏ lời để đón ông về ở chung phòng.
"Đề xuất" của bà khiến ông... choáng váng! Ông bảo, ấy là năm 2004, tuổi đã lục tuần nhưng trái tim ông vẫn chưa hề rung động vì ai. Thời trẻ thì mơ tình như tiểu thuyết nên chẳng kịp yêu, khi lâm trọng bệnh thì tủi phận nên đóng chặt tim mình.
Nghĩ bà Chín là phận gái lại chủ động như vậy thì hẳn bà ấy thương mình thật bụng nên sau vài đêm suy nghĩ, ông đã gật đầu ưng thuận.
Hai ông bà làm đơn lên lãnh đạo trung tâm bày tỏ nguyện vọng sống chung.
Đương nhiên, bởi muốn tuổi già được vui vẻ, hạnh phúc, lại thêm khi ở chung như vậy, ông bà có điều kiện chăm nhau, cán bộ trung tâm cũng vơi đi phần nào lo lắng, vất vả nên đơn gửi lên, lãnh đạo trung tâm đã ký cái roạt.
Thấy đời còn tươi sáng
Sống chung một phòng, ông bà chăm nhau từng li từng tí. Bà Chín chăm chỉ nên phòng lúc nào cũng sạch bong, ngăn nắp.
Ông Khuê thường chỉ đứng. Muốn nằm, muốn dậy, ông lại gọi bà Chín đỡ lưng. Chưa một lần gửi trao những lời thề non hẹn biển hay nói chuyện tình nghĩa trăm năm nhưng bà Chín chăm sóc ông như thể vợ chăm chồng.
Ông Khuê bảo, ngày mới về ở với nhau, ngay cả những chuyện vệ sinh tế nhị, bà Chín cũng xắn tay vào giúp khiến ông ngượng chín người.
Tuy nhiên, thấy bà làm việc ấy mà chẳng chút e dè, ông hiểu, bà làm bởi cái tâm trong sáng.
"Tôi không coi bà ấy là vợ, cũng chẳng là người yêu. Bà ấy là người đặc biệt nên tình cảm của tôi dành cho bà ấy cũng đặc biệt. Tôi không thể định nghĩa tình cảm đó thế nào nữa", ông Khuê bẽn lẽn.
Thật lòng, bà Chín bảo, bà cũng nghĩ giống ông. "Tôi thấy ông ấy khổ thì tôi thương, tôi nguyện chăm sóc ông ấy suốt phần đời còn lại thôi", bà Chín giãi bày.
Tầng hai của dãy nhà là "mái ấm" của ông Trần Trung Hậu và bà Trần Thị Khoai. Ông Hậu sinh năm 1934, tuy lành lặn nhưng trong người nhiều chứng bệnh. Bà Khoai kém ông Hậu hơn 20 tuổi, dáng người phốp pháp, khỏe mạnh.
Khi chúng tôi tới thăm, bà Khoai đang lúi húi nhặt rau trong bếp, còn ông Hậu thì nằm nghỉ trên giường. "Cơm có trung tâm lo rồi, nhưng ông ấy thích ăn thêm rau xanh nên tôi nhặt rau để chiều ông ấy", vừa nhặt những cuống rau mơn mởn bà Khoai vừa chia sẻ.
Bà Khoai nhặt thêm rau để "người cùng phòng" có bát canh ngon.
Giống như bà Chín, bà Khoai bảo, thấy ông Hậu tuổi cao, sức yếu cần người chăm sóc nên bà đã tình nguyện về dựng xây tổ ấm.
"Chúng tôi đều đã có tuổi rồi, tình cảm nam nữ không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, tình người thì ai chẳng có, càng già thì càng thấy cần có nhau hơn", bà Khoai thật thà.
Về ở với nhau, từng bữa thuốc, bữa cơm của ông Hậu đều được bà Khoai quán xuyến.
"Không còn chỗ nương tựa nữa nên tôi mới phải vào đây. Nói thật, được bà ấy thương tôi thấy mình còn may mắn. Tuổi này tôi chẳng mong ước gì, chỉ mong mình khỏe để bà ấy đỡ khổ thôi", ông Hậu tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Huy Quang, giám đốc trung tâm cho biết, trung tâm hiện đang nuôi dưỡng hơn 90 người già cô đơn, tuổi từ 60 đến trên 90.
Vào đây, tất cả đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đa phần nhân viên trung tâm phải phục vụ, chăm sóc hoàn toàn từ sinh hoạt cá nhân đến bữa ăn, giấc ngủ.
Bởi vậy, dù được sự quan tâm của nhà nước, dù các điều dưỡng viên đã làm hết sức mình thì cũng không thể hoàn mĩ, vẹn toàn.
Con chăm cha không bằng bà chăm ông, bởi ý nghĩa đó mà khi cặp đôi nào có nguyện vọng về sống cùng nhau, tìm hiểu thấy họ có cảm tình với nhau thật sự thì trung tâm cũng sẵn sàng ủng hộ.
"Tuổi già, họ đến với nhau bằng tình thương trong sáng thì phải ủng hộ chứ", ông Quang chia sẻ.
Ông Hậu, bà Khoai xây dựng mái ấm là bởi tình người trong sáng.
Theo ông Quang, hiện tại ở trung tâm có 3 cặp đôi đang "dựng xây mái ấm". "Trước đây thì có nhiều hơn nhưng tuổi cao, vài cụ đã khuất bóng rồi", ông Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, khi quyết định về ở với nhau, các cụ đã suy nghĩ rất kỹ. Bởi thế, từ trước tới nay chưa có cặp nào "nói lời ly biệt".
"Ở ngoài, người trẻ hợp rồi tan nhanh lắm, nhưng ở đây thì không có chuyện đó. Đến với nhau bằng tình thương thật sự thì các cụ cũng rất dễ thông cảm, chia sẻ với nhau. Nhìn mọi người yên ấm, chúng tôi cũng thấy yên lòng", ông Quang chia sẻ.