Kinh tế giảm tốc cũng là lúc thế giới trở mặt với Trung Quốc

Nhàn Đàm |

Những tác động và hệ quả của việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc kể từ thời điểm cuối năm 2015, khi nước này có tốc độ tăng trưởng chỉ 6,9% chậm nhất kể từ năm 1990, đang có vẻ như ngày càng nhiều thêm.

Sự sụt giảm về ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước trên thế giới là điều chắc chắn, khi tổng mức nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm của thị trường Trung Quốc đã giảm tới 14%.

Nhưng một tác động khác còn lớn hơn, đó là về chính trị và ngoại giao.

Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đã không còn là hiện tượng đáng chú ý nhất về tăng trưởng trên thế giới, thì cũng là lúc mà các nước muốn lấy lòng Trung Quốc trước đây bắt đầu trở mặt.

Làn sóng trở mặt với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị và ngoại giao diễn ra trên thế giới thậm chí đã bắt đầu diễn ra trước khi kinh tế Trung Quốc chính thức giảm tốc vào cuối năm 2015.

Những thay đổi về chính trị tại các nước trước đây vẫn được xem là thân Trung Quốc như Myanmar hay Sri Lanka bắt đầu diễn ra từ năm 2013 - 2014.

Hầu hết các chính phủ mới được thành lập ở các nước này đều lên cầm quyền nhờ việc chỉ trích mạnh mẽ các thương vụ ký kết giữa các chính phủ tiền nhiệm với Trung Quốc, trong đó đặt dấu hỏi về tình trạng tham nhũng, hối lộ, thất thoát tài nguyên quốc gia thông qua các hợp đồng giao dịch với Trung Quốc.

Và hầu hết các thương vụ đó đã bị đình chỉ sau khi chính quyền mới lên nắm quyền.

Quốc gia mới nhất trong danh sách này là Lào, khi chính phủ mới ở Lào đang xem xét việc hoãn tiến hành các hợp đồng về xây dựng cơ sở hạ tầng đã ký kết với Trung Quốc, mà điển hình là dự án đường sắt cao tốc ở Bắc Lào trị giá gần 8 tỉ USD mà Trung Quốc tuyên bố sẽ tài trợ phần lớn vốn vay.

Không chỉ có các quốc gia lân cận Trung Quốc ở châu Á đang dần quay lưng với nước này, mà hầu hết các quốc gia có mối quan hệ kinh tế thương mại mật thiết với Trung Quốc trên toàn cầu cũng đang dần trở mặt với Bắc Kinh.

Đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ, nơi diễn ra chủ yếu của chính sách ngoại giao kinh tế liên quan mật thiết với khai thác tài nguyên của Trung Quốc.

Hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia này chủ yếu là trong lĩnh vực khai khoáng tài nguyên, để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho quá trình tăng trưởng kinh tế ở thị trường nội địa Trung Quốc.

Về hình thức đó là phương thức kinh doanh cả hai bên cùng có lợi, các nước này nhận được số tiền đầu tư lớn với giá hời, còn Trung Quốc thì có tài nguyên.

Nhưng về bản chất, đó là sự hợp tác kinh tế chủ yếu dựa trên mua bán tài nguyên một cách thuần túy.

Và khi mà kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu và năng lượng giảm đi đáng kể, thì rõ ràng mối quan hệ từng một thời nồng ấm này đã đến lúc kết thúc.

Quốc gia điển hình nhất cho tình trạng này không ai khác ngoài Venezuela.

Nếu xét trên các khoản đầu tư, viện trợ và cho vay thì Venezuela hẳn là quốc gia có quan hệ hữu nghị và tốt đẹp nhất với Trung Quốc, khi đây là quốc gia nhận được nhiều sự ưu ái và hỗ trợ nhất từ Bắc Kinh trong số các nước đang phát triển trên thế giới.

Trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc đã cho Venezuela vay tổng cộng hơn 60 tỉ USD, một số tiền vượt xa bất cứ quốc gia đang phát triển nào có mối quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.

Nhờ số tiền vay được ưu ái này mà chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đã đủ sức tồn tại và giữ được sự ổn định cho nền kinh tế quá yếu ớt và mong manh của Venezuela trong gần 10 năm.

