Đại học Ngoại thương (FTU) và Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) là 2 trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các trường đào tạo về Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh ở Việt Nam. Để thi đỗ vào FTU và NEU thì thí sinh phải có năng lực học tập thật sự xuất sắc. Với những ngành hot, thí sinh thậm chí phải đạt 10 điểm/môn mới chắc suất nhập học.
Những năm gần đây, 2 ngôi trường này hay được ví von là "ông lớn kinh tế", thường xuyên được đặt lên bàn cân để so sánh, từ chương trình học đến cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khoá, cơ hội việc làm, mức lương sau khi ra trường...
Được biết, đội ngũ giảng viên của FTU và NEU được tuyển chọn kỹ, với nhiều tiêu chí cao để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Với trường Đại học Ngoại thương, theo thông báo nhu cầu tuyển dụng của trường vào năm 2023, với các vị trí giảng viên, tiêu chuẩn yêu cầu chung thường là Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ chuyên ngành ứng tuyển, IELTS 7.0 trở lên, trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTTCB theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT...
Tuỳ từng vị trí giảng viên chuyên ngành nào mà sẽ có yêu cầu thêm, chẳng hạn, vị trí giảng viên bộ môn Marketing và Truyền thông sẽ ưu tiên ứng viên có ít nhất 2 năm kinh nghiệm về marketing/truyền thông,...
Vậy, mức lương của giảng viên tại trường Đại học Ngoại thương sẽ là bao nhiêu. Trong một lần chia sẻ với báo chí, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mức lương hàng tháng của giảng viên Ngoại thương dao động từ 8-30 triệu đồng, tùy thâm niên và vị trí công tác. Với giảng viên mới ra trường, thu nhập sẽ thấp hơn, khoảng 8 triệu đồng/tháng, bởi bậc lương của họ đang thấp và chưa có kinh nghiệm nên chưa được mời giảng dạy thêm ở bên ngoài.
Thực tế, với giảng viên đại học, ngoài công việc ở trường, họ có thể làm thêm ở bên ngoài sau khi đã đảm bảo công việc ở nhà trường theo đúng quy định. Bên cạnh đó, ngoài lương cứng, giảng viên có thể có thêm thu nhập vì dạy vượt giờ, có nghiên cứu đề tài khoa học, có công trình nghiên cứu được chuyển giao và kinh doanh có lãi...
Tổng hợp