“Sư đoàn mèo” giải vây “con đường máu”
Ngày 8/9/1941, phát xít Đức chính thức khép chặt vòng vây Leningrad. Theo chỉ thị của trùm phát xít Hitler, quân Đức sẽ tận diệt cư dân bằng nạn đói, sau đó biến nơi khai sinh của Cách mạng Tháng Mười – một biểu tượng của Liên Xô thành một đống tro tàn. Tính đến thời điểm ấy khoảng gần một triệu người dân Leningrad đã thiệt mạng vì đói, giá rét và bom đạn.
Người dân Leningrad trong vòng vây phải cầm cự với thực phẩm gần như cạn kiệt, mùa đông lạnh tới âm 30 độ C. Con đường duy nhất để ra vào thành phố trong mùa đông là qua mặt hồ Ladoga đóng băng dày, dưới mưa bom bão đạn của quân Đức được gọi là con đường máu.
Việc giải vây cho Leningrad là ưu tiên hàng đầu của Bộ Chỉ huy quân sự Liên Xô. Đầu tháng 1/1943, chiến dịch “Iskra” (Tia lửa) được tiến hành ngay sau khi Hồng quân giành được thắng lợi trên các mặt trận khác
Ngày 6/2/1943, một đoàn tàu hỏa của Liên Xô tiến vào thành phố Leningrad. Trên các toa tàu, người ta chất đầy nhu yếu phẩm cung cấp cho cư dân, binh sĩ đang gồng mình chống lại nạn đói và quân xâm lược. Nhưng quan trọng hơn, đoàn tàu còn chở một đạo quân tiếp viện nhằm chống lại một kẻ thù đặc biệt nguy hiểm khác: Chuột!
Trong đống hoang tàn chiến tranh, chuột tại Leningad sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Chẳng mấy chốc, bầy chuột đông len lỏi trong mọi ngõ ngách, tràn ra đường phố như một cơn lũ. Như đồng minh của phát xít, chuột ngấu nghiến mọi thứ có thể ăn được kể cả những mẩu bánh mỳ ít ỏi được dành dụm cho cuộc chiến.
Đi cùng với chúng là nhiều căn bệnh, trong đó có cả bệnh dịch hạch từng được gọi là “cái chết đen”. Mối đe dọa dịch bệnh và cạn kiệt lương thực do chuột gây ra có thể bẻ gãy sức kháng cự của Leningrad bất cứ lúc nào.
Theo yêu cầu khẩn cấp của lãnh đạo Leningrad, Bộ Chỉ huy quân sự Liên Xô ra lệnh thu gom mèo từ khắp các thành phố trên đất nước Nga. Một “sư đoàn mèo” được thành lập với khoảng 3.000 “chiến sĩ mèo” đưa về các kho lương thực và các hộ gia đình, số còn lại được thả ra đường phố.
“Sư đoàn mèo” lập tức nhận chiến vụ, tàn sát bất kỳ con chuột nào bén mảng đến những nơi có chúng canh gác. Lương thực cho người dân được bảo toàn và nguy cơ dịch bệnh bị dập tắt. Theo nhiều sử gia, chính sự có mặt của mèo đã góp công lớn giúp cư dân thành phố sống sót, tập trung chiến đấu phá vòng vây. “Con đường máu” ở Leningrad đã được mở, cuộc giải vây sống còn đã thành công.
Những chiến binh lạc đà
Lần đầu tiên lạc đà xuất hiện trên các chiến trường của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là ở trận Stalingrad. Khi đó, quân đội Liên Xô gần Astrakhan đang chuẩn bị tham gia vào một trong những trận đánh quan trọng nhất của cuộc chiến.
Hồng quân Liên Xô đã huy động 350 lạc đà trong cuộc chiến tại Stalingrad.Hồng quân Liên Xô đã huy động 350 lạc đà trong cuộc chiến tại Stalingrad.
Quân đoàn dự bị thứ 28, được trang bị đại bác, đã được thành lập ở Astrakhan. Tuy nhiên, không thể đưa họ ra mặt trận vì không còn xe tải hay ngựa, nên ban chỉ huy đã quyết định dùng lạc đà thảo nguyên trong khu vực này.
Lạc đà nổi tiếng về sức chịu đựng và có thể làm việc mà không cần uống nước trong khoảng hai tuần, không cần ăn trong 30 ngày, vì vậy chúng có thể trở thành những người lính vận tải không thể thiếu.
Vì vậy, những người lính bắt đầu tìm kiếm và bắt lạc đà hoang dã trong các khu vực bán sa mạc để sử dụng chúng cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và pháo binh. Thời điểm này, gần 350 chiến binh lạc đà đã được huy động tham gia chiến tranh. Không làm thất vọng, lạc đà đã sớm trở thành đồng đội chiến đấu thực sự đối với những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô.
Trong những chiến trận ác liệt, nhiều lạc đà vận tải đã hy sinh trong những năm chiến tranh, hai con lạc đà có biệt danh Masha và Mishka vẫn sống sót và đi vào lịch sử. Cùng với người điều khiển chúng là trung sĩ Grigory Nesterov, hai con lạc đà đã theo Hồng quân đến tận Berlin trong những giờ khắc cuối cùng: Phát xít Đức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.