Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Bia rượu - nước giải khát VN (VBA), nếu năm 2000 mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi) từ 10,04 lít bia/người/năm thì đến năm 2008 con số này đã là 22 lít/người/năm và hiện nay đã trên 27 lít/người/năm.
Theo một chuyên gia trong ngành thực phẩm - đồ uống, tỉ lệ thực uống có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với con số thống kê, vì “chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất đều thấy con số sản xuất triệu lít/năm giờ đây đã thay bằng tỉ lít/năm”.
Mới đây, trong một lần gặp gỡ báo chí, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam. Ông cho biết trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Và dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!.
Tuyên bố này đã khiến dư luận xôn xao, những người làm việc trong lĩnh vực bia – rượu – nước giải khát cũng không khỏi giật mình.
Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết: “Các nhà kinh doanh đều có các chiêu bài của họ. Heineken nói thế là một dự báo mang tính mong muốn của thương hiệu này nhưng đồng thời cũng là một cách phô diễn quá phô trương. Ngạn ngữ Đức có câu rất hay: Có ăn thì mới biết ngon, khi ăn thì mới biết được thị trường thử thách, khó khăn như thế nào. Bia Sài Gòn đang tìm mọi cách để giữ thị phần, không để cho họ thực hiện tuyên bố này”.
Vị chủ tịch Sabeco cũng nhận định: Câu nói của ông Michel de Carvalho trên có 2 mặt: Ở chiều hướng tích cực, nó khiến người tiêu dùng hiểu rằng: Heineken đang siêu mạnh, đủ sức áp đảo thị trường. Nhưng mặt trái của nó lại “rất phản cảm”, bởi nó dễ thôi thúc các nhà cạnh tranh tìm mọi cách để chống lại Heineken.
“Giống như kiểu dọa “tao sẽ đánh mày” thì đối phương sẽ phản công, còn người cứ ngấm ngầm đánh thì mới đáng sợ” – ông Tuất ví von thêm.
Tuy vậy, theo ông Tuất, câu nói trên cũng làm cho nhiều người khiếp sợ, khiến không ít người có suy nghĩ “Heiniken sắp bá chủ đến nơi rồi!”. Nhưng thực tế, thương trường là chiến trường, thị trường bia với nhiều đối thủ cạnh tranh, để chiến thắng và trở thành nước có lượng tiêu thụ bia Heineken lớn nhất thế giới hoàn toàn không đơn giản như vậy!
Hơn nữa, Heineken thuộc dòng bia cao cấp trong khi người Việt Nam hầu hết thu nhập còn thấp. Đặc biệt là khi chất lượng của một số dòng bia nội đang có chất lượng tương đương với Heineken mà giá lại ưu đãi gấp đôi thì người tiêu dùng Việt sẽ tự biết cách lựa chọn sản phẩm nào tốt nhất cho mình, vừa hài hòa giữa chi phí bỏ ra và lợi ích tiêu dùng đem lại. “Người ta chỉ hiếu kỳ, ra oai một lúc nào đó thôi!” – ông Tuất nói.
“Chúng tôi đang kêu gọi lòng ái quốc trong tiêu dùng, lòng yêu nước của người Việt - điều mà Hàn Quốc đang đề cao. Hàn Quốc có thời kỳ cấm các cấp Chính phủ đi xe ngoại, mặc áo ngoại,… Bây giờ ra nhập WTO, các hiệp định thương mại không cho phép các điều luật như thế. Nhưng tôi nghĩ, truyền thông cần kêu gọi lòng ái quốc của người Việt” – ông Tuất nhấn mạnh.
Ông Tuất bày tỏ: Ông cảm thấy “quá đau” khi nhiều người Việt sính ngoại. “Thậm chí mỗi lần nói tới việc người tiêu dùng Việt chuộng hàng ngoại hơn hàng nội, huyết áp của tôi lại tăng. Ái quốc của người Việt quá tồi! Ái quốc trong chiến tranh nhưng lại không biết ái quốc trong kinh tế. Đó là điều rất đau xót! Tới đây, khi hội nghị với Thủ tướng, tôi sẽ nói rõ điều này”.
“Hãy nói xem: 1 lon bia Việt Nam bán ra bao nhiêu tiền nộp vào ngân sách nhà nước còn 1 lon bia nước ngoài bán ra, bao nhiêu tiền chảy ra nước ngoài. Hãy nói con số đó để người tiêu dùng được biết, trong khi chất lượng là tương đương, tại sao lại phải mất thêm mấy nghìn đồng để mua sản phẩm nước ngoài, trong khi sản phẩm trong nước lại không được trọng dụng. Như vậy, lòng ái quốc đó có vấn đề” – ông Tuất không khỏi bức xúc lên tiếng.
Cũng đồng quan điểm với ông Tuất về vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Bích, tổng giám đốc Cty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng, đại diện tập đoàn Hương Sen, chủ sở hữu nhãn hàng bia Đại Việt cũng nhận xét: Bia heineken có cơ hội vào Việt Nam từ rất sớm và chiếm lĩnh dòng bia cao cấp nên họ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường Việt Nam tương đối sâu rộng, tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển, đang đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao với giá thành hợp lý, để phát triển thị trường trong nước, phục vụ người tiêu dùng.
Vì vậy, theo bà Bích, người tiêu dùng Việt Nam có truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, bản thân họ sẽ đủ thông minh để lựa chọn sản phẩm nào vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, vừa đóng góp cho đất nước, đồng thời tăng giá trị gia tăng trong việc sử dụng sản phẩm nội.
“Chuyện Heineken tuyên bố Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới! là chiêu PR hay chỉ đơn giản là đưa ra mục tiêu - đó là quyền của người ta, còn người tiêu dùng Việt Nam luôn có quyền lựa chọn. Người Việt Nam yêu nước sẽ nhận ra một điều rằng: Sản phẩm bia của Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, tại sao lại không phục vụ được chính những người dân trong nước. Khi người Việt Nam yêu nước hơn thì thương hiệu ngoại sẽ không còn đường phát triển” – bà Bích nói.