Ký ức trận đánh sân bay Hòa Bình

Việt Thùy |

Sẻ chia gian khó trong chiến tranh, giờ trở về đời thường, các Cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn Đặc công 27, Đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công (nay là Tiểu đoàn 27, Lữ đoàn đặc công 113, Bộ Tư lệnh Đặc công) vẫn dành cho nhau tình thương yêu đồng đội vẹn nguyên với phương châm "Thương yêu giúp đỡ lẫn nhau - Sống vui khỏe và lạc quan - Phát huy truyền thống Bộ đội Đặc công anh hùng"...

Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam đồng hành cùng cả nước chống dịch COVID-19 Cựu chiến binh Đỗ Trắc Lộc: Người cha đặc biệt của những đứa con đáng thương! Lấy đầu đạn nằm 51 năm trong cơ thể một cựu chiến binh

Mỗi năm hơn một lần, từ thành phố Thái Nguyên, đoàn CCB Tiểu đoàn 27 Đặc công tỉnh Thái Nguyên lại chung một chuyến xe để về gặp mặt những người đồng đội chung một tuyến lửa. Năm nay, khi về thành phố Phủ Lý, Hà Nam, tôi được vinh dự tham gia. 

Trên xe, CCB Cao Văn Thường - Trưởng ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 27 Đặc công tỉnh Thái Nguyên, vỗ vai tôi cười khà khà: "Tham dự cuộc gặp mặt của bọn tớ, chú em sẽ thấy vui lắm!".

Cái vui thì tôi đã cảm nhận được ngay trong hành trình, toàn các chú, các bác râu tóc bạc phơ mà vẫn ngồi khề khà, mày tao chí tớ. Những câu chuyện tế nhị từng là bí mật mà những người trong cuộc thề sống thề chết không tiết lộ với thời gian, thì giờ cứ như mạch nguồn chảy suốt. 

Ai cũng móc hết ruột gan phơi bày cuộc sống quân ngũ ra để tâm sự: Nào là cái bận đang đi trinh sát đồn địch thì bị bọn địch nó tè ngay vào đầu, hay cái cậu lính mới ở đại đội khi lâm trận sợ quá bĩnh cả ra quần...

Mỗi câu chuyện là một lát cắt về hiện thực gian khó của một thời hoa lửa, vừa là niềm yêu thương trân trọng với những đồng đội không bao giờ quên trong trái tim của mỗi người và bây giờ là nguồn vui trên chặng đường gặp mặt.

Khi xe đến nơi, cái mơ hồ về sự thiêng liêng của tình đồng đội thêm một lần rõ nét trong tôi. Tình đồng đội là sợi dây bền chắc, khơi dậy khát vọng gặp gỡ những con người đã từng vào sinh ra tử trên chiến hào.

Từ Đắk Lắk xa xôi, CCB Phan Thanh Bình, nguyên chiến sĩ khẩu đội cối 60mm, Đại đội hỏa lực, Tiểu đoàn 27 cũng thu xếp ra Hà Nam để dự họp mặt. Ông Bình phấn khởi nói: 

"Tuy cuộc sống mưu sinh còn vất vả và bận rộn nhưng khi nghe đồng đội họp mặt tôi cũng ráng thu xếp ra để thêm một lần được sống trong vòng tay ấm áp của bạn bè. Vừa xuống sân bay Nội Bài, các đồng chí CCB ở Hà Nội đã đến đón và đưa tôi về đây".

Chiến dịch 275

Tuy là những người lính chiến dày dặn sa trường, mỗi người đều từng trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ trên chiến trường 3 nước Đông Dương, nhưng một trong những trận đánh ăn sâu vào ký ức của hầu hết các CCB đó là trận đánh chiếm sân bay Hòa Bình (Buôn Mê Thuột) trong bước quân thần tốc của cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975. 

Cùng tham gia trong đội hình Tiểu đoàn 27 nhận nhiệm vụ giải phóng sân bay Hòa Bình, CCB Lê Xuân Thanh, Mai Viết Dũng cùng ôn lại những dòng hồi ức…

2h ngày 10/3/1975, Đại đội 17 được lệnh đánh, tiêu diệt địch ở Sân bay Hòa Bình (Buôn Mê Thuột). Đơn vị chia làm 3 mũi tiếp cận mục tiêu. Tôi là quân y đi theo phục vụ và chiến đấu ở mũi chủ yếu do Đại đội trưởng Dương Vương Bản chỉ huy, có nhiệm vụ đánh vào nhà điều không 4 tầng. 

Theo đúng kế hoạch, đồng chí Nguyễn Văn Tấn quê Thái Bình nổ quả bộc phá pháo lệnh. Ngay sau đó, đồng chí Cương quê Thái Nguyên bắn B40, toàn đại đội tiến lên tấn công.

Đáng ra chỉ có Đại đội 17 tham chiến ở sân bay nhưng do hy sinh nhiều, lại thêm pháo địch ở căn cứ 44 và máy bay địch ném bom, bắn xối xả khiến đội hình không tiến công được nên đồng chí Nguyễn Đình Tiết (Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 27) tập trung hơn chục người, trong đó có chiến sĩ Mai Viết Dũng, tổ chức mũi chi viện. 

Khi phát hiện địch ở hầm ngầm, qua lỗ châu mai bắn rất rát vào đội hình bên ta, anh Tiết quyết định tập kích hầm ngầm. Trước khi hầm ngầm bị tiêu diệt, anh Tiết đã anh dũng hy sinh vì trúng đạn ĐKZ của địch.

Đối với ông Thanh, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Tiết còn là người có ơn cứu tử. Trong trận này, khi ông Thanh xung phong, xin đồng chí Tiết cho tham gia mũi đánh địch thì Tiểu đoàn trưởng dứt khoát: "Đồng chí ở lại. Đây là mệnh lệnh. Quân y tuyến sau và quân y tuyến trước hy sinh hết, đồng chí phải ở đây để đón thương binh, tử sĩ ra".

Đang nhắc đến kỷ niệm giải phóng sân bay Hòa Bình, CCB Nguyễn Trung Lan, CCB Nguyễn Cảnh Hồng, CCB Võ Văn Trung - đoàn CCB Đặc công tiểu đoàn tỉnh Nghệ An ngay gần đó cũng quay sang bắt chuyện. 

"Tổ đặc công của tôi nhận nhiệm vụ đánh vào nhà đèn để cắt điện toàn bộ sân bay, gồm 3 người: đồng chí Bình (tổ trưởng) và đồng chí Phận - chiến sĩ B40 có nhiệm vụ dùng bộc phá tiêu diệt trận địa pháo (3 khẩu 105mm) của địch ở vị trí nhà đèn; tôi được biên chế súng tiểu liên AK, nhận nhiệm vụ dùng bộc phá đánh vào nhà đèn làm hiệu lệnh tiến công".

Khoảng 2 giờ sáng, theo lệnh cấp trên, Trung áp sát nhà đèn và tung bộc phá vào bên trong. Một tiếng nổ lớn vang lên, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bị tê liệt, sân bay Hòa Bình chìm trong bóng đêm. 

Gần như đồng thời, Bình và Phận cũng ném 2 trái bộc phá vào trận địa pháo, 3 khẩu pháo bị diệt hoàn toàn. Cả trận địa lúc này chìm trong tiếng súng và tiếng la hét hoảng loạn của quân địch. Tại nhà đèn, Trung, Bình và Phận nhanh nhẹn cơ động, lợi dụng địa hình địa vật tiêu diệt quân thù khiến địch sợ hãi phải xuống hầm ngầm cố thủ.

Còn CCB Nguyễn Trung Lan, nguyên chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, thì tham gia tổ gồm 4 người: Đồng chí Sửu - Chính trị viên phó Đại đội 1 làm tổ trưởng và 3 tổ viên: Nguyễn Cảnh Hồng (quê Yên Thành, Nghệ An), Trung đội phó Trung đội 1, Nguyễn Văn Quyết chiến sĩ được biên chế AK, Nguyễn Trung Lan - chiến sĩ B40 làm tổ viên nhận nhiệm vụ đánh tiêu diệt địch ở khu nhà hậu cứ của Trung đoàn 44 và Trung đoàn 53 của Sư 23 (ngụy). Lan được bố trí đi cuối cùng.

Khoảng 1h sáng, ngày 10/3, các thành viên khác trong tổ vừa qua hết đến hàng rào ngăn cách cuối cùng, còn Lan vừa vượt được thân người qua thì bỗng một tên lính gác địch cách đấy gần 20m thấy động quét đèn pin về phía Lan "Thằng nào đấy?" - Sau tiếng chửi thề, hắn quát vu vơ.

Về vị trí chiến đấu, cả tổ nằm yên lặng chờ đợi, một lúc sau, phía nhà đèn bỗng vang lên một tiếng nổ. Lan nghe thấy mệnh lệnh - "Lan đâu? Bắn, bắn!". Chỉ chờ có thế, Lan bình tĩnh hướng khẩu B40 ngắm thẳng mục tiêu trước mặt và bóp cò.

Một ngọn lửa bùng lên trong đêm tối phá tan cánh cửa. Ngay lập tức, tất cả mọi người sử dụng vũ khí trang bị được biên chế xông lên tiêu diệt địch. Khi vận động đến dãy cuối cùng, Lan thấy một ngôi nhà độc lập nằm cách khoảng 20m. 

Lan lao tới, mở chốt ném một quả lựu đạn vào trong. Lựu đạn nổ, trong nhà tiếng địch la hét thất thanh. Ngay tức khắc, Lan bồi thêm một quả thủ pháo vào bên trong. Tiếng la hét im bặt. Các mảnh vỡ văng tung tóe ra ngoài. Bỗng đốp một cái, hai mắt Lan tối sầm.

"Lan ơi có sao không?". Lan chợt bừng tỉnh, từ từ mở mắt, đầu đau nhói và nhìn thấy Quyết đang lay gọi. Thấy Lan đã tỉnh, Quyết mừng rỡ. Nhưng vì bị choáng nên Lan nằm im. Quyết cầm súng cảnh giới đợi cho Lan hồi tỉnh hẳn rồi cả hai tiếp tục vận động đánh mục tiêu khác và sau đó rút lui về tuyến sau theo lệnh.

Còn nặng gánh di nguyện cuối cùng

"Hòa bình độc lập đã 45 năm, nhưng hàng trăm đồng đội của chúng tôi vẫn đang ôm súng bên chiến hào", giọng CCB Lê Thanh dừng lại ngậm ngùi. Như trong trận đánh sân bay Hòa Bình, đồng đội của ông, Liệt sĩ Đinh Văn Thành, (người Ninh Bình, cùng quê, nhà cách nhà ông khoảng 3km, cùng học quân y) trước giờ lên đường có nói: 

"Tao đi giờ này không biết còn sống hay chết, nếu mày còn sống mà tao hy sinh thì mày cầm cuốn nhật ký của tao về gửi cho gia đình tao"

Thành ở mũi tấn công do Thiếu úy Nguyễn Văn Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội) làm mũi trưởng đánh kho đạn của địch nhưng toàn bộ cán bộ, chiến sĩ mũi đó trận này đều thương vong.

Ký ức trận đánh sân bay Hòa Bình - Ảnh 2.

Các Cựu chiến binh Tiểu đoàn 27 Đặc công ngày gặp mặt truyền thống.

Mong ước đưa đồng đội về sum họp với quê hương luôn là nỗi đau đáu trong tâm can của những người còn sống. Thời gian có thể bôi xóa, nhưng không thể xóa mờ khung cảnh của những lần nước mắt tuôn trào, vội tiễn đưa một người đồng đội về với cội nguồn. Và chỉ có những người đồng đội trên chiến trận mới có thể là người chu toàn nguyện ước của gia đình và thân nhân liệt sĩ.

Bà Đào Thị Minh (quê Nam Định), em dâu của Thiếu úy, liệt sĩ Phạm Văn Bảo (quê Nam Định), nguyên Chính trị viên phó Đại đội 18, hy sinh năm 1972 tại chiến trường Lào, tâm trạng mừng tủi khi gặp CCB Cao Văn Thường, và chia sẻ: 

"Khi nghe tin các anh họp mặt, em quyết đến đây! Phần vì cảm ơn các anh đã giúp gia đình đưa được anh trai chồng em trở về, phần vì gặp các anh, em như được trở về với người thân trong gia đình".

Hàng chục năm gia đình bà Minh quằn quại với nỗi đau, niềm thương nhớ và hi vọng đưa Liệt sĩ Phạm Văn Bảo về với quê hương. Bỗng một hôm, gia đình bà Minh được CCB Tiểu đoàn 27 cung cấp thông tin: Liệt sĩ Phạm Văn Bảo hy sinh trong một trận đánh ở sân bay Long Chẹng (Lào).

Cùng hi sinh còn có đồng chí Nguyễn Văn Hùng (quê Hải Dương) và Nguyễn Văn Quang (quê Thái Nguyên). Nếu gia đình có nhu cầu thì các CCB sẽ tổ chức đoàn hỗ trợ giúp đỡ tìm kiếm liệt sĩ. Mừng hơn bắt được vàng, năm 2012, vợ chồng bà Minh cùng gia đình liệt sĩ Quang và 5 CCB Tiểu đoàn 27 do ông Thường làm trưởng đoàn đã khăn gói sang Lào tìm kiếm.

Nhắc đến liệt sĩ Quang, ông Thường không giấu nổi xúc động, nghẹn ngào nhớ lại: "Quang và tôi học cùng phổ thông ở Trường Cấp 3 Đại Từ (Thái Nguyên). Quang là người năng động, vui vẻ và chúng tôi chơi rất thân với nhau. 

Không hẹn mà gặp, tháng 4/1970, tôi và Quang cùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, huấn luyện bộ đội Đặc công, rồi chung một tiểu đoàn khi vào chiến trường chiến đấu. Quang ở Đại đội 18, tôi là chiến sĩ Đại đội 17. Quang chiến đấu dũng cảm, rất gan dạ được phong Trung đội trưởng khi tôi vẫn là chiến sĩ liên lạc. Chúng tôi thường gặp nhau trò chuyện những lúc sau chiến trận".

Ngày 23/12/1972, khi ông Thường đang làm nhiệm vụ chốt giữ đường và vận chuyển lương thực ở suối Nậm Siêm thì Quang hy sinh. 

Những năm sau, khi được anh trai liệt sĩ Quang là ông Nguyễn Văn Đại đến nhờ tìm kiếm Quang, qua đồng đội, ông Thường đã tìm được thông tin. Năm 2012, ông Thường cùng các đồng đội (cũ): Nguyễn Đình Cương, Hoàng Văn Dinh, Đỗ Đức Thịnh, Vũ Hồng Thịnh, trực tiếp đi sang Lào và tìm được một phần hài cốt và các di vật của 3 liệt sĩ còn lại. Vậy là tâm nguyện của thân nhân các liệt sĩ cũng như của các CCB Tiểu đoàn 27 đã được hoàn thành.

Ông Thường tâm sự tiếp: Chúng tôi gặp mặt không chỉ để ôn cố tri tân, mà còn đang xây dựng mục tiêu thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để tạo nền tảng động viên các gia đình CCB tiểu đoàn 27 Đặc công đang gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Với mục tiêu đó, Ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 27 đã xây dựng chương trình hành động thiết thực như: thăm hỏi, động viên gia đình hội viên lúc gặp khó khăn đau yếu, phúng viếng các hội viên cùng người thân hội viên lúc qua đời; tổ chức các hành trình tri ân, "Uống nước nhớ nguồn" tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cháu học sinh xuất sắc là con em của bộ đội đặc công.'

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại