1,8 tỷ USD để kéo giá vàng
Lý giải tại cuộc phỏng vấn trực tuyến về thị trường vàng, ngày 4-3, về việc giá vàng vẫn duy trì chênh lệch so với giá thế giới gần 3,8 triệu đồng mỗi lượng, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty SJC cho rằng, điều này là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường.
Bình thường trước đây trung bình mỗi năm nhập 3 - 4 tấn vàng, nếu muốn liên thông giá vàng trong nước với thế giới, bình quân một năm phải nhập 30 tấn.
Tính theo giá thị trường, mỗi tấn vàng 60 triệu USD, nhân lên 30 tấn thì phải cần 1,8 tỷ USD, tương đương 37.000 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng có vấn đề, nếu chúng ta bơm ra thị trường số tiền này thì lạm phát sẽ vọt lên 2 con số trở lại.
Còn nếu phải nhập đủ nhu cầu với con số 40 tấn vàng thì chúng ta sẽ phải mất 2,4 tỷ USD, tương đương gần 50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn và bất khả thi.
Kèm theo đó, sẽ xuất hiện hàng loạt hệ lụy khác, như áp lực tỷ giá… đổi lại chỉ là giá trong nước sát với thế giới. Nhưng ai là người mua và ai được lợi, chắc chắn không phải là người lao động, mà chỉ toàn “đại gia”. Vậy để cứu “đại gia” chúng ta có cần thiết phải hy sinh lớn như vậy không?
“Dù chênh lệch như vậy nhưng không có giao dịch số lượng lớn. Tuy nhiên, có chênh lệch lớn là do trước đó nhiều đơn vị đã mua số lượng lớn, nay mua lại nhằm cắt lỗ chứ không thể tạo ra lợi nhuận, nên không thể có lợi nhuận vào túi ai cả mà chỉ là lãi kỹ thuật. Do vậy, thời điểm này mua được lợi nhưng bán thì sẽ chịu lỗ vì trước đó đã mua giá cao”- ông Dũng phân tích.
Theo ông Dũng, SJC hiện trở thành đơn vị kinh doanh bình thường như các đơn vị khác, thậm chí chịu thiệt do NHNN quản lý thị trường vàng theo cách mới.
Trước đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng mang lại 80% doanh thu cho SJC. Nhưng sau khi có Nghị định 24 thì doanh thu, lợi nhuận SJC chỉ còn 20% so với trước. SJC cũng không còn toàn quyền sản xuất, phân phối, quyết định giá mà do NHNN quyết định.
Lợi nhuận trong thời điểm này cũng chỉ từ hoạt động kinh doanh bình thường khác, không xuất phát từ lợi ích do thương hiệu SJC mang lại như trước nữa. Vì vậy hoạt động kinh doanh lời lỗ của SJC cũng giống như PNJ, ACB, AAA, Bảo Tín Minh Châu, hoàn toàn không có hưởng lợi nhờ chênh lệch giá.
Chênh lệch giá cao: Vào túi NHNN
Cũng theo ông Lê Hùng Dũng, hiện nay Cty SJC chẳng có quyền gì để mà “xin cho” do NHNN đã quản lý dây chuyền dập vàng. Nguyên liệu sản xuất NHNN độc quyền nhập khẩu rồi đưa xuống SJC gia công nên không thể có tiêu cực vì tại xưởng đã có camera giám sát.
Seri vàng cũng được đánh số thứ tự nên không thể gia công thêm. Quy trình gia công vàng hiện nay cũng giống như việc in tiền nên khâu kiểm soát rất chặt và không thể phát sinh việc “xin cho”.
“Tôi xin khẳng định khoản lợi nhuận do giá vàng SJC chênh lệch xa so với vàng nguyên liệu nhập về (vài triệu đồng/lượng-PV) này sẽ do NHNN được hưởng. Bởi vì NHNN là người vừa mua và bán trọn gói”- ông Dũng khẳng định.
Về việc giá vàng chênh lệch vẫn lớn kéo theo lợi nhuận kếch xù cho nhà nhập khẩu, Phó Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng cho rằng, NHNN chưa tiến hành nhập khẩu vàng nguyên liệu.
NHNN với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường chỉ tham gia thị trường khi nào có những biến động và với mục tiêu bình ổn, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo ông Hưng, để bình ổn thị trường, nếu thấy chênh lệch giá lớn chỉ có cách NHNN tung vàng dự trữ ra để bán nhằm điều tiết giá vàng. Còn hiện nay chủ yếu là do thị trường tự điều tiết nên mức giá phải có chênh lệch như vậy.
Thời gian tới, khi NHNN thực hiện can thiệp thị trường, đồng thời SJC gia công thì nguồn vàng lớn sẽ được bung ra thị trường và đủ lớn thì giá trong nước sẽ về sát thế giới.
“Về việc đấu thầu vàng, NHNN mới chỉ thử nghiệm trong nội bộ các Vụ, Cục chứ chưa tiến hành đấu thầu thực sự. Việc thử nghiệm này để đánh giá quy trình và cách thức vận hành cơ chế đấu thầu trước khi triển khai chính thức”- ông Hưng cho biết.
Khó kìm giá vàng dài hạn
Ngày hôm qua (4-3), giá vàng điều chỉnh tăng lên mức 43,68 triệu đồng/lượng (tăng 130.000 đồng/lượng so với cuối ngày 3-3). Tuy tăng không nhiều nhưng giá vàng ngày một nhích dần lên và tiếp tục nới rộng với khoảng cách thế giới gần 4 triệu đồng/lượng.
“Ngày 27-2, khi giá vàng giảm mạnh tôi bán 20 cây nhưng sau thấy giá vàng lại hạ tiếp tôi lại mua vào. Nhưng với tình hình giá loạn thế này nên tôi nghĩ giữ vàng tốt hơn là đem lướt sóng kiếm lời vào thời điểm này”- chị Bích Thắm (Đội Cấn, Ba Đình) cho biết.
Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ông Trần Quốc Quýnh cho hay: “Mục tiêu kìm giá vàng trong nước sát với giá thế giới hiện không làm được khi thị trường chỉ sụt giảm trong vòng 2 ngày rồi lại tăng và nới rộng với khoảng cách thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Mục tiêu vì cái lợi của người dân nhưng chính cái lợi này biến thành cái hại và người chịu thịu thiệt không ai khác chính là người dân”.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng Việt Nam không tránh khỏi mối quan hệ với giá vàng thế giới.
Động thái của NHNN chỉ có tác dụng nhất thời. Nếu giá vàng thế giới có xu hướng đi lên thì kiểu gì giá vàng trong nước cũng bị đẩy lên. Người dân Việt Nam, nhất là dân đầu tư kinh doanh vàng đã nhờn với việc ra chính sách chỉ có tác dụng vào thời điểm ngắn rồi lại quay lại như cũ.
“Đây không phải là lần đầu tiên giá vàng giảm rồi lại tăng từ chính sách và cách điều hành của NHNN. Chính điều này khiến người dân không có lòng tin với thị trường”- ông Hải nói.
Theo ông Hải, hiện thị trường chưa định hình được lượng mua bán bởi ngoài thời điểm giá vàng giảm mạnh trong 2 ngày 27, 28-2 vừa qua khiến người dân đổ xô đi bán.
“Trung bình một ngày, ngay cả như Tổng Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn có thị phần 90% thì giao dịch cũng chỉ khoảng 1.000 lượng cả mua vào, bán ra. Rõ ràng, người dân dè chừng hơn khi xuống tay mua bán vàng bởi họ chưa định hình được chính sách về vàng sẽ diễn biến tiếp theo thế nào, trong khi giá vàng trong nước vẫn chênh với thế giới ở mức cao”, ông Hải nói.