LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
----
KHÔNG QUÂN MỸ ĐÁNH TỔNG LỰC VÀO VIỆT NAM: HÌNH TRÌNH ĐỘT NHẬP CỦA B-52 QUÁ TINH VI
Hành trình "nhàn nhã"
Đoạn đường từ đảo Guam ở trung tâm Thái Bình Dương đến gần vùng biển Việt Nam dài trên 4.000km, B-52 bay theo một đường bay định sẵn. Bọn giặc lái chỉ việc mở máy tự động rồi ung dung ngồi đọc tiểu thuyết hoặc xem họa báo.
Thỉnh thoảng tên sĩ quan dẫn đường nhìn qua cửa kính đối chiếu với trăng sao trên trời, nếu cần thiết thì điều chỉnh lại hướng bay. Đến mỗi điểm quy định có đánh dấu trên bản đồ bay, những ngọn đèn có màu sắc khác nhau lần lượt bật sáng, báo cho kíp bay biết cuộc hành trình đang được thực hiện tốt đẹp.
Khi tới vùng trời phía bắc Philippines 180km, theo kế hoạch hiệp đồng, những chiếc KC-135 từ Philippines cũng vừa bay đến, bắt đầu làm nhiệm vụ tiếp dầu cho B-52. Công việc phức tạp này được tiến hành trên độ cao mười ngàn mét, trong lúc những chiếc B-52 vẫn tiếp tục bay về hướng Việt Nam.
Đến khu vực nam Đà Nẵng, kíp bay mở máy liên lạc với đài dẫn đường Lo-ran đặt ở bán đảo Sơn Trà rồi tiếp tục bay qua Lào, đến vùng trời sông Mê Kông. Tại đây, bọn cường kích, tiêm kích từ các sân bay trên đất Thái Lan cũng vừa bay đến, nhập vào đội hình với B-52 rồi theo dọc sông Mê Kông bay lên phía bắc.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 cất cánh từ một căn cứ không quân của Mỹ. Ảnh minh họa.
Chúng bay qua Xiêng - Khoảng, Sầm Nưa, vượt biên giới phía tây vào Tuyên Quang, Phú Thọ, xuống Việt Trì, Tam Đảo, vào đánh Hà Nội. Bọn F-105G được giao nhiệm vụ chế áp trận địa tên lửa, cao xạ, bọn F-4E làm nhiệm vụ chặn kích chống lại MiG để bảo vệ đội hình B-52.
Theo quy định, mỗi tốp B-52 được một tốp F-4 hai chiếc đi hộ tống. Bọn này sau khi gặp các tốp B-52 ở điểm hẹn trên vùng trời sông Mê Kông, bay cách các tốp B-52 từ 18 đến 20km ở hai bên sườn, theo một đường bay đã tính sẵn, sao cho luôn bán sát được các tốp B-52 lúc bay vào cũng như bay ra, mặc dầu tốc độ của bọn tiêm kích bao giờ cũng lớn hơn B-52.
Đó là chưa kể trước khi các tốp B-52 vào, đã có các tốp máy bay chiến thuật đi đánh các sân bay và các trận địa phòng không của ta theo một kế hoạch chung, thống nhất của bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7 Mỹ.
Điều đáng chú ý là cả một kế hoạch hiệp đồng lớn và hết sức tỉ mỉ như vậy, từ căn cứ Guam ở trung tâm Thái Bình Dương, đến các sân bay U-ta-pao, U-đôn, U-bôn, Tắc-li, Cò-rạt ở Thái Lan, các căn cứ ở Nhật Bản, ở Philippines, các tàu sân bay ở Vịnh Bắc Bộ... chỉ được bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7 Mỹ đóng ở Tân Sơn Nhất phổ biến trước có sáu tiếng đồng hồ bằng điện tín.
Tuy vậy, như chúng ta biết, kế hoạch đã được thực hiện với độ chính xác cao.Tính trung bình mỗi chiếc B-52 đi ném bom Bắc Việt Nam phải huy động thêm bảy chiếc máy bay các loại đi theo để phục vụ, bảo vệ và phối hợp tác chiến.
Máy bay B-52 được tiếp dầu trên không. Ảnh minh họa.
Mức độ tập trung chưa từng thấy
Mức độ tập trung máy bay của Mỹ vào cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên vùng trời Bắc Việt Nam lớn đến nỗi các hãng thông tin phương Tây phải thốt lên "chưa bao giờ nhà cầm quyền Mỹ lại huy động một lực lượng không quân lớn đến như thế để oanh kích Bắc Việt Nam" và "các chiến trường khác hầu như không còn máy bay để hoạt động".
Như vậy là trong những ngày đêm cuối năm 1972 đáng ghi nhớ đó, hầu như cùng một lúc trên bầu trời Bắc Việt Nam có từ 400 đến 500 máy bay Mỹ hoạt động, vừa ném bom chế áp trận địa, vừa thả nhiễu, chặn kích, nhìn qua tưởng chúng bay một cách hỗn loạn, nhưng thực ra đã được tính toán tỉ mỉ.
Khi chiếc B-52 cuối cùng rút khỏi chiến trường thì tất cả bọn lau nhau đều đã trên đường trở về căn cứ.
Hàng mấy trăm chiếc máy bay phản lực cùng một lúc hoạt động trên một vùng trời nhỏ hẹp, cách căn cứ hàng trăm, hàng nghìn km, giữa trời đêm mù mịt, nhưng không hề va chạm nhau, không hề bị thất lạc, chứng tỏ hệ thống chỉ huy của chúng hiện đại, tinh vi biết nhường nào.
Nước Mỹ với nền công nghiệp hiện đại vào bậc nhất thế giới thực sự đã trang bị cho bộ máy chiến tranh của nó và riêng lực lượng không quân những phương tiện lý tưởng để đi xâm lược nước ngoài và răn đe thế giới.
Với chiến dịch "Lai-nơ bếch-cơ 2", lần đầu tiên bọn Mỹ tung một lực lưọng không quân khổng lồ, lấy B-52 làm lực lượng đột kích chủ yếu, thi thố mọi thứ máy móc hiện đại, với tham vọng áp đảo đối phương ngay từ phút đầu và tin chắc chỉ trong vài ngày sẽ giành được thắng lợi.
Với sự ngạo mạn về "sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của Không lực Hoa Kỳ", Lầu Năm Góc lúc đầu lập ra kế hoạch chỉ cần 3 ngày dùng B-52 đánh vào Hà Nội - đầu não của Bắc Việt. Từ đó tạo ra "một Hirosima mà không cần dùng bom nguyên tử" và tin rằng sau đòn này đối phương sẽ phải ký kết hiệp định theo yêu sách của Mỹ.
Nhưng họ đã nhầm: ngay trong đêm đầu tiên 18/12/1972 đã có 3 máy bay ném bom chiến lược B-52 bị bắn hạ, trong đó có 2 chiếc rơi ngay tại Hà Nội. Điều này làm Không quân chiến lược (KQCL) Mỹ choáng váng bởi họ tin rằng nhiễu điện tử cực mạnh đã bịt mắt toàn bộ hệ thống radar, tên lửa Việt Nam và thiệt hại cao nhất dự kiến chỉ 1-2 chiếc/ngày (tỷ lệ dưới 1%).
-PV-
Như vậy là trong những ngày đêm cuối năm 1972 đáng ghi nhớ đó, hầu như cùng một lúc trên bầu trời Bắc Việt Nam có từ 400 đến 500 máy bay Mỹ hoạt động, vừa ném bom chế áp trận địa, vừa thả nhiễu, chặn kích, nhìn qua tưởng chúng bay một cách hỗn loạn, nhưng thực ra đã được tính toán tỉ mỉ.
Khi chiếc B-52 cuối cùng rút khỏi chiến trường thì tất cả bọn lau nhau đều đã trên đường trở về căn cứ.
Chính vì vậy mà ngày 18 tháng 12 năm 1972, cùng một lúc Ních-xơn vừa hạ lệnh cho B-52 cất cánh, vừa gửi công hàm cho Chính phủ ta với lời lẽ láo xược của một tối hậu thư, hẹn gặp lại ta ở Pa-ri vào ngày 26 tháng 12 năm 1972, với điều kiện là ta phải chấp nhận một văn bản hiệp định do chúng áp đặt.
Tin vào "công hàm B-52" nhất định sẽ có hiệu lực nên khi phát lệnh xong, Ních-xơn yên trí đi nghỉ cuối tuần ở Florida chờ "tín hiệu" trả lời từ Hà Nội. Nhưng thực tế đã diễn ra không đúng như mong muốn chủ quan của chúng. Ngay đêm đầu tiên, con ngoáo ộp B-52 đã bị tử thương và bị một đòn phủ đầu choáng váng.
(Trích Hồi ký: Đánh thắng B-52 của Trung tướng Hoàng Văn Khánh, NXB QĐND 1993)
Hoàng Văn Khánh (1923-2002), tên thật Hoàng Văn Thiệu, bí danh Trần Giới, là tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Phái viên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không.