Một trật tự thế giới đa cực mới đang dần được thiết lập? (Ảnh: Business insider)
Sau gần 5 tháng nổ ra cuộc xung đột Nga và Ukraine, có thể thấy rằng, trật tự thời hậu chiến được xây dựng trên sự lãnh đạo của Mỹ đang trên bờ vực sụp đổ. Không thiếu dữ kiện để chỉ ra quan điểm này. Khi Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền vào ngày 7/4 vừa qua, 100 quốc gia đã bỏ phiếu trắng, phiếu chống hoặc không bỏ phiếu so với 93 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ.
Economist Intelligence Unit, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dự báo, phân tích kinh tế thuộc Tập đoàn Economist cho biết, tính đến hết tháng 3, các quốc gia đã tham gia lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga hoặc ít nhất là chỉ trích nước này chỉ chiếm 36% dân số trên thế giới và hầu hết là các nước phương Tây.
Trong khi đó, 64% dân số còn lại sống ở các quốc gia trung lập hoặc bày tỏ sự “ủng hộ” đối với Nga. Những quốc gia trung lập trong cuộc chiến chiếm 32% dân số toàn cầu bao gồm các nước có dân số lớn như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Phần còn lại ủng hộ bao gồm Trung Quốc và Iran.
Các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn đẩy mạnh tư tưởng rằng thế giới phải đoàn kết trong việc tố cáo sự xâm lược của Nga. Tuy vậy, hành động này dường như đã không thu lại quá nhiều thành quả. Thực tế đã chỉ ra ở Đối thoại Shangri-La vừa qua, một hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương.
Những lời chỉ trích của phương Tây đối với Moscow và Bắc Kinh không được nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương hưởng ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết, Indonesia có một mối quan hệ lành mạnh với Nga, nước mà ông mô tả là “một người bạn tốt”. Ông cũng gọi Trung Quốc là đối tác thân thiết của mình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã nêu rõ quan điểm trung lập của nước mình. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Fiji, Inia Seriratu không giấu giếm, quốc đảo này sẽ cố gắng gặt hái những lợi ích từ mối quan hệ với tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc.
Những ý kiến như vậy sẽ là khó tưởng tượng trong bối cảnh thế giới đơn cực. Nhiều học giả từ Đông Nam Á và Ấn Độ tại Shangri-La đều đồng ý với quan điểm, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đã suy giảm trong khoảng 10 năm trở lại đây với nhiều lý do.
Trong thời kỳ Tổng thống Obama nắm quyền tại Nhà Trắng, ông đã từng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không còn đóng vai trò là “cảnh sát toàn cầu”. Ông không có một hành động nào để ngăn chặn việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 hoặc cản trở Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình quân sự tại Biển Đông. Còn người kế nhiệm Donald Trump cũng đã áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Nga cũng đã có những hành động nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ bằng cách tăng cường sức ép lên các nước châu Á và Phi với việc đe dọa sẽ ngừng cung cấp vũ khí nếu lên án “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine, theo một nguồn tin ngoại giao trong khu vực.
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất Đông Nam Á. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga đã bán khoảng 10,9 tỷ USD vũ khí cho các nước trong khu vực từ năm 2000 đến năm 2021, nhiều hơn Mỹ.
Tổng thống Nga Putin năm 2019 cũng từng tuyên bố, một thế giới đơn cực không còn tồn tại. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, sau khi Liên Xô sụp đổ, tư tưởng về thế giới đơn cực tồn tại lâu dài là ảo tưởng. Sau đó, ông cũng lập lại tuyên bố này tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg vừa qua.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện tại không chỉ dùng sức ép ngoại giao mà còn cả viện trợ kinh tế và đầu tư để giành lấy các nước đang phát triển. Đặc biệt là ở châu Phi.
Kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19, lại phải đối mặt với những tác động tiêu cực như giá nhiên liệu, thực phẩm tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine.
Thế giới ba cực
Hành động của Nga và Trung Quốc đã làm lung lay trật tự thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ. Bình luận của tờ Nikkei dự đoán, thế giới hiện tại sẽ không còn là đơn cực nữa mà là sự cạnh tranh để giành ảnh hưởng của ba khối.
Nhóm đầu tiên bao gồm các nước phương Tây và châu Á do Mỹ đứng đầu bao gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh và Canada. Nhóm thứ hai là Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và cuối cùng là một liên minh “lỏng lẻo” của các nước trung lập bao gồm Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Khi cuộc đối đầu giữa khối phương Tây và Nga-Trung gia tăng, các quốc gia trung lập dường như có cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng của họ bằng cách theo đuổi tích cực hơn các chương trình nghị sự của riêng mình. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Ấn Độ cũng tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga đồng thời cũng hợp tác mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và Mỹ.
Các quốc gia trung lập này không có bất kỳ một liên minh an ninh nào, trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, họ thường tránh các tuyên bố lớn về nguyên tắc, có xu hướng tập trung vào những lợi ích hẹp. Các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ cũng đang có những bước đi nhằm lôi kéo các nước trung lập đứng về phía mình để xây dựng lại vị trí vốn có. Tuy nhiên, để thành công, Mỹ cần phải xác định nhu cầu của mỗi quốc gia và kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ dựa trên các lợi ích chung./.