Lạ đời thừa tướng bỏ tiền mua chức tước nhưng lại được người đời kính nể, hậu thế thán phục

Minh Nhật |

Hầu hết những người mua quan bán chức thường giàu có nhưng kém tài, phải bỏ tiền ra mua chức tước rồi sau đó sẽ tìm cách vơ vét, tham ô để "hoàn vốn" và kiếm lời. Tuy nhiên, ngoại lệ, trong lịch sử Trung Quốc có một vị thừa tướng bỏ tiền ra mua chức tước nhưng sống ngay thẳng, thanh liêm khiến người đời kính nể.

Mặc dù bỏ tiền mua chức tước, nhưng thừa tướng Hoàng Bá thời Tây Hán lại rất thanh liêm, thương dân như con nên được người đời kính nể, hậu thế thán phục. Ảnh minh họa.

Mặc dù bỏ tiền mua chức tước, nhưng thừa tướng Hoàng Bá thời Tây Hán lại rất thanh liêm, thương dân như con nên được người đời kính nể, hậu thế thán phục. Ảnh minh họa.

Theo Sohu, người này chính là thừa tướng Hoàng Bá thời Tuyên Đế của triều Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Gia đình Hoàng Bá rất giàu có, ông đã học hành chăm chỉ từ khi còn nhỏ và có khát vọng được trở thành một vị quan thanh liêm để giúp người, giúp đời.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhà Tây Hán lại thực hiện chế độ tiến cử tức là những người muốn ra làm quan phải được người đã làm quan tiến cử mới được.

Trong khi đó, Hoàng Bá lại chưa bao giờ được vị quan lại nào tiến cử, vì vậy ông quyết định trở thành một quan chức bằng một cách khác. Đó là dùng tiền "mua danh bán chức".

Mà vua Tây Hán thời đó vì muốn có nhiều tiền để nuôi quân, nên việc mua một chức quan trở thành việc không có gì là lạ.

Cuối thời Hiếu Vũ hoàng đế, Hoàng Bá muốn làm quan nên đã bỏ tiền mua chức thị lang yết giả nhưng chẳng bao lâu nhân vì huynh đệ phạm pháp, chịu liên lụy bị bãi miễn.

Sau đó, Hoàng Bá lại bỏ tiền mua một chức Tốt sử, một chức quan nhỏ khác không có thực quyền. Nhiệm vụ của Hoàng Bá khi đó chỉ là quản lí sổ sách chi thu và thóc trong phủ huyện.

Sau nhờ ông biết rành pháp luật, làm việc nhanh chóng, đối xử với mọi người ôn hòa nên được lòng nhiều người. Ông cũng nổi tiếng liêm khiết nên được Thái thú Hà Nam rất kính trọng ông, người dân đương thời cũng yêu mến ông.

Đến thời Hiếu Chiêu hoàng đế, triều đình dùng pháp chế mạnh mẽ trị thiên hạ, khiến quan viên các nơi đua nhau lạm dụng thi hình pháp với bách tính. Chỉ có một mình Hoàng Bá vẫn dùng hình khoan dung, thương xót bách tích nên càng được người đời yêu mến.

Sau khi Hiếu Tuyên hoàng đế lên ngôi, ông được thăng chức Đình úy chính, phụ trách việc tư pháp toàn quốc. Ông lần nào thẩm án cũng đều công bình thỏa đáng, được cả triều đều khen ngợi, rồi được phong chức Trưởng sử phủ Thừa tướng.

Tuy nhiên, lúc này Hoàng Bá lại dính vào vụ án Hạ Hầu Thắng phạm tội đại bất kính, nên bị giam vào ngục.

Ba năm sau, ông mới được ra tù. Theo sự tiến cử của một vị quan đại thần trong triều, Hoàng Bá được phong làm Dương Châu Thứ sử sau lại thăng làm Dĩnh Xuyên Thái thú.

Tương truyền, Tuyên đế là vị hoàng đế chăm lo trị nước, thương dân như con. Ông nhiều lần ban chiếu thư yêu cầu các quan phải thương xót bách tính nhưng các quan nhiều nơi không tuyên bố.

Duy chỉ có Hoàng Bá luôn tận tụy chăm lo cho đời sống của dân chúng, giúp họ được ăn no mặc ấm. Nhân khẩu trong vùng mà ông cai quản vì thế hàng năm đều tăng trưởng, đời sống của người dân cũng được nâng cao. Khi triều đình khảo hạch thành tích, Hoàng Bá luôn được xếp hàng đầu.

Tuyên đế biết được điều này, đã hết lời khen ngợi Hoàng Bá, thậm chí ban thưởng cho ông trăm lượng vàng, lụa là gấm vóc.

Năm 55 TCN, thừa tướng Bính Cát mắc bệnh và qua đời, Hoàng Bá lúc này 77 tuổi, được Tuyên đế bổ nhiệm chức thừa tướng, tiến phong là Kiến Thành Hầu. Sau khi trở thành thừa trướng, dưới 1 người, trên vạn người, Hoàng Bá vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp và cung cách làm việc như trước.

Ông chú trọng giáo dục, khuyến khích nông nghiệp, chấp chính khoan dung... rất được lòng dân. Thậm chí, người đời còn cho rằng, Hoàng Bá là viên quan trị dân giỏi nhất từ khi triều Tây Hán kiến lập cho đến lúc diệt vong. Năm 51 TCN, Hoàng Bá bệnh mất, thọ 81 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại