Trong giá xăng lại có … “sân golf, biệt thự”?

Theo như thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Nhiều chuyên gia từng kiến nghị, với giá các mặt hàng nhạy cảm là đầu vào của nhiều ngành nghề khác nên có cơ quan độc lập kiểm soát. Thế nhưng, mới đây, một mặt hàng nữa là xăng dầu cũng lại được quy về Bộ Công Thương. Liệu có tái diễn lại cảnh trong giá xăng lại có chi phí sân gofl như giá điện?

Vết xe cũ lặp lại

Theo như thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Nghĩa là, Bộ Công Thương sẽ làm thay nhiệm vụ của Bộ Tài chính quản lý thị trường xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng việc trả lại quyền định giá xăng cho Bộ Công thương là hoàn toàn cần thiết vì cơ quan này đang nắm rõ việc xuất nhập khẩu, quá trình phân phối, quá trình bán lẻ. Bộ Công Thương cũng là nơi cấp "quota giấy phép” cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, để bộ này điều chỉnh quản lý giá là hoàn toàn hợp tình hợp lý. Tức là trách nhiệm và nghĩa vụ được quy về một mối.

Lật giở lại những trách nhiệm mà Bộ Công thương đang thực hiện trong việc điều hành các mặt hàng thiết yếu mà cụ thể là mặt hàng điện, thì việc trả giá xăng về Bộ Công thương liệu có thật sự khách quan?

Ngành điện và giá điện, cũng như ngành xăng và giá xăng là một trong những vấn đề lớn luôn được người dân cũng như các chuyên gia quan tâm. Bản thân việc minh bạch giá xăng, giá điện thường niên được nhắc đi nhắc lại song chưa có hồi kết.

Hình minh họa

Hình minh họa

Tháng 10 năm 2013, EVN đã gây sốc dư luận, bị thanh tra Chính phủ phanh phui việc gửi giá biệt thự, giá sân golf vào trong giá thành điện. Mà chính xác EVN tính hạch toán một số hạng mục xây dựng bể bơi, sân quần vợt 595 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của sáu dự án nguồn điện.

Và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trước chất vấn của Thường vụ Quốc hội vẫn biện minh cho EVN: "Tôi khẳng định không có chuyện đưa giá thành nhà ở vào giá điện, trừ Nhiệt điện Phú Mỹ”. Do vậy việc nhà đèn tăng giá cũng như việc Bộ trưởng Bộ Công thương trần tình thay cho Tập đoàn Điện lực thực ra rất dễ hiểu. Bởi Bộ Công thương là chủ quản.

Trở lại với chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Điểm mới đáng chú ý là Bộ Công thương lại được trao thêm quyền hạn: điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Khi tiếp nhận những thông tin này, không ít những nghi ngại đặt ra: liệu rồi trong giá xăng sẽ lại có giá của sân gofl, giá của biệt thự. Bộ Công thương sẽ không thể không bênh con ruột của mình, lúc đó chuyện minh bạch giá xăng dầu lại càng khó hơn.

Đứng về phía ai?

Điều hành giá xăng dầu luôn được nêu quan điểm: "đảm bảo lợi ích hài hòa của ba bên: doanh nghiệp – nhà nước – người tiêu dùng”. Nhưng rồi nhìn nhãn tiền là điều hành điện, liệu Bộ Công thương có chắc chắn đứng về phía người dân, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Xăng dầu là mặt hàng đầu vào của hơn 80 ngành hàng khác.

Điện cũng là mặt hàng đầu vào của hơn 80 ngành hàng khác. Điện và xăng dầu đang có những độc quyền nhất định. Vì vậy điện cũng không có ngoại lệ, xăng dầu cũng không có ngoại lệ. Giá xăng dầu chắc chắn sẽ còn những khoảng mờ trong điều hành?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh trong khi cái gốc của thị trường xăng dầu chưa thay đổi tức là tính độc quyền chưa được giải quyết thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận những điều bất hợp lý. Thay đổi chủ thể quản lý, hay điều chỉnh nghị định, cũng chỉ là sự thay đổi phần ngọn, thay đổi bề nổi.

Về cơ cấu giá xăng, có ba yếu tố hình thành nên cơ cấu gồm chi phí vận chuyển, giá nhập khẩu, và các loại thuế, phí,... Trong đó chi phí vận chuyển, và giá thực của các hợp đồng xuất nhập được biến hóa rất linh hoạt thông qua các thủ thuật kinh doanh của doanh nghiệp. Người dân cũng chưa bao giờ biết được chính xác chi phí này ra sao để kiểm tra xem giá cơ sở mà doanh nghiệp đưa ra có chính xác hay không.

Chỉ biết rằng mỗi lần công bố báo cáo tài chính quý, năm với khoản lỗ, lãi nghìn tỷ các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong đó có Petrolimex lẫn cơ quan quản lý đều chung một lời giải thích: "các báo cáo tài chính của mình đều được kiểm toán, công khai, minh bạch”.

Bộ Công thương sẽ đứng về phía người dân hay doanh nghiệp? Câu hỏi còn để ngỏ?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại