Ngoài đời là rác, trong tù là vật liệu vạn năng
Ở ngoài đời các phạm nhân từng là giang hồ danh tiếng, lưu manh vặt hay giám đốc, nhưng một khi đã đặt chân vào phía bên trong cánh cửa buồng giam thì họ phải có cuộc sống khác.
Khi này óc sáng tạo và khả năng thích nghi của họ sẽ phải được phát huy một cách tối đa. Bởi vì tù không phải là nhà.
Ngoài những vật dụng cơ bản nhất phục vụ cho cuộc sống, họ gần như phải tự chế tạo ra mọi thứ mình cần, từ những thứ đơn giản cho tới phức tạp, tùy theo tay nghề và nhu cầu hưởng thụ.
Có thời gian rảnh rỗi gần như vô hạn, cộng với núi kiến thức, kinh nghiệm được truyền miệng từ đời tù này sang đời tù khác đã giúp họ cải thiện rất nhiều cuộc sống nhàm chán và thiếu thốn sau song sắt.
Phải nói rằng sức sáng tạo của con người là cực kì đáng nể, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu thốn.
V., một quản giáo trại tạm giam Trần Phú (Hải Phòng) từng khoe người viết một chiếc móc khóa hình con tôm đủ màu sắc, tết bằng những sợi dây nilon siêu mảnh, đều chằn chặn, đủ màu, lại còn cả tên phía trên.
"Tôi đố ông biết thứ này được làm bằng cái gì?", V. hỏi.
Tôi lắc đầu chịu thua, V. đắc thắng bảo: “Mấy đứa tự giác (phạm nhân án nhẹ được phân công làm việc vặt của trại) tặng tôi đấy. Cái này được làm bằng... túi nilon ông ạ”.
Móc đeo khóa hình con tôm, một sản phẩm được phạm nhân khéo léo làm bằng sợi kéo từ túi nilon (Ảnh Internet)
Quả thật, có giàu trí tưởng tượng tới mấy tôi cũng không thể nghĩ làm sao chiếc túi nilon lại có thể biến ra thành con tôm, con cá tinh xảo và đầy màu sắc vậy.
Nhưng tới khi được "mở rộng tầm mắt" bằng màn kéo dây từ túi nilon của một cựu tù, tôi mới dám tin là thật.
Thậm chí, sản phẩm mà tôi được nhìn thấy từ V. còn là hạng... tầm thường, nếu so sánh với những thứ đồ mỹ nghệ handmade tinh xảo từ nilon ở trong tù.
Trong trại giam, túi nilon là một trong những thứ hiếm hoi có sẵn và không hề bị cấm.
Nếu như ở ngoài đời túi nilon chỉ được dùng với mỗi công dụng chính là đựng đồ thì ở trong trại tạm giam, chúng là trở thành một thứ nguyên liệu "vạn năng".
Nhờ những chiếc túi nilon tưởng chừng vất đi này, những phạm nhân đã cho ra đời đủ mọi thứ thiết thực cho cuộc sống của mình.
Ngả mũ trước những… “siêu phẩm”
Trước hết, những chiếc túi nilon phải được "sơ chế" qua bằng cách kéo thành những sợi dây nhỏ xíu. Chẳng hiểu ai là người đầu tiên phát minh ra phương pháp "xe dây" khéo léo này, nhưng quả thật chúng rất đơn giản và dễ làm.
Đầu tiên, họ cắt những chiếc túi nilon ra thành từng miếng nhỏ chừng 2 ngón tay, dài hơn 1 gang, sau đó gấp gọn lại, xoắn nhẹ, buộc một đầu, còn đầu kia kéo từ từ.
Vậy là một sợi dây nilon nhỏ xíu, đều chằn chặn nhưng cực kỳ chắc chắn đã được ra đời.
Sợi nilon vạn năng, vật liệu để phạm nhân tạo thành những "siêu phẩm" khiến nhiều người ngả mũ (Ảnh internet)
Từ sợi dây này, họ "thiết kế" ra đủ mọi thứ vật dụng cần thiết trong cuộc sống tù tội, từ dây phơi khăn mặt, móc treo đồ, căng màn, đan đồ thủ công mỹ nghệ, làm dây chuyền, nhẫn hay vòng cổ...
Với những phạm nhân "tay dùi đục", họ tạm bằng lòng với việc dùng chiếc dây siêu chắc này buộc đồ, làm dây phơi, thay thế chỉ khâu.
Còn với những phạm nhân có hoa tay, những chiếc túi nilon bỏ đi khi vào tay họ có thể trở thành những thứ đồ thủ công "siêu phẩm".
Từ phổ biến như móc khóa hình tôm, cá, dây chuyền, vòng đeo tay có tên người yêu ở nhà cho tới cả... túi xách đan bằng sợi nilon.
Thậm chí, nghe đâu trong những trận "tranh hùng" trong trại giam, những chiếc côn nhị khúc được tết bằng hàng ngàn sợi nilon cũng đã từng xuất hiện!
"Anh nhìn thì thấy bình thường, chứ ở trong trại tạm giam mới thấy nó quý thế nào anh ạ. Mười đứa từng tù tội thì đều phải thuộc lòng cái món "xe dây" này, vừa giết thời gian lại vừa có cái mà dùng trong trại.
Không có nó, có khi đến cái khăn mặt giặt xong cũng không biết phơi đâu!", T., cựu tù trại Xuân Nguyên chia sẻ.
Nhổ râu, cắt móng tay, gọt hoa quả, cưa đồ nhựa chỉ bằng… sợi chỉ
Cùng với dây nilon, một trong những thứ nguyên liệu dễ kiếm và nhiều công dụng nhất trong buồng giam phải kể tới sợi chỉ.
Nếu như ngoài đời, ngoài tác dụng khâu quần áo, người ta không biết dùng chỉ vào công việc gì khác gì phía bên trong cánh cửa buồng giam, sợi chỉ có vô vàn công dụng.
Phạm nhân có thể dùng chỉ để nhổ râu, cắt móng tay cho tới tỉa lông mày, cắt hoa quả, thậm chí là... cưa đồ nhựa.
Trong trại tạm giam, những vật dụng bằng kim loại bị cấm hoàn toàn. Chính bởi vậy, những vật dụng phổ biến ngoài đời như dao cạo, nhíp, đồ cắt móng tay đều không thể lọt vào.
Nhu cầu của các phạm nhân thì vẫn còn nguyên vẹn, vậy là "cái khó ló cái khôn", đủ mọi thứ giải pháp đã được đưa ra. Đối với những phạm nhân nam, "xe râu" chính là một trò tiêu khiển phổ biến và thích thú vào bậc nhất.
Với chiếc quần bò bỏ đi, phạm nhân có thể chế thành những chiếc túi thời trang (Ảnh Internet)
Chỉ cần một cọng chỉ buộc lại thành vòng tròn, ngoắc lên hai bàn tay, xoắn lại vài vòng, vậy là một thứ "nhíp nhổ râu" siêu bén đã được ra đời.
Bằng cái dụng cụ không tưởng đó, họ có thể ung dung nhổ râu, xe lông mặt, tỉa tót lại hàng lông mày (đối với các phạm nhân là nữ) một cách tinh tế chẳng thua gì dùng dao cạo.
Sợi chỉ mỏng manh khi gập đôi và xe lại với nhau lại có thể làm nên những điều rất khó tin.
Tôi từng trợn mắt khi thấy anh chàng T., cựu tù trại Xuân Nguyên (Hải Phòng), hì hục một loáng đã cắt bay chiếc bàn chải nhựa làm đôi chỉ với một cọng chỉ trong tay.
Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, T., khoái trá cười: “Anh thấy chưa? Tới cứng như nhựa nó còn cắt được, thì sá gì mấy thứ lặt vặt?
Ở trong trại, bọn em toàn dùng nó... thay dao. Cưa đồ nhựa làm chất đốt, cắt móng tay hay gọt hoa quả, cắt túi nilon, tất tần tật đều dùng nó cả!”
Kỳ công làm “người tiền sử” để… châm điếu thuốc
Một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người là tạo ra được lửa. Tuy nhiên, đó đã là chuyện của vài ngàn năm về trước.
Thời hiện tại, còn mấy ai lăn tăn về chuyện làm sao để có lửa, khi mà diêm, bật lửa được bán đầy rẫy ở ngoài đường? Nếu có, thì đó chỉ là những phạm nhân trong trại tạm giam - những người "tìm lửa" chính hiệu của thế kỷ 21!
Trong trại tạm giam, lửa là một trong những thứ cấm kỵ.
Có điều, không có lửa cũng đồng nghĩa với việc cấm tiệt cả thuốc lá, thuốc lào, trà tàu, nước nóng, những thú vui mà ở ngoài đời đã thích, trong hoàn cảnh mất tự do lại còn tuyệt hơn gấp bội.
Không phải ngẫu nhiên mà phạm nhân gọi thuốc lá, thuốc lào là "máu khô", ý nói chúng quý giá hệt như máu trong người vậy. Thế nhưng nếu không có lửa, thì "máu khô" có lẽ cũng chỉ được dùng để... ngắm!
Vậy là hành trình tìm lửa của các phạm nhân trong 4 bức tường đã được bắt đầu...
Cách phạm nhân tạo ra lửa như thời người thời tiền sử (Ảnh Internet)
T., tay cựu tù ở trại Xuân Nguyên trầm ngâm: “Em nhớ cũng phải có tới 8-10 cách làm ra được lửa, nhưng mà dễ nhất vẫn là dùng đá (Viên đá lửa nằm bên trọng bật lửa ga).
Bật lửa thì khó giấu chứ viên đá lửa thì dễ ợt. Mấy đứa đi xử về (ra tòa để xử án) đứa nào chả kẹp mấy viên vào móng tay, có trời mới phát hiện ra được.
Có được viên đá lửa rồi thì dễ, cứ rút lông bàn chải ra cắm viên đá vào, rồi lấy cái mảnh chai hoặc thứ gì sắc gại gại lên. Tia lửa nó bắn vào bông, thế là thành lửa!"
Có điều, anh chàng cũng không quên cảnh báo: “Em nói thì đơn giản vậy thôi, chứ cho anh làm chắc phải cả tháng may ra có lửa.
Phải bọn "bếp" khéo tay lắm chúng nó mới làm ra được, chứ không phải ông nào cũng làm được món này đâu!”
Cao hứng, T. còn mang cả đống chuyện "tạo lửa" trong bốn bức tường ra kể. Từ chiêu dùng bịch nilon đựng đầy nước làm thấu kính hay khó tin hơn là tạo lửa theo kiểu vài ngàn năm trước.
T. bảo, anh có tin có đứa đánh được lửa như kiểu... người tiền sử không? Mấy miếng tre với gỗ khô, nó đục lỗ bỏ thêm ít cát vào cho ma sát rồi ra sức rồi xoay.
Xoay "tướt bơ" tới hàng tiếng mới được tí than nong nóng, bỏ thật khéo vào đống bùi nhùi, thế rồi cũng cháy ông anh ạ!
Tôi lắc đầu, bó tay với sự kiên nhẫn và trình độ "khéo léo" của những tay tù! Với từng ấy óc sáng tạo, sự quyết tâm, họ có thể làm được ối việc có ích chứ không phải chỉ đơn giản là tìm cách... châm điếu thuốc!
(Còn nữa)