Tuy nhiên, tất cả đã chấm hết ở thời điểm hiện tại, và những khoản vay lớn đầy ưu ái này đang dần hiện nguyên hình là những cái thòng lọng khổng lồ.

Hầu hết các khoản vay từ phía Trung Quốc được cấu trúc theo một cách tương đối đặc biệt, theo đó Venezuela không phải thanh toán bằng tiền mặt mà là bằng dầu.

Khi giá dầu vẫn cao thì đây quả thực là một cách thức giao dịch đầy hứa hẹn, theo đó Trung Quốc trả tiền trước cho số dầu mà nước này sẽ mua từ Venezuela thông qua số tiền về hình thức là cho vay.

Sở dĩ Trung Quốc đề xuất thỏa thuận có phần có lợi ấy cho Venezuela là muốn đảm bảo một nguồn cung dầu ổn định và lâu dài, bất chấp các biến đổi về mặt thị trường.

Tuy nhiên, việc giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng đã thay đổi tất cả. Số tiền trả trước mà về hình thức là các khoản vay ấy đang biến thành một giấy chứng nhận vay nặng lãi khủng khiếp.

Khi giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng xuống còn hơn 30 USD/thùng, thì cũng đồng nghĩa với việc số dầu mà Trung Quốc nhận được sau khi đã trả tiền trước này sẽ tăng lên gấp 3 lần. Và nó đang đẩy nền kinh tế Venezuela vốn đã bấp bênh giờ đây đứng trên miệng vực thẳm.

Thông thường khi giá dầu sụt giảm mạnh, các quốc gia xuất khẩu dầu như Venezuela có thể giảm sản lượng khai thác hoặc không đồng ý các hợp đồng mới để cải thiện giá dầu.

Tuy nhiên số tiền vay của Trung Quốc đang đồng nghĩa với một hợp đồng cung cấp dầu lâu dài trong hàng chục năm thì Venezuela không thể không thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện tại, 95% doanh thu xuất khẩu và một nửa nguồn thu ngân sách hàng năm của Venezuela là đến từ dầu mỏ, nhưng khi mà số dầu cung cấp cho Trung Quốc đang tăng lên gấp ba lần với cái giá rẻ mạt thì hiện số dầu mà Venezuela còn để xuất khẩu sang các thị trường khác còn lại chẳng được bao nhiêu.

Vì thế, Trung Quốc từ chỗ là một người bạn thân thiện và một quốc gia đầy hữu nghị đang xoay hẳn 180 độ để trở thành một kẻ cho vay nặng lãi đáng ghét và đang đe dọa phá hủy toàn bộ nền kinh tế của Venezuela.

Tình trạng hiện tại cũng đang đẩy chính phủ Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Để bảo vệ các công ty dầu lửa đang thua lỗ trong nước, Trung Quốc đã phải áp dụng giá sàn khiến cho người dân trong nước vẫn đang phải mua các sản phẩm xăng dầu với giá cao hơn.

Vì thế, sẽ rất khó để Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp giãn nợ để giảm lượng dầu mà Venezuela phải chi trả để níu kéo một đồng minh có quan hệ tốt trong nhiều năm của mình.

Điều đó sẽ đối mặt với sự phản đối từ phía người dân trong nước và sẽ tạo ra bất ổn xã hội.

Hiện kinh tế Venezuela đang ở trong tình trạng khá nguy kịch, khi sản xuất đã đình đốn còn lạm phát thì đang tăng phi mã.

Gần như nước này sẽ không thể nhận được những sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc khi bản thân nền kinh tế số hai thế giới cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nội bộ.

Khác với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, Trung Quốc rất ít đầu tư bài bản và lâu dài ra các thị trường nước ngoài ngoại trừ đầu tư vào các lĩnh vực ngắn hạn như khai thác tài nguyên, vì thế sự ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc với các nước trên thế giới là tương đối hạn chế, chủ yếu thông qua nhập khẩu nguyên liệu thô.

Khi mà kinh tế Trung Quốc giảm tốc và giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu, thì điều tất yếu là sự nồng ấm trong quan hệ đó cũng sẽ chấm dứt, và cũng không khó hiểu nếu như nhiều quốc gia sẽ dần trở mặt với Trung Quốc do những gì mà các nước này phải gánh chịu, mà Venezuela là một điển hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại