Kỷ lục xuất khẩu vũ khí này vừa được Ủy ban Hợp tác An ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) công bố hôm qua, 13/09. Theo đó, tổng doanh thu dự kiến từ các hợp đồng bán vũ khí tính từ ngày 01/10/2016 cho tới ngày 12/09/2017, đã đạt 75,9 tỷ USD.
Con số này còn có thể tiếp tục tăng thêm bởi thời điểm công bố số liệu sớm hơn 2 tuần so với ngày cuối cùng của năm tài khóa 2017.
Kỷ lục trước đó, theo DSCA , được thiết lập trong năm tài khóa 2012 với tổng doanh số đạt 68,6 tỷ USD sau khi các gói xuất khẩu vũ khí cực khủng được phê chuẩn dành cho khách hàng Saudi Arabia.
Mặc dù các con số này là khổng lồ, nhưng về cơ bản vẫn chỉ là số "đếm cua trong lỗ" bởi lẽ các hợp đồng cho dù đã được công bố vẫn còn phải qua một cửa ải hết sức ngặt nghèo nữa là được sự phê chuẩn của Quốc hội, sau đó công việc đàm phán chính thức với khách hàng mới được bắt đầu, và con số ghi trên hợp đồng có thể sẽ thay đổi.
Bởi lẽ, trong quá trình đàm phán, tỷ giá USD, số lượng có thể sẽ biến động và thậm chí trong một số trường hợp những thương vụ đã được công bố có thể sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực hoặc hoàn thành một cách đầy đủ.
Có thể lấy ví dụ như vào năm 2009, DSCA thông báo rằng hợp đồng bán 28 tiêm kích F/A-18E Super Hornet cho Brazil trị giá lên tới chừng 7 tỷ USD, DSCA "đếm cua" khi Brazil công bố tên loại tiêm kích được chọn trong một gói thầu mua sắm máy bay của quốc gia Nam Mỹ này.
Tuy nhiên, 7 tỷ USD này đã tan thành mây khói khi Brazil quyết định mua tiêm kích Saab JAS-39 Gripen của Thụy Điển vào năm 2013.
Bản đồ phân bố danh mục và giá trị vũ khí xuất khẩu của Mỹ trong năm 2017 do DSCA công bố.
Trong thời điểm cận ngày cuối cùng của năm tài khóa 2017, hợp đồng bán 18 tiêm kích F/A-18E/F cho Canada trị giá 5,23 tỷ USD là cú hích quan trọng để hình thành kỷ lục mới 75,9 tỷ USD nói trên. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ Canada tuyên bố quan tâm đến việc mua F/A-18 thì bản thân họ vẫn còn bị giằng xé bởi việc liệu có tiến thẳng lên tiêm kích tàng hình F-35 hay không.
Cũng như năm 2012, lần này kỷ lục mới được dựng nên bởi một loạt hợp đồng cực lớn như bán tiêm kích F-15 cho Qatar (21,1 tỷ USD), F/A-18E/F cho Kuwait (10,1 tỷ USD), F/A-18 cho Canada (5,2 tỷ USD), tên lửa PAC-3 cho Romania (3,9 tỷ USD), trực thăng CH-47 Chinooks cho Saudi Arabia (3,51 tỷ USD) và trực thăng tấn công AH-64E cho UAE (3,5 tỷ USD).
Trong tổng số 73 hợp đồng mà DSCA công bố hơm 12/09 vừa qua thì có tới 17 hợp đồng có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Trong số đó, có 47,1 tỷ USD được chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Obama phê chuẩn, số hơn 28,7 tỷ USD còn lại được quyết định trong thời gian qua dưới thời ông Donal Trump làm chủ Nhà Trắng.
Các hợp đồng bán máy bay chiến đấu chiếm một phần rất lớn trong tổng danh mục xuất khẩu vũ khí, và Trung Đông là khu vực dẫn đầu khi đã và sẽ bỏ ra khoảng 52 tỷ USD để mua vũ khí Mỹ với 27 hợp đồng.