Kỳ lạ đất nước hôn nhau cũng đi tù lại có hôn nhân "nháp" để nam nữ yêu đương thoải mái

Thanh Hương |

Ở Iran, quốc gia đạo hồi nổi tiếng với các đạo luật khắt khe, nó chính là "tấm vé vàng" bảo đảm cho thanh niên có thể quan hệ tình dục một cách hợp pháp.

Hôn nhân "nháp", còn gọi là sigheh, là một trong những kẽ hở lớn nhất và kỳ lạ nhất trong luật pháp ở quốc gia này.

Hôn nhân "nháp" là gì?

Ở Iran, quốc gia có tôn giáo chính thức là đạo Hồi, nam nữ thanh niên chưa kết hôn mà đã quan hệ tình dục, thậm chí mới chỉ hẹn hò hay nắm tay thì cũng có thể bị đánh, phạt tiền hoặc thậm chí đi tù.

Vậy những người trẻ ở đây muốn thể hiện tình cảm của mình với bạn khác giới nhưng chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ ràng buộc cả đời thì làm thế nào? Đây chính là lúc những cuộc hôn nhân "nháp", hay hôn nhân tạm thời ra đời.

Kỳ lạ đất nước hôn nhau cũng đi tù lại có hôn nhân nháp để nam nữ yêu đương thoải mái - Ảnh 1.

Ở Iran, các cặp đôi chưa kết hôn mà có những cử chỉ thân mật sẽ bị xã hội lên án. (Ảnh: Internet)

Theo đó, nếu một đôi nam nữ nào đó thích nhau và muốn "sống thử" thì chàng trai sẽ nộp một khoản tiền cho cô vợ "ngắn hạn" của mình, gọi là của hồi môn.

Thời hạn của cuộc hôn nhân tạm thời này cũng như số tiền hồi môn sẽ được ghi rõ trong một tờ giấy cam kết được coi như là hợp đồng hôn nhân.

Thời hạn này có thể kéo dài từ vài phút cho đến 99 năm, tùy thuộc vào sự mặn nồng của những người trong cuộc. Khi cuộc hôn nhân tạm thời đã có hiệu lực, họ có thể quan hệ thoải mái mà không bị xã hội lên án.

Bên cạnh đó, với số dân trẻ chiếm đa số (65% dân số Iran dưới 25 tuổi) cùng tỷ lệ thất nghiệp cao, có nhiều cặp đôi trì hoãn hôn nhân vì không đủ tiền cưới xin.

Khi đó, hôn nhân tạm thời cũng chính là "tấm vé vàng" bảo đảm cho thanh niên có thể quan hệ tình dục một cách hợp pháp.

Nếu trong giai đoạn này mà họ có con thì những đứa trẻ đó vẫn được coi là con có giá thú và được quyền thừa kế tài sản từ người cha.

Lịch sử ra đời

Từ lâu, các giáo lý của đạo Sunni và đạo Shiite ở Iran đã được cho là có nhiều khác biệt và quan niệm về hôn nhân tạm thời cũng như vậy.

Từ quan điểm của người Shiite, hôn nhân tạm thời đã có từ trước đạo Hồi và được nhà tiên tri Muhammad đồng ý.

Kỳ lạ đất nước hôn nhau cũng đi tù lại có hôn nhân nháp để nam nữ yêu đương thoải mái - Ảnh 2.

Hôn nhân tạm thời ở Iran bắt nguồn từ những người hành hương xưa kia. (Ảnh: Internet)

Những người hành hương có nhu cầu tình dục và hôn nhân tạm thời là một cách hợp pháp để giải quyết vấn đề. Trước kia, hôn nhân tạm thời chủ yếu được thực hiện bởi những người hành hương ở các thành phố linh thiêng của người Shiite như Meshed và Qum.

Ngoài ra, hôn nhân tạm thời ở Iran cũng có thể dành cho các quả phụ hoặc những phụ nữ đã ly dị chồng. Nó sẽ cho phép họ tái hôn, thường là với một người đàn ông giàu có có thể lo cho cuộc sống của họ.

Trong khi đó, người Sunni, cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số, lại cho rằng đạo Hồi của người Shiite chỉ khuyến khích việc trai gái quan hệ thiếu lành mạnh dưới danh nghĩa hôn nhân.

Người đầu tiên thảo luận công khai vấn đề này không phải ai khác, chính là Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, cố Tổng thống Iran. Trong một bài phát biểu vào năm 1990, ông đã gọi nhu cầu tình dục là một đặc tính được thượng đế ban cho ta.

"Đừng sống "thoáng" như những người phương Tây, mà hãy dùng đến hôn nhân tạm thời như một giải pháp mà thượng đế ban cho chúng ta" - cố Tổng thống Akbar khẳng định.

Kỳ lạ đất nước hôn nhau cũng đi tù lại có hôn nhân nháp để nam nữ yêu đương thoải mái - Ảnh 3.

Cố Tổng thống Iran Ali Akbar Hashemi Rafsanjani. (Ảnh: Internet)

Ngày nay chỉ có cộng đồng người Shiite là còn thực hiện các cuộc hôn nhân tạm thời, chủ yếu ở Iran và Iraq.

Lựa chọn của giới trẻ

Trong 5 năm, một cặp đôi tại thủ đô Tehran của Iran là Maryam, một thợ làm đầu, và Karim (tên giả), nhân viên bán các đồ gia dụng, đã có thể thoải mái duy trì mối quan hệ yêu đương, đó là nhờ vào cuộc hôn nhân tạm thời của họ.

"Chúng tôi hẹn hò rất nhiều, và tôi không muốn gặp rắc rối. Chúng tôi muốn có giấy tờ để nếu có bị bắt gặp trên phố, chúng tôi có thể chứng minh mình không làm gì phạm pháp" - Maryam, 31 tuổi cho biết.

Thủ tục cho cuộc hôn nhân "nháp" này cũng rất đơn giản. Mặc dù họ có thể tự thực hiện bản hợp đồng hôn nhân giữa 2 người, nhưng họ vẫn đi đến văn phòng đăng ký kết hôn ở Tehran cùng với ảnh và chứng minh thư.

Họ có thể quyết định thời gian mình muốn gắn bó với nhau, và họ đã quyết định cuộc hôn nhân tạm thời của mình có thời hạn là 6 tháng. Khi hết thời hạn này, họ đã nhiều lần đi gia hạn.

Shahla Sherkat, chủ biên của Zanan, tạp chí chuyên về phụ nữ thì cho rằng hôn nhân tạm thời là một giải pháp tuyệt vời. "Thứ nhất, mối quan hệ giữa nam nữ trẻ tuổi sẽ được tự do hơn một chút.

Thứ hai, họ có thể thỏa mãn nhu cầu tình dục. Thứ ba, tình dục sẽ trở nên phi chính trị hóa. Thứ tư, họ sẽ dùng hết năng lượng và không còn dư sức để ra phố gây rối nữa. Cuối cùng, nỗi ám ảnh về chuyện trinh tiết của xã hội chúng ta sẽ biến mất".

Kỳ lạ đất nước hôn nhau cũng đi tù lại có hôn nhân nháp để nam nữ yêu đương thoải mái - Ảnh 4.

Shahla Sherkat, chủ biên của tờ tạp chí Zanan. (Ảnh: Internet)

Thậm chí những người bảo thủ như Muhammad Javad Larijani, một nhà lập pháp từng theo học ở Đại học Berkeley của Mỹ cũng ủng hộ hôn nhân tạm thời.

"Hôn nhân tạm thời thì làm sao? Ở California cũng có một biến thể của nó đấy. Tốt hơn hết là nên hợp pháp nó thay vì để người ta phải làm chuyện đó một cách lén lút trên đường phố" - Muhammad cho biết.

Tuy nhiên ngày càng có nhiều người trẻ ở Iran chọn cách gặp gỡ và hẹn hò qua các mạng xã hội như Facebook hay Instagram và bỏ qua những quy định cổ hủ của đất nước.

Ngoài ra, để cạnh tranh với hôn nhân tạm thời, họ cũng có xu hướng hẹn hò theo kiểu phương Tây, thậm chí là sống chung, nhưng phải đối mặt với những rủi ro về mặt pháp lý.

Cá biệt, có những trường hợp nam nữ không hề có quan hệ yêu đương nhưng cũng ký thỏa thuận hôn nhân tạm thời chỉ vì muốn làm việc cùng nhau hay tham gia các dự án thường xuyên phải gặp gỡ nhau mà không bị xã hội dị nghị.

Theo Vocativ & New York Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại