Kỳ 1: Cuộc đấu cân não và tiêm kích MiG-21 lần đầu tìm diệt B-52

Nguyễn Minh |

Đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay ném bom B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác trên miền Bắc thực sự là một cuộc đấu trí, đấu lực cân não không chỉ của lãnh đạo cấp chiến lược mà quan trọng hơn ở cấp chiến dịch và chiến thuật, nơi điều hành và thực thi nhiệm vụ đánh trả.

Đó là khẳng định của Trung tướng, phi công Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, khi bàn về nghệ thuật sử dụng lực lượng và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng tác chiến của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ).

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, thắng lợi của chiến dịch phòng không tháng 12/1972 là kết quả của cả quá trình xây dựng lực lượng, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chỉ huy và điều hành đánh trả hai cuộc chiến tranh chống chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, của chỉ huy cấp chiến thuật (các sư đoàn và trung đoàn) cùng Bộ đội Phòng không và Bộ đội Không quân, lực lượng trực tiếp chiến đấu.

Ý nghĩa của chiến thắng trên không chỉ là chiến thắng của một chiến dịch. Nó thực sự là một chiến thắng mang tầm vóc chiến lược, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973) và chấm dứt xâm lược Việt Nam.

Mặc dù đã có kinh nghiệm trong chỉ huy đánh trả các đợt tập kích của Không quân và Hải quân Mỹ, song lần đầu tiên Quân chủng PK-KQ phải đánh trả một đợt tập kích chiến lược với quy mô chưa từng gặp.

Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ, gồm 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 (chiếm gần 50% lực lượng không quân chiến lược), 48 máy bay F-111A, 999 máy bay chiến thuật các loại đánh phá ồ ạt và trực tiếp vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác.

Kỳ 1: Cuộc đấu cân não và tiêm kích MiG-21 lần đầu tìm diệt B-52 - Ảnh 1.

Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 cơ động chiến đấu bảo vệ Hà Nội

Mỹ đã sử dụng đồng bộ các trang bị tác chiến điện tử trên các máy bay gây nhiễu chuyên dụng như: EB-66, EC-121 và trên các máy bay B-52 với cường độ cực lớn gây khó khăn cho hệ thống rađa cảnh giới, rađa dẫn đường của không quân và rađa điều khiển hỏa lực của tên lửa phòng không.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho rằng, trước khi tiến hành Chiến dịch Linebacker II, phía Mỹ đã đánh giá không đúng về khả năng của Bộ đội Tên lửa của Quân chủng, họ cho rằng với hệ thống nhiễu dày đặc hoàn toàn có thể vô hiệu hóa được hệ thống tên lửa phòng không của Việt Nam.

Lực lượng có thể uy hiếp trực tiếp máy bay chiến lược B-52 chỉ còn là các máy bay MiG. Vì vậy, các máy bay B-52 chỉ tấn công mục tiêu vào ban đêm và để loại trừ triệt để khả năng bị MiG tấn công cả ban đêm.

Trước khi các máy bay ném bom chiến lược B-52 bay đến mục tiêu khoảng 2 giờ, vào khoảng 18 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút đêm 18/12, toàn bộ các sân bay chủ yếu của không quân như: Đa Phúc, Thọ Xuân, Kiến An, Kép, Yên Bái và cả sân bay Gia Lâm (sân bay chưa bao giờ không quân Mỹ đánh phá) đều bị các máy bay F-111A của không quân và A-6 của hải quân đánh phá ác liệt.

MiG-21 bất ngờ đánh đêm

Xác định đây là một nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược, là cuộc đọ sức mang tính sống, còn liên quan đến kết cục của chiến tranh nên Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã sử dụng toàn bộ lực lượng hiện có và tổ chức tốt công tác hiệp đồng tác chiến giữa Bộ đội Không quân và Bộ đội Phòng không.

Ngay từ đêm đầu tiên của chiến dịch (18/12/1972), mặc dù các sân bay đã bị đánh phá từ chập tối, song các máy bay MiG-21 từ sây bay Hòa Lạc, Đa Phúc vẫn xuất kích tìm diệt B-52.

Phương pháp hiệp đồng giữa không quân và phòng không là không quân đánh bên ngoài hỏa lực phòng không. Hỏa lực tên lửa phòng không và pháo cao xạ tầm cao tập trung đánh trả các máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.

Kỳ 1: Cuộc đấu cân não và tiêm kích MiG-21 lần đầu tìm diệt B-52 - Ảnh 2.

Phân đội 12 ly 7 tự vệ Nhà máy dệt kim Đông Xuân huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ

Nhằm khắc phục cường độ nhiễu rất đậm đối với các trận địa rađa dẫn đường quanh khu vực Hà Nội, Bộ đội Không quân đã triển khai các đài dẫn đường bổ trợ ở vòng ngoài như từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Mộc Châu (Sơn La) nơi có cường độ nhiễu thấp hơn, tạo thuận lợi cho việc phát hiện mục tiêu và dẫn máy bay MiG-21 tiếp cận máy bay địch.

Mặt khác, để bảo đảm có thể xuất kích liên tục từ nhiều hướng, các sân bay Đa Phúc, Yên Bái được sửa chữa gấp. Mặc dù chỉ còn 500m đầu đường băng phía Tây sân bay Đa Phúc được sửa, Không quân đã san gạt thêm 800m đường đất phía trước đường băng, dùng hệ thống đèn đêm dã chiến để các máy bay MiG-21 có thể cất cánh và hạ cánh.

Các sân bay dã chiến và sân bay mới sửa xong cũng được sử dụng. Việc đưa MiG-21 cất cánh ban đêm từ sân bay Yên Bái (đêm 27/12/1972), sân bay dã chiến Cẩm Thủy (đêm 28/12/1972) và sử dụng các đài rađa dẫn đường bổ trợ từ vòng ngoài đã gây bất ngờ cho phía Mỹ và đạt hiệu quả chiến đấu tốt.

Chính các phương pháp hiệp đồng tác chiến theo khu vực đã tạo được thế trận liên hoàn, có khả năng đánh địch từ xa và không cản trở hỏa lực tên lửa khi địch bay vào khu vực sát thương của tên lửa phòng không.

Có thể nói, đây là một quyết định táo bạo, đầy sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng khi phải đối phó với một đợt tập kích dồn dập và phương tiện thông tin liên lạc giữa các sở chỉ huy còn rất thiếu thốn.

Vì vậy, để tránh phức tạp, các máy bay MiG-21 sau khi cất cánh đã bay thấp qua vùng hỏa lực phòng không. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ lại giảm độ cao từ xa và về sân bay hạ cánh từ độ cao cực thấp.

Không chiến ban ngày

Do phải bố trí một trung đoàn tên lửa bảo vệ tuyến giao thông trên chiến trường Khu IV, nên lực lượng tên lửa còn lại ở phía Bắc tương đối mỏng. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã quyết định Bộ đội Tên lửa chỉ thực hành đánh B-52 ban đêm. Ban ngày các phân đội tên lửa làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, ngụy trang, nghi binh tránh bị địch đánh phá.

Xuất phát từ đặc điểm trên, trong mọi điều kiện thời tiết, từ các sân bay dã chiến, đường lăn sân bay Đa Phúc, các máy bay MiG-21 được lệnh xuất kích với lực lượng lớn nhất có thể, với nhiệm vụ trọng tâm là tấn công vào các tốp máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ, không để chúng có điều kiện trinh sát và đánh phá các trận địa tên lửa.

Kỳ 1: Cuộc đấu cân não và tiêm kích MiG-21 lần đầu tìm diệt B-52 - Ảnh 3.

Đặc điểm hoạt động của Không quân chiến thuật Mỹ thời gian này cũng khác với hoạt động trong Chiến dịch Linebacker I. Giai đoạn này, địch không chỉ hoạt động một đợt trong ngày mà đánh phá suốt ngày. Các trận đánh diễn ra từ sáng sớm đến chiều muộn, với mục đích tìm diệt lực lượng tên lửa phòng không của ta.

Nhờ ngụy trang tốt và được các lực lượng không quân và cao xạ bảo vệ nên trong suốt 12 ngày đêm trinh sát và tìm kiếm, Không quân Mỹ đã không đánh trúng bất kỳ một trận địa tên lửa nào của ta.

Thành công trong việc bảo vệ các trận địa tên lửa đã tạo điều kiện để Bộ đội Tên lửa làm nên chiến thắng thần kỳ, bắn rơi 29 chiếc máy bay B-52, bẻ gãy ý đồ làm tê liệt ý chí và quyết tâm giải phóng miền Nam của quân và dân ta.

Do tên lửa phòng không không đánh ban ngày, nên Bộ đội Không quân được phép đánh địch cả ở bên ngoài và trong vùng hỏa lực. Nhiều trận không chiến đã diễn ra ngay sát thủ đô Hà Nội như các trận ngày 23/12; 25/12; 27/12 và 28/12, đã bắn rơi cả máy bay trinh sát RA-5C, máy bay F-4 của địch rất gần Hà Nội.

Kỳ 1: Cuộc đấu cân não và tiêm kích MiG-21 lần đầu tìm diệt B-52 - Ảnh 4.

Khi không quân hoạt động trong khu vực hỏa lực, các đơn vị cao xạ vẫn tác chiến bình thường bởi thời tiết ban ngày mây nhiều và thấp, các trận không chiến diễn ra ở độ cao thấp và cực thấp với tốc độ cao nên không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ đội cao xạ.

Phương pháp hiệp đồng để Bộ đội Không quân đánh trong khu vực hỏa lực phòng không là một quyết định táo bạo và chính xác của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, phát huy triệt để khả năng bảo vệ các trận địa tên lửa.

Việc các máy bay MiG-21 xuất hiện và tấn công các máy bay chiến thuật của địch ở ngay trên khu vực trận địa tên lửa đã làm cho cả máy bay trinh sát và máy bay cường kích địch không có điều kiện trinh sát và tấn công được các trận địa tên lửa.

"45 năm đã qua, những bài học kinh nghiệm về sử dụng lực lượng và tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng của Quân chủng PK-KQ vẫn còn nguyên giá trị, một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, của những cán bộ chỉ huy tài ba của Quân chủng PK-KQ, lòng dũng cảm, trí thông minh và sáng tạo của các cấp chỉ huy và bộ đội của Quân chủng thuở ấy.

Trách nhiệm của các thế hệ mai này cần nghiên cứu, học tập và phát huy để xây dựng Quân chủng PK-KQ ngày càng lớn mạnh, hiện đại và tinh nhuệ đủ sức bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc Việt Nam thân yêu".

Trung tướng Nguyễn Đức Soát

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại