22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng từ 1/3

Theo VNE |

Trong số 34 ngân hàng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước về biểu phí ATM mới, 22 đơn vị cho biết chưa thu phí nội mạng dù đã được bật đèn xanh.

Theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, từ 1/3 các ngân hàng phát hành được phép thu phí giao dịch tại ATM đối với chính khách hàng của mình (thu phí nội mạng). Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho biết tính đến ngày 27/2, gần 80% các ngân hàng đã gửi báo cáo, nội dung biểu phí ATM mới (có hiệu lực từ 1/3).

2 ngân hàng quy định phí dưới mức cho phép (từ 200 - 500 đồng cho một giao dịch rút tiền nội mạng) và 10 ngân hàng thu mức phí rút tiền nội mạng tối đa 1.000 đồng trên một giao dịch. 22 ngân hàng khác vẫn miễn thu phí ATM.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố cụ thể danh tính các đơn vị này. "Các ngân hàng sẽ chủ động thông báo trên website chính thức trong thời gian tới", ông Tiên cho biết.

Ông Bùi Quang Tiên (phải) - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước và ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam kiêm Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng này sẽ thu phí ATM nội mạng từ ngày 1/3. Tuy nhiên ông chưa cho biết cụ thể mức phí.

Thông tư 35 được Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối năm 2012, cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.

Theo các ngân hàng, trong suốt hơn chục năm qua hoạt động ATM tại Việt Nam luôn gánh lỗ nặng và việc miễn phí, chấp nhận lỗ để mợ rộng mạng lưới nên được chấm dứt. Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Văn Tuân cho biết, nếu tính tổng chi phí cho ATM của các ngân hàng trong Hội thẻ Việt Nam trên tổng số giao dịch thì trung bình mỗi một giao dịch mất từ 7.000 - 9.000 đồng. "Riêng Vietcombank, nếu thu phí trong kỳ này thì ngân hàng chỉ giảm được 1.000 đồng chi phí và vẫn phải bù lỗ 6.000 đồng", ông Tuân nói.

Chi phí cho ATM tại Việt Nam tốn kém được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội thẻ giải thích do thói quen chi tiêu và các hành xử của người Việt khác với các nước trên thế giới. "Ở nước ngoài, hạ tầng thanh toán của họ rất tốt nên việc rút tiền mặt là hạn hữu. Còn ở Việt Nam, 75% - 80% các giao dịch chỉ là để rút tiền", ông Bùi Quang Tiên dẫn chứng.

2 ngày nữa, một loạt biểu phí ATM của các ngân hàng sẽ thay đổi. Ảnh: Thanh Lan.

Còn theo đại diện Hội thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ATM của các nước trên thế giới chủ yếu để người dân rút lượng tiền mặt thiếu hụt trong khi ATM của Việt Nam lại đóng vai trò là kênh phân phối tiền lương, nhả tiền mặt nên rất vất vả.

Mặc dù việc thu phí ATM nội mạng vấp phải sự phản đối của nhiều người nhưng không ít bày tỏ quan điểm đồng tình với chuyện thu phí. "Đã là dịch vụ thì đều phải mất phí nhưng vấn đề là người dân mong mỏi chất lượng dịch vụ cũng tương xứng với chi phí họ bỏ ra", một chuyên gia tài chính bình luận.

Trong nhiều năm nay, việc người dân than phiền về chất lượng máy ATM như kẹt tiền, gặp sự cố hay nhả tiền rách, nát đã không còn xa lạ. Thậm chí, tình cảnh rồng rắn xếp hàng trước cây ATM tại nhiều nơi liên tục tái diễn.

Về vấn đề này, đại diện Hội thẻ Việt Nam cho biết: "Thực lòng dưới góc độ doanh nghiệp, tôi xin chia sẻ, dù có thu hay không thì chất lượng vẫn phải đảm bảo. Không phải vì thu thì chất lượng chúng tôi mới tốt lên. Mong người dân hãy có cái nhìn công bằng hơn về thẻ ATM".

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là những đối tượng thu nhập thấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã khuyến khích các ngân hàng thương mại nới hạn mức rút tiền tối đa trong mỗi giao dịch thêm 2 triệu đồng. Hiện đa phần hạn mức rút tối đa tại ATM tại các nhà băng chỉ 2 triệu đồng. Tính đến nay, toàn thị trường có khoảng 50 triệu thẻ ghi nợ nội địa và có 15.000 máy ATM.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại