Hành vi đánh lừa người tiêu dùng
Liên quan đến việc sản phẩm “sườn bò thơm cay” của Công ty TNHH Sa Sa không phải làm từ thịt bò nguyên chất và sử dụng một số hóa chất, phụ gia độc hại nhưng vẫn ghi nhãn mác là “sườn bò” để bán ra thị trường, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) khẳng định: đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng cần phải nghiêm khắc xử lý.
Ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin về vụ việc trên. Thực ra đây không phải là lần đầu Hội BNNTD nhận được thông tin phản ánh về sản phẩm này và cũng không phải là lần đầu các sản phẩm của Công ty TNHH Sa Sa bị người tiêu dùng lên án, trước đó Công ty này đã vi phạm nhiều lần rồi.
Các sản phẩm dạng như “sườn bò thơm cay” không chỉ bày bán ở trước cổng các trường học mà ngay cả các quán bán lẻ nơi ngõ, xóm cũng bán các sản phẩm này dù không đảm bảo chất lượng. Có lần tôi còn thấy có sản phẩm ghi là “thịt hổ”, nó rất là cay và bán có 2.000 đồng/gói nhỏ, nhưng thực ra nó không phải là thịt hổ, thịt hổ đào đâu ra mà lắm để bán như thế. Nguồn gốc xuất xứ, ai sản xuất, đã được đăng ký chưa,… tất cả những thông tin trên sản phẩm này rất là mập mờ”.
“Thường thì các loại sản phẩm này có nhãn mác và tên gọi gây kích thích trẻ nhỏ, bán thì rẻ. Nhãn mác thì rất hoành tráng lại sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu mà mình không kiểm soát được, không rõ nguồn gốc xuất xứ… điều này gây nguy hiểm cho người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.
Về sản phẩm “sườn bò thơm cay” của Công ty TNHH Sa Sa vừa được các cơ quan chức năng phát hiện là hàng rởm vừa qua, ông Tuấn cho rằng: “Đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng. Không sử dụng thịt bò nguyên chất để chế biến nhưng bên ngoài sản phẩm lại vẫn ghi nhãn là “sườn bò” để đánh lừa người mua, ở đây, công ty này còn vi phạm cả Luật quảng cáo và quy định về việc ghi thông tin nhãn mác. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều phụ gia và hóa chất độc hại mà Bộ Y tế không cho phép là không thể chấp nhận được”.
“Như tôi đã nói ở trên, đây không phải là lần đầu tiên Công ty TNHH Sa Sa vi phạm, họ đã vi phạm nhiều lần. Hành vi đánh lừa người tiêu dùng, gian dối trong kinh doanh để trục lợi, bất chấp sức khỏe của người khác là không chấp nhận được, là vi phạm pháp luật, cần phải nghiêm khắc xử lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Quản lý vệ sinh thực phẩm hiện nay còn chồng chéo”
Về trách nhiệm quản lý và xử lý những vi phạm trong quản lý kinh doanh và an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Tuấn cho rằng “hiện nay đang tồn tại rất nhiều chồng chéo”.
Ông Tuấn cho rằng: “Việc kiểm soát các sản phẩm thực phẩm trôi nổi, hàng nhái hàng giả này không chỉ có riêng trách nhiệm của phía Cục ATVSTP Bộ Y tế, mà tôi nghĩ nó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên ngành.
An toàn thực phẩm nếu cứ “đổ lỗi” cho mình Bộ Y tế cũng không được, vì Cục ATVSTP Bộ Y tế có mấy người đâu, đến hơn 1000 người rải khắp cả nước chứ mấy, làm sao mà kiểm soát hết được.
Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, những sản phẩm thực phẩm nào mà Cục ATVSTP của Bộ Y tế đã cấp giấy phép thì Cục phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát. Nhưng họ cũng không thể xử lý hết được vì đây liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, trong đó có cả các cơ quan chức năng địa phương như phường, xã,…”.
Mà người bán hàng rong cũng bán nhiều thứ hàng lắm, nào là bún, bánh rán, kẹo, trái cây,… những cái này ai kiểm soát nổi? Nó còn liên quan đến cả trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương nữa, nhiều lắm”.
“Theo quy định của pháp luật thì đối với những sản phẩm anh muốn sản xuất, cung ứng, đem ra thị trường tiêu thụ thì anh phải đăng ký về mặt chất lượng, về giấy phép kinh doanh,… Còn khi anh không đăng ký hoặc đăng ký một đằng nhưng lại sản xuất một nẻo thì đó là vi phạm. Nhưng việc xử lý hiện nay cũng khó vì trong công tác quản lý vấn đề này hiện nay đang tồn tại rất nhiều chồng chéo, các cơ quan chức năng liên ngành gần như đang “dẫm chân” lên nhau”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn kiến nghị: “Đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tôi trước hết cần giáo dục cho trẻ em ở nhà trường lẫn ở nhà về cách nhận biết các sản phẩm là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, chẳng hạn đưa hẳn vào các buổi học ngoại khóa. Các bậc cha mẹ cũng cần phải trang bị các kiến thức cần thiết để khuyên con em mình không nên mua những ẩn phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, về mặt quản lý, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa sao cho kiểm soát được sản phẩm đó. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của các lực lượng liên ngành, kể cả công an phường tham gia giữ trật tự, nếu thấy các cơ sở bày bán hàng rong trước cổng trường thì anh phải dẹp đi. Vai trò của địa phương là rất quan trọng”.
“Hiện nay việc quản lý vấn đề sản xuất, kinh doanh thực phẩm của ta rất lỏng lẻo. Nhiều cái rành rành ra mà người ta không làm được. Nâng cao ý thức và đạo đức nghề nghiệp của người kinh doanh, tăng cường kiến thức hiểu biết về sản phẩm của người tiêu dùng là cần thiết, song đó cũng đòi hỏi phải có quá trình, không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều được”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Sẽ tịch thu toàn bộ sản phẩm “sườn bò thơm cay”
Liên quan đến những sản phẩm “sườn bò thơm cay” của Công ty TNHH Sa Sa được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và kết luận là hàng rởm, chiều ngày 7/11, trả lời PV, đại diện Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát và tịch thu toàn bộ các sản phẩm này đang bày bán trên địa bàn Hà Nội hiện nay.