Nga đã thu được những kinh nghiệm quý giá ở chiến trường Syria.
Khi phe đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn mất quyền kiểm soát đường cao tốc chiến lược M4/M5 ở miền Đông Idlib vào đầu tháng 3, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phải đích thân đến Moscow tìm kiếm một giải pháp cứu vãn tình hình.
Không phải đến Washington, Brussels, hay Geneva – nơi vốn được coi là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ - Tổng thống Erdogan phải đến Nga – gặp người nắm toàn quyền quyết định cuộc chiến Syria.
Mặc dù các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã có các động thái quân sự lấn lướt quân đội Syria thời gian qua nhưng Tổng thống Erdogan cuối cùng đã phải chấp nhận một yêu cầu ngừng bắn.
Đó là một dấu hiệu khác cho thấy Điện Kremlin đã xây dựng vai trò là một nhà môi giới quyền lực chủ đạo trong cuộc chiến đa chiều kéo dài hàng thập kỷ ở Syria.
Điện Kremlin dường như không quan tâm quá nhiều đến cái giá họ phải trả trong việc đạt được mục tiêu ở Syria, mà đang hành động táo bạo và quyết đoán ở Idlib, tờ Kyiv Post nhận định trong bài viết hôm 24/4.
Nga đang công khai thách thức sự hiện diện quân sự ngày càng suy yếu của phương Tây ở Syria. Trong khi đó, phương Tây – vốn thiếu quyết đoán, đoàn kết – cũng như bận rộn đối phó với sự hoành hành của COVID-19, đang nhanh chóng mất đi vai trò tích cực của mình, để lại mọi thứ cho tam giác Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ định đoạt.
Đấu trường hoàn hảo
Lần gần nhất Nga thể hiện vị thế "ông chủ" của mình ở Syria trước mặt phương Tây đó là hôm 20/4, khi một máy bay trinh sát P-8 của Mỹ bị một chiến đấu cơ Su-35 của Nga chặn lại ngoài khơi Syria khi có ý định do thám.
Ở Syria, các lực lượng Nga được khuyến khích hành động táo bạo để thách thức sự hiện diện và quyết tâm của quân đội phương Tây – cũng như tận dụng cơ hội để thử nhiều loại vũ khí tối tân và có được kinh nghiệm quý báu trong chiến tranh hiện đại.
"Nga đang thu được một lượng kinh nghiệm chiến đấu đáng kể cho các sĩ quan và binh sĩ của mình ở Syria", Ben Hodges, cựu tổng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Châu Âu, nói với tờ Kyiv Post.
"Họ sử dụng hầu như tất cả các hệ thống vũ khí của mình. Họ cũng đã có nhiều kinh nghiệm với máy bay không người lái, đồng thời tìm cách chống lại những hệ thống này của Thổ Nhĩ Kỳ rất hiệu quả".
Một số báo cáo gần đây cho thấy Nga đã thử nghiệm tiêm kích tàng hình Su‑57 tiên tiến ở Syria. Ngoài ra, Nga cũng xác nhận đã đưa xe tăng T‑14 Armata đến thử nghiệm chiến đấu ở Syria.
"Triển khai khí tài tại Syria cũng là một phần trong nỗ lực tiếp thị ngành công nghiệp vũ khí của họ", Hodges cho biết thêm. "Nga sẽ cho khách hàng tiềm năng thấy tận mắt những gì mà họ có thể cung cấp".
Phương Tây đã "chán" Syria?
Các cuộc tuần tra chung củng cố thêm vị thế của Nga ở Idlib.
Như đã nêu trong thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 3 ở Idlib, các lực lượng Nga sẽ tiếp tục tuần tra trên đường cao tốc M4 chiến lược dẫn qua toàn bộ Bắc Syria tới Iraq, bằng cách hợp tác với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục sự ủng hộ trong việc chiếm lại lãnh thổ của quân đội Syria, đồng thời thể hiện vai trò trung gian giữa nhiều phe nhóm khác nhau.
Trong khi đó, sự hiện diện của phương Tây trong những tháng gần đây được coi là suy giảm ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Sau khi rút phần lớn lực lượng vào cuối năm 2019 theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, Mỹ hiện có gần 500 binh sĩ tham gia chủ yếu vào việc tuần tra các mỏ dầu ở phía Đông Syria.
Sự hỗ trợ quân sự đối với người Kurd đã bị ông Trump từ chối và chấm dứt vào cuối năm 2019, chưa bao giờ được khôi phục. Các quốc gia châu Âu cũng chuyển sang vai trò thụ động hơn ở Syria, ngoại trừ các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền Tổng thống Assad.
Như nhiều nhà quan sát chỉ ra, khoảng trống để lại của phương Tây tiếp tục định hình lại sự cân bằng quyền lực ở Syria - và Nga đương nhiên đang làm hết sức mình để lấp đầy.
Iliya Kusa, một chuyên gia về chính sách quốc tế từ Viện Tương lai Ukraine cho rằng, phương Tây dường như đã hoàn toàn từ bỏ các vấn đề liên quan đến Syria.
"Mặc dù vẫn là một thế lực tham gia, nhưng ảnh hưởng có phần giảm đi khi họ thấy rằng mình không thể chiến thắng trong cuộc chiến này", chuyên gia Kusa nêu quan điểm.
"Bên cạnh đó, lợi ích của các quốc gia phương Tây đã thay đổi. Ví dụ như Mỹ, ông Trump nói ở lại Syria chỉ vì dầu. Điều này cho thấy chính quyền Trump không có mục tiêu chiến lược nào ở đó".
Vào ngày 22/4, Nga đã có cuộc hội đàm về tương lai của lệnh ngừng bắn ở Idlib. Trong đó, Moscow đã tham gia cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, những quốc gia định hình mọi quyết định trong khu vực.
Ít ai còn tin rằng thành trì của phiến quân cuối cùng sẽ không bùng nổ trở lại trong tương lai gần, bất chấp sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một lý do khác đằng sau đó là sự chú ý của quốc gia Trung Đông đang tập trung vào dịch bệnh COVID-19.
"Dịch bệnh có lẽ mang đến cho Tổng thống Assad cơ hội hoàn hảo", Dania Koleilat Khatib, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Ả Rập tại Đại học Mỹ Beirut đánh giá.
"Giờ đây, khi châu Âu và Mỹ đang mải phản ứng trước dịch bệnh, Tổng thống Assad có thể tự do hơn trong việc giành lại lãnh thổ hợp pháp của mình".
Nga sẽ được khuyến khích tiến thêm một bước nữa và tìm cách xóa bỏ sự khác biệt giữa ba thế lực chính trong cuộc xung đột Syria.
Nếu thành công trong mục tiêu này, Moscow sẽ có vị thế thương lượng tốt hơn nhiều với phương Tây và sẽ là người gặt hái lợi ích sau cùng trong việc quyết định tương lai ở Syria.