Những toan tính của CIA
Ngay khi vụ việc vừa xảy ra và phiên tòa xử F.Powers ở Moscow còn chưa diễn ra, CIA đã ráo riết tìm cách tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay U-2 hôm 1-5-1960. Cách tốt nhất là phải tiếp xúc được với F.Powers ở trong nhà tù của KGB tại Moscow và không có kênh nào tốt hơn là thu xếp để những người thân của F.Powers tới Moscow tham dự phiên tòa.
Powers trên bục xét xử tại phiên tòa tháng 8-1960
Các điệp viên CIA đã tiếp xúc với vợ viên phi công là Barbara, đề xuất rằng CIA sẽ chịu toàn bộ chi phí của chuyến sang Liên Xô dự phiên tòa xử F.Powers. CIA thực hiện việc tài trợ này thông qua một tổ chức vỏ bọc là Hiệp hội các nhà hàng giải khát Virginia. Nhưng đi cùng với Barbara sang Liên Xô sẽ là hai luật sư ở Virginia, Alexander Parker và Frank Rogers, dưới danh nghĩa là "cố vấn riêng" của Barbara.
Nhiệm vụ của A.Parker và F.Rogers được CIA chỉ đạo rất rõ ràng: Bằng mọi cách để có thể phỏng vấn được F.Powers trong nhà tù của KGB.
Những câu hỏi mà CIA quan tâm nhất cần F.Powers trả lời là có đúng chiếc U-2 đã bị hạ bởi tên lửa ở độ cao 68.000 bộ như phía Xô viết thông báo hay không? Liệu chiếc U-2 đã bị bắn, hư hỏng nặng hay bị buộc phải hạ cánh? Và câu hỏi rất quan trọng là vì sao F.Powers lại không phá hủy chiếc máy bay theo như chỉ dẫn?
Các chuyên viên phân tích tình báo của Mỹ nhận định rằng, chiếc máy bay rất có thể đã bị rơi vào tình trạng "bốc cháy", một hiện tượng xảy ra khi bình đựng nhiên liệu ở hai cánh của chiếc U-2 được thiết kế theo kiểu rất đặc biệt, phải chịu một lực tác động rất mạnh khiến nó bị cong đi.
Khi ấy, máy bay sẽ buộc phải hạ thấp độ cao xuống dưới 40.000 bộ để động cơ có thể tái khởi động. Ở độ cao ấy, tên lửa hay chiến đấu cơ Xô viết hoàn toàn có thể tiếp cận để bắn hạ chiếc U-2.
Sở dĩ các chuyên viên Mỹ cảm thấy nghi ngờ về nguyên nhân chiếc máy bay U-2 rơi bởi theo số liệu tình báo của họ, hệ thống radar Xô viết không hiệu dụng ở độ cao trên 60.000 bộ.
Nói cách khác, từ độ cao đó trở lên, các tên lửa Xô viết sẽ phải bắn mò chứ không có sự hướng dẫn của hệ thống radar. Phải chăng, người Xô viết đã có được những bước cải tiến công nghệ đáng kể mà phía Mỹ chưa nắm bắt được?
Trong khi đó thì báo chí Liên Xô cũng như thế giới mỗi nơi đưa một kiểu khiến thông tin rối mù cả lên. Ngày 10-5, tờ Sao đỏ của quân đội Xô viết đăng một bài nói là phỏng vấn F.Powers, theo đó viên phi công Mỹ tin rằng đã có một vụ nổ trong động cơ máy bay khiến anh ta bắt buộc phải nhảy dù.
Hai ngày sau, vẫn tờ báo này đăng một bài khác, nói rằng chiếc U-2 đã bị bắn hạ trực tiếp bởi một quả tên lửa. Đài Moscow nói chiếc máy bay trúng phải mảnh tên lửa, còn tờ London Daily Worker của Anh đưa tin từ Moscow, nói rằng phát tên lửa đã không bắn trúng mà nổ ở phía dưới đuôi của chiếc máy bay.
Còn về chuyện F.Powers không cho nổ máy bay như chỉ dẫn thì vẫn tờ Sao đỏ của quân đội Xô viết nói rằng, F.Powers sợ nếu kích nổ thì bản thân anh ta không kịp thoát ra và sẽ chết chùm cùng với chiếc máy bay.
Bản án nghiêm khắc
Ngày 2-8, sứ quán Liên Xô tại Mỹ cấp thị thực nhập cảnh Liên Xô cho Barbara.
Toàn cảnh phiên tòa xử Powers ở Moscow. Ảnh tư liệu
Ngày 13-8, những người nhà F.Powers cùng tới Moscow trên những chuyến bay khác nhau. Ông bố Oliver và bà mẹ Ida F.Powers tới phi trường Sheremetyevo vào buổi sáng trên chuyến bay của hãng hàng không Anh, Comet. Sau đó, Barbara cùng với mẹ mình và các luật sư tới trên một chuyến bay của hãng hàng không Liên Xô Aeroflot.
Những nỗ lực của CIA nhằm để cho hai luật sư Mỹ là A.Parker và F.Rogers bào chữa cho F.Powers ở phiên tòa đều vô hiệu. Tòa đã chỉ định luật sư Mikhail I.Griniev, 55 tuổi, Ủy viên hội đồng Luật sư thành phố Moscow, bào chữa cho F.Powers.
Luật sư Mikhail I.Griniev từng tham gia bào chữa ở tòa án quốc tế Nuremberg sau Đệ nhị thế chiến. Người ta lưu ý đến một chi tiết là tất cả bị cáo người Đức mà luật sư M.Griniev làm đại diện ở phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg đều nhận án tử hình!
Chưởng lý chịu trách nhiệm buộc tội F.Powers là Roman A.Rudenko, còn Chánh án-Chủ tịch Hội đồng thượng thẩm quân sự của Tòa án tối cao Liên Xô là Trung tướng Viktor V.Borisoglebsky.
Trước và trong cả phiên tòa, những người trong gia đình F.Powers không có cách nào để có thể gặp được viên phi công gián điệp. Họ chỉ có thể nhìn thấy người thân của mình từ xa, trên chỗ ngồi của bị cáo.
Phiên tòa xử án F.Powers bắt đầu ngày 17-8-1960 tại Phòng lớn trong Tòa nhà Liên hiệp thương mại với khoảng 2.000 khách mời trong và ngoài nước.
Trong suốt phiên tòa, F.Powers trải qua tổng cộng gần 7 giờ đồng hồ đứng trên bục bị cáo để khai nhận. Viên phi công Mỹ tỏ vẻ hoàn toàn thành thật, khai nhận rõ ràng và xin lỗi về những việc mình đã làm.
Chỉ khi bị hỏi về khẩu súng hãm thanh mang theo bên mình, F.Powers khăng khăng rằng người ta đưa cho anh ta với mục đích là để "đi săn" và Chánh án Viktor V.Borisoglebsky đã nhắc nhở rằng đi săn ở độ cao 68.000 bộ là một việc rất khó!
Chưởng lý Roman A.Rudenko xác định F.Powers là "tội phạm nguy hiểm", đề nghị kết án F.Powers 15 năm tù giam. Từ chỗ ngồi của mình trong phòng xử án, ông bố của F.Powers, ông Oliver Powers gào lên: "Hãy kết tội tôi 15 năm tù đây này. Thà chết còn hơn!".
Ông Oliver Powers không biết rằng ở nơi ngồi của bị cáo, F.Powers thở ra nhẹ nhõm. Đến lúc ấy, anh ta mới chắc chắn rằng mình sẽ không bị bắn.
Trái với dự đoán của nhiều người, luật sư được tòa chỉ định M.Griniev đã làm công việc của mình khá tốt. Chiến thuật của vị luật sư này khá đơn giản.
Không tranh cãi trước những lời buộc tội cũng như các bằng chứng-vốn quá hiển nhiên-do bên nguyên đưa ra, M.Griniev chỉ kêu gọi sự cảm thông đối với thân chủ của mình, nhấn mạnh đến nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp dân lao động của F.Powers, đề cập đến "bóng ma thất nghiệp" trên diện rộng ở phương Tây, sự hám tiền cũng như quá trình hợp tác đầy đủ và thái độ ăn năn hối lỗi của viên phi công gián điệp khi ở trong tù.
M.Griniev lưu ý rằng, viên phi công chỉ là "công cụ", còn thủ phạm thực sự là chính quyền Mỹ. Trong lời bào chữa của mình, vị luật sư do tòa chỉ định nêu lên một chi tiết chứng minh F.Powers không hề quan tâm đến chính trị, rằng qua các lời khai của F.Powers cho thấy viên phi công chưa từng tham gia một cuộc bỏ phiếu nào ở Mỹ! Chiến thuật này đã tỏ ra khá hiệu quả.
Sau 3 ngày xét xử, lúc 5 rưỡi chiều 19-8-1960, Chủ tịch Hội đồng thượng thẩm quân sự của Tòa án tối cao Liên Xô, Trung tướng Viktor V.Borisoglebsky đọc lời tuyên án.
Bản án nêu rõ: "Căn cứ theo điều 2 của Đạo luật Liên Xô "Về những tội hình chống lại nhà nước", kết án Francis Powers, 10 năm mất tự do, trong đó 3 năm đầu bị phạt tù, thời gian còn lại trong trại cải tạo lao động.
Thời gian chịu án, kể cả thời kỳ tạm giam, tính từ ngày 1-5-1960. Các tang vật sẽ được giữ lại ở tòa án. Tiền và các đồ quý thu được của F.Powers sẽ chuyển thành tài sản của nhà nước. Chiểu theo điều 44 thủ tục tố tụng hình sự của Liên Xô và các nước cộng hòa liên bang, bản án đã y, bị cáo không có quyền khiếu nại và kháng án".
Powers gặp gỡ báo chí sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Xô viết
Đùa bỡn với hệ thống phòng không được cải tiến của Liên Xô, phi công gián điệp Francis F.Powers phải trả giá, rất may là không phải bằng tính mạng của mình mà chỉ bằng những năm tháng mất tự do trong nhà tù Xô viết.
Cuộc gặp bất ngờ trong nhà tù và cái kết có hậu
Ngay sau khi bản án được tuyên, những người trong gia đình F.Powers mới lần đầu được gặp viên phi công ở một căn phòng nằm ngay trong khu vực tòa án. Sau một thời gian dài bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, viên phi công lần đầu tiên nằm trong vòng tay của cha mẹ và cô vợ Barbara. Các luật sư Mỹ đều bị ngăn lại ở bên ngoài.
Bốn ngày sau, thứ ba, 23-8-1960, gia đình F.Powers được gặp lại viên phi công lần thứ hai trong một giờ đồng hồ, tại một căn phòng nằm trong tòa nhà của Tòa án tối cao. Ngày hôm sau, bố mẹ của F.Powers rời Liên Xô.
Barbara và hai viên luật sư Mỹ ở lại chờ đợi câu trả lời đơn xin phóng thích cho F.Powers, được gửi tới Văn phòng của Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, Leonid Brezhnev. Trong thời gian chờ đợi, Barbara đi mua sắm ở trung tâm mua bán GUM nổi tiếng tại trung tâm Moscow, đối diện với Quảng trường Đỏ.
Đến thứ năm, 25-8, họ được thông báo rằng đơn đã bị bác. Cả nhóm chuẩn bị hành lý để rời Moscow vào ngày hôm sau, thứ sáu, 26-8. Nhưng những người Xô viết đã dành cho Barbara và cả nhóm luật sư Mỹ một sự bất ngờ. Lúc 2 giờ chiều 25-8, luật sư A.Parker được biết hai người lính đã tới đưa Barbara đi đâu không rõ.
Vợ của F.Powers được đưa tới nhà tù Lyubianka của KGB và được phép ở với chồng 3 tiếng đồng hồ, không có lính gác xung quanh. Tại đó, Barbara kín đáo trao cho chồng một chiếc ghim giấu trong lòng bàn tay, trong có chứa những câu hỏi của CIA.
Sau lần gặp cuối cùng với vợ trong nhà tù của KGB ở Moscow, F.Powers được chuyển tới một nhà tù khác ở ngoại vi thành phố Vladimir, cách Moscow khoảng 150 dặm về phía đông. Tại đó, F.Powers đã trải qua hai mùa đông giá lạnh, không hy vọng rằng sẽ được sớm ra khỏi nhà tù. Chính phủ Mỹ có lẽ đã quên anh ta rồi.
Vài tuần sau Giáng sinh năm 1961, F.Powers rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý do không nhận được thư của vợ. Đến cuối tháng 1-1962, anh ta đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là cuộc hôn nhân của họ có thể tan vỡ.
F.Powers không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng, số phận đã quyết định anh ta phải đi theo một con đường kì dị trong cuộc đời để quay về nơi xuất phát. Một buổi sáng tháng 2-1962, F.Powers được đưa tới một cây cầu trên đất Đức, có tên là Gliennicker. Tại đây, anh ta được trao đổi với điệp viên Liên Xô, Đại tá Abel, vụ trao đổi gián điệp đầu tiên trong "Chiến tranh lạnh".