Với khả năng đưa các phi đội máy bay chiến đấu tiếp cận và tấn công mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm ki-lô-mét, sự thành công của phương tiện chiến tranh được coi là căn cứ nổi trên biển này trong chiến tranh đã biến nó thành biểu tượng cần có của các siêu cường, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, thời kỳ vàng son của các tàu sân bay Mỹ đang tới hồi kết thúc với sự xuất hiện của những loại vũ khí siêu thanh thế hệ mới, cũng như hàng loạt vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Vấn đề đang bị che giấu
Trong tháng 9-2018, trang tin Mỹ The Business Insider đã công bố danh sách 7 tàu sân bay có chất lượng kém nhất nhất thế giới.
Ngoài tuần dương hạm mang máy bay Admiral Kuznetsov (Nga), Chakri Narubebet (Thái Lan), Canberra và Adelaide (Australia), thì các tàu sân bay lớp Yorktown và Gerald Ford thế hệ mới nhất của Hải quân Mỹ cũng được xếp vào danh sách đáng thất vọng này.
Điều đáng chú ý là tại sao tàu sân bay hiện đại bậc nhất của Mỹ thuộc lớp Gerald Ford lại nằm trong danh sách các tàu sân bay có chất lượng kém. Liệu đây có phải là vấn đề "bệnh con trẻ" của các dòng vũ khí mới hay là còn vấn đề khác, nghiêm trọng hơn đang được Lầu Năm góc cố tình che dấu.
Theo thông tin điều tra của chuyên gia Sam LaGron đăng tải trên website của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ, sự thực việc các tàu sân bay của Mỹ lọt vào danh sách trang bị có chất lượng kém không phải là điều ngẫu nhiên, mà là biểu hiện của sự suy giảm năng lực công nghiệp quốc phòng của siêu cường hàng đầu thế giới.
Chuyên gia Sam LaGron đánh giá, trong giai đoạn những năm 1970, số lượng tàu sân bay của Hải quân Mỹ đạt mốc đỉnh điểm là 30 chiếc. Phần lớn lực lượng tàu sân bay Mỹ ở thời điểm đó tham gia chiến tranh Việt Nam với tần suất hoạt động đạt 42%. Trung bình luôn có tới 12 tàu sân bay Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, hoạt động của các hạm tàu sân bay Mỹ trầm lắng bất thường. Phần lớn thời gian, các chiến hạm khổng lồ này nằm ở cảng hoặc lên ụ sửa chữa. Trong năm 2018, tần suất hoạt động của tàu sân bay Mỹ chỉ đạt 15% và còn 11 hạm tàu đang hoạt động.
Sự thật được phơi bày
Trong năm 2017, Văn phòng Kiểm toán Mỹ đã công bố thông tin quan trọng về thực trạng hoạt động của Hải quân nước này.
Theo đó, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ không có đủ năng lực đảm bảo kỹ thuật cho toàn bộ các hạm tàu sân bay và 50 tàu ngầm hạt nhân hiện có. Các tổ hợp đóng tàu chỉ đảm bảo 73 trên tổng số 218 hoạt động bảo dưỡng cho Hải quân Mỹ trong 23 năm tới.
Vấn đề trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ. Giới chuyên gia đánh giá, với tình hình hiện tại và trong tương lai gần, Hải quân Mỹ khó có thể đảm bảo khả năng tác chiến tại bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất trong vòng 96 giờ.
Điều này đã được chứng minh thực tế qua hoạt động của Hải quân Mỹ tại Địa Trung Hải, khi tình hình chiến sự tại Syria leo thang thời gian qua. Tháng 4-2018, tàu sân bay Harry Truman đã không thể đảm bảo nhiệm vụ chiến đấu ở Syria, khi phải lên đường về căn cứ Norfolk để bảo dưỡng định kỳ.
"Kết quả của sự suy giảm công nghiệp quốc phòng khiến các tàu sân bay trở nên dễ tổn thương và tê liệt hoạt động khi quá trình bảo trì bị kéo dài và trì hoãn.
Điều này tạo ra gánh nặng không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn cả hoạch định chiến lược tác chiến của Hải quân Mỹ. Công nghệ càng hiện đại thì quá trình bảo dưỡng càng phức tạp, tinh vi và đắt đỏ", chuyên gia Sam LaGron đánh giá.
Không chỉ có tàu sân bay, các chương trình phát triển vũ khí hải quân mũi nhọn của Mỹ như khu trục hạm lớp Zumwalt hay máy bay chiến đấu F-35 cũng đang gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng.
Đây có thể coi là "giọt nước tràn ly" gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Sự suy yếu của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ đang phá vỡ chiến lược xây dựng lại lực lượng hải quân với quy mô 355 chiến hạm của ông Donald Trump.
Chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov đánh giá, vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ nằm ở vấn nạn tham nhũng và thất thoát công nghệ thông qua quá trình chuyển giao cho các công ty, tập đoàn tư nhân. Quá trình này khiến chi phí bảo dưỡng, phát triển vũ khí mới dành cho Quân đội Mỹ bị tăng cao.
Sự phức tạp, nhưng hiệu quả tác chiến cao của tàu sân bay trong quá khứ từng là biểu tượng của siêu cường. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi...
Kỷ nguyên tàu sân bay Mỹ đã tới hồi kết?
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, vấn đề liên quan tới các hạm đội tàu sân bay Mỹ chính là điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng toàn diện trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Washington đang hụt hơi trong cuộc đua phát triển hàng loạt công nghệ quân sự hiện đại như đối kháng điện tử, tên lửa đạn đạo liên lục địa và vũ khí siêu thanh thế hệ mới….
Trong vòng đời hoạt động, mỗi chiến hạm, trong đó có tàu sân bay, phải trải qua nhiều lần vào cảng bảo dưỡng, đại tu. Môi trường biển khắc nghiệt khiến chiến hạm cần bảo dưỡng định kỳ 5-7 năm/lần.
Đặc biệt, việc thay thế các thanh nhiên liệu hạt nhân trên chiến hạm cần nhiều thời gian và chuyên môn sâu. Sự phức tạp của công nghệ kết hợp với các vấn đề kỹ thuật đang khiến việc duy trì hoạt động của hạm đội tàu sân bay Mỹ trở nên khó khăn và tốn kém.
Chuyên gia Alexey Leonkov nhận định, với thực trạng hiện tại, các hạm đội tàu sân bay Mỹ sẽ sớm trở thành quá khứ, tương tự như việc tàu sân bay biến các thiết giáp hạm thành nơi tham quan trong viện bảo tàng.
Theo chuyên gia Alexey Leonkov, càng già cỗi, chi phí duy trì và bảo dưỡng các hạm đội tàu sân bay của Mỹ càng phức tạp và tốn kém.
Tàu sân bay mới nhất lớp Gerald Ford của Mỹ để có hiệu quả tác chiến tăng 30% so với thế hệ trước thì cần chi phí đóng mới cao gấp 3 lần.
Ngoài ra, các vấn đề kỹ thuật cần khắc phục trên tàu sân bay Gerald Ford không chỉ khiến chi phí đóng mới tiếp tục tăng cao, mà còn ảnh hưởng tới khả năng hoạt động ổn định của chiến hạm khổng lồ này. Cùng với đó, sự thiếu tin cậy, giá thành đắt đỏ của các máy bay F-35C hoạt động trên boong của Gerald Ford cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Cuối cùng, chuyên gia Alexey Leonkov nhấn mạnh, sự xuất hiện của vũ khí siêu thanh thế hệ mới khiến tàu sân bay trở thành mục tiêu dễ tổn thương và khó bảo vệ.
Những vấn đề trên có thể là dấu hiệu của buổi hoàng hôn đối với kỷ nguyên của tàu sân bay hiện đại của Mỹ.