Vấn đề nợ đọng thuế đã được đưa ra trước Quốc hội hồi tháng trước.
Khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo – đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc - đã dẫn lại con số của Bộ Tài chính cho thấy:
Trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có khoảng 34.000 tỷ là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả.
Với khoản thu này, ông Dominic Scriven - Trưởng nhóm Công tác Thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết:
Ông đã tính toán khoản chênh lệch lãi vay (chứ không phải lãi vay) mà Việt Nam phải trả để bù cho con số nợ đọng trên cho các nơi khác là hơn 1.000 tỷ đồng/tháng.
Vì Việt Nam chưa thu được khoản nợ đọng trên nên phải vay để bù lại. Khi vay bằng phát hành trái phiếu, 1.000 tỷ đồng/tháng nói trên chính là lãi suất chênh lệch.
Vòng xoáy nợ - vay nói trên đã đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam ngày càng cao. Nhìn vào lịch sử 5 năm, lãi suất thực của trái phiếu chính phủ Việt Nam đang trả gấp đôi so với các nước bạn.
Không chỉ vậy, trong 2 năm gần đây, chênh lệch đã dần dần cao hơn, ông Dominic – đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital – cảnh báo.
“Bức tranh này rất rõ. Muốn đi vay thì phải trả lãi cao hơn, và muốn bán cổ phần thì bán theo giá thấp hơn.
Nhưng quan trọng là trái phiếu ở đây không vay của nước ngoài, mà là vay trong nước.
Những nước khác cũng vậy. Vấn đề ở đây là thị trường trong nước chưa hoạt động được đủ chức năng”, Tổng Giám đốc Dragon Capital nhận định.
“Tôi không có ý kiến đối với các cơ quan chủ trì ngành đó, vì họ đã làm hết mình. Điều tôi muốn nói là về tổng thể, nếu chính phủ lo một chút về chi phí lãi vay cho ngân sách thì hãy nghĩ tới việc phát triển thị trường vốn”.