Lần đầu tiên B-52 tham chiến là trong Chiến tranh Việt Nam và ngay lập tức gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới vì khả năng ném bom rải thảm tàn phá ghê gớm của nó. Nhưng cũng ở Việt Nam, B-52 lần đầu tiên nếm mùi thảm bại khi liên tiếp bị bắn hạ bằng tên lửa phòng không SAM-2.
Vào tháng 12/1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân lớn nhất của đế quốc Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52, lập nên kỳ tích chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Và từ mùa đông năm 1972 đến nay, Mỹ chưa bị đối thủ nào bắn rơi thêm một máy bay B-52 nào nữa. Việt Nam và bầu trời Hà Nội, bầu trời miền Bắc Việt Nam là nơi duy nhất cho đến bây giờ, "pháo đài bay" B52 bị bắn hạ.
Tuổi thọ dài hơn các máy bay ném bom đời mới
Theo tờ Business Insider, Boeing B-52 Stratofortress đã bay từ năm 1952 và nhờ một loạt nâng cấp, mẫu máy bay này sẽ tiếp tục hoạt động trong nhiều thập kỷ tới.
Mẫu máy bay ném bom phản lực khổng lồ B-52 được thiết kế vào những năm 1940 (trên thực tế, nó được thiết kế gần như hoàn toàn chỉ trong một ngày cuối tuần), nhưng khung máy bay khổng lồ và thiết kế 8 động cơ phản lực của nó đã được chứng minh là có khả năng vượt trội trong nhiều năm qua.
B-52 hiện được kỳ vọng sẽ tồn tại lâu hơn các máy bay ném bom mới hơn được Mỹ phát triển để thay thế nó.
Khi B-21 Raider sắp được sản xuất, cả B-2 Spirit (máy bay ném bom tàng hình) và B-1B Lancer (máy bay ném bom siêu âm) của Mỹ dự kiến sẽ bị thải loại, còn "pháo đài bay" B-52 vẫn sẽ tiếp tục bay.
Theo Business Insider, B-52 đã thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu lâu đến nỗi, vào thời kỳ đầu, nó còn được bố trí xạ thủ ở đuôi để bảo vệ chiếc máy bay ném bom chậm và ổn định này trước các máy bay tiêm kích của đối phương.
Sau này, khi công nghệ máy bay chiến đấu tiếp tục được cải tiến, Mỹ đã chuyển từ việc điều khiển súng trên mẫu máy bay ném bom hạng nặng này sang bố trí B-52 bay với máy bay chiến đấu hộ tống của riêng nó.
Theo Wikipedia, để thích hợp cho nhiệm vụ ném bom rải thảm trong chiến tranh thông thường, máy bay cần mang được rất nhiều bom. Mẫu máy bay B-52 được cải tiến mở rộng phần khoang chứa bom. Một máy bay B-52 có thể mang tối đa là 108 quả bom 500 pound (227 kg) trong đó 24 quả treo tại giá ngoài và 84 quả trong khoang, hoặc nếu mang bom 750 pound (340 kg) thì số bom tối đa là 66 quả, trong đó giá ngoài 24 quả, trong khoang 42 quả.
Nhưng sau thất bại trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ dần dần không sử dụng B-52 vào mục đích ném bom nữa mà chuyển sang trang bị tên lửa hành trình. B-52 sẽ phóng tên lửa hành trình từ xa vào các mục tiêu của đối phương.
Theo Wikipedia, với phương án vũ trang như vậy, B-52 chỉ thích hợp cho chiến tranh hạt nhân (tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân) hoặc chiến tranh thông thường với mục đích để chống các mục tiêu đơn lẻ, chính xác cao, giá trị cao (tên lửa hành trình mang đầu đạn thông thường) mà không còn hiệu quả hủy diệt gây tâm lý choáng váng, ghê sợ của việc ném bom rải thảm nữa.
B-52 cũng thường được trang bị 6-8 quả tên lửa nhử mồi chống tên lửa đất đối không và không đối không của đối phương. Khi phát hiện thấy tên lửa của đối phương bắn về phía mình, máy bay sẽ phóng ra loại tên lửa này để thu hút tên lửa địch.
Bên cạnh các thiết bị liên lạc, dẫn đường và radar chuyên dụng, mỗi máy bay B-52 còn có từ 9 đến 15 máy gây nhiễu điện tử do một sĩ quan điện tử phụ trách. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, sĩ quan điện tử này thường có quân hàm cao nhất trong nhóm 6 phi công và có vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo an toàn của máy bay.
Ngày nay, B-52 vẫn được tham gia như một phần thiết yếu trong bộ ba hạt nhân của Mỹ với tư cách là một máy bay hỗ trợ tầm gần trên không trong không phận không tranh chấp.
Theo Business Insider, thời gian hoạt động lâu và số lượng vũ khí khổng lồ của B-52 khiến nó trở thành sự lựa chọn số một của Mỹ trong các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu mặt đất, nơi nó từng được sử dụng ở cả Iraq và Afghanistan trong những năm gần đây.
Nhờ một loạt nâng cấp về buồng lái và cải thiện khoang chứa hệ thống vũ khí, Không quân Mỹ dự định tiếp tục duy trì hoạt động của một số máy bay B-52 cho đến cuối những năm 2060.