"Thủ phạm" lộ diện, cơn sốt trứng gà đang hạ nhiệt

Theo Dân trí |

Trong khi cơ quan chức năng đang làm rõ hành vi đầu cơ làm giá trứng, trên thị trường mặt hàng này đã dần trở lại mức trước khi "cơn sốt" ảo được tung ra.

Theo khảo sát, trong ngày 20/1, tại các chợ như Hòa Hưng (quận 10), An Lạc (Bình Chánh), Thị Nghè (Bình Thạnh), Bà Chiểu (Bình Thạnh),… thì giá trứng gà tiếp tục giảm thêm 3.000 - 4.000 đồng/chục (tùy loại) so với ngày 17/1.

Giá trứng giảm, tiểu thương mừng

Cụ thể, giá trứng gà ngày 20/1 dao động trong mức 26.000 - 29.000 đồng/chục, tùy từng loại và nơi lấy trứng (mức trung bình ngày 17/1 là 30.000 - 32.000 đồng/chục). Mức giá này đã về gần với mức giá bán lẻ tại các chợ trước khi "sốt giá" (24.000 - 26.000 đồng/chục). Riêng trứng vịt thì giá vẫn giữ nguyên trong mức từ 34.000 - 38.000 đồng/chục.

Giá trứng đã giảm, người mua quay trở lại với chợ lẻ

Nhiều chủ sạp cho biết, với mức giá này tạm thời bán được hơn so với mức giá trước. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ sạp trứng chợ Hòa Hưng cho biết: "So với những ngày trước thì giá trứng hôm nay gần về mức bình ổn. Theo đà này, thì những ngày tới trứng sẽ tiếp tục giảm cho bằng với giá trước khi tăng cao. Chúng tôi cũng thấy an tâm, vì giá thấp bán sẽ nhanