Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Quân Đội (MBB) dường như vừa có một năm 2012 tuyệt vời. Theo báo cáo chính năm 2012, lợi nhuận trước thuế tăng 16,5% nhờ hoạt động tín dụng và các hoạt động khác đều được thực hiện tốt. Nhưng lợi nhuận MBB sẽ tăng mạnh hơn nhiều nếu như không có khoản trích lập dự phòng hơn 2.000 tỉ đồng trong năm 2012. Con số này gấp gần 3 lần so với năm 2011.
MBB không phải là ngân hàng duy nhất buộc phải trích lập dự phòng từ lợi nhuận cho các khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của Ngân hàng Á Châu (ACB) năm 2012 tăng 64,5%, Techcombank (324%), Sacombank (246%). Đó cũng là một trong những điểm chung của hệ thống ngân hàng năm 2012: chi phí dự phòng tăng mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngân hàng.
Đáng chú ý hơn, giá trị của chi phí dự phòng năm 2012 rất cao so với lợi nhuận trước thuế. Chẳng hạn Techcombank có tỉ lệ chi phí dự phòng/lợi nhuận trước thuế là 142%, Sacombank là khoảng 100%, ngay cả ở ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng tốt như MBB thì tỉ lệ này cũng lên đến gần 54%.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, nguyên giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright tại TP.HCM, có 2 cách giải thích cho việc chi phí dự phòng tăng lên.
Thứ nhất, các ngân hàng trong những năm trước đây chưa trích lập dự phòng đầy đủ nên năm 2012 phải bù vào khoản thiếu, dẫn đến tỉ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận tăng vọt.
Thứ hai, do nợ xấu trong năm 2012 tăng cao nên các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Nhưng dù gì đi nữa thì hệ quả trước mắt vẫn là các cổ đông sẽ không có cổ tức. Còn phía ngân hàng, liệu khoản tiền trích lập này có ảnh hưởng đến hoạt động trong năm nay?
Câu trả lời là không. Ông Giang cho rằng việc trích lập dự phòng khi công bố một khoản nợ xấu chỉ là một nghiệp vụ kế toán, một giao dịch phi tiền mặt. “Hoàn toàn không phải họ bỏ một khoản tiền vào tài khoản để phòng ngừa rủi ro hoặc để sau này xử lý khoản nợ xấu đó”.
Nói rõ hơn, các ngân hàng chỉ việc đưa thêm số vào các khoản mục trên báo cáo tài chính. Còn phần tiền thực tế, họ vẫn có thể sử dụng để cho vay hay trả lãi.
Một lý do khác khiến cho các ngân hàng tự tin khi trích lập ở mức cao là các khoản hoàn nhập dự phòng. Trong trường hợp Chính phủ giải cứu ngân hàng bằng một công ty mua bán nợ xấu, khoản dự phòng rủi ro sẽ được hoàn nhập vào phần thu nhập của ngân hàng. Phần thu nhập này có thể được sử dụng để làm nhiều chuyện khác, chẳng hạn như tăng vốn hay chia cổ tức. Hiểu một cách đơn giản, lợi nhuận bị teo lại trong hiện tại vẫn có thể được ghi nhận trong tương lai.
Tất nhiên, nếu trích lập dự phòng quá nhiều, lợi nhuận sẽ giảm dần cho đến một lúc nào đó các ngân hàng thua lỗ. Ngân hàng xem như phá sản trên giấy tờ. Và do không thể phá sản trên thực tế vì sự an toàn hệ thống, các ngân hàng buộc phải tăng vốn nếu không chịu hợp nhất hay sáp nhập.
Bởi vậy, theo ông Giang, các ngân hàng là nhóm có động cơ mạnh nhất trong việc giấu các khoản nợ xấu và chờ Chính phủ giải cứu mình. “Các ngân hàng là một nhóm lợi ích rất mạnh, nên họ sẽ vận động hành lang để được giải cứu”, ông Giang nhận xét.
Câu hỏi lớn nhất xem ra vẫn là nợ xấu ở mức bao nhiêu. Mức trích lập dù đã tăng lên rất cao trong năm nay nhưng ai cũng biết là còn thiếu. Nếu đầy đủ, lợi nhuận năm nay sẽ còn thê thảm hơn. Nhưng trước mắt, dù gì đi nữa đây cũng là điều không tốt cho các ngân hàng vì nó làm giảm tỉ lệ an toàn vốn (CAR), nghĩa là các ngân hàng đang có khả năng rủi ro hơn.
Thực ra điều này vẫn tốt cho chính nền kinh tế, những ngân hàng trước đây cho vay tràn lan nay phải trả giá và chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình. Nhưng kết quả cuối cùng thì vẫn phải sử dụng tiền thuế để hỗ trợ cho những ông lớn này, vì mục tiêu tăng trưởng chung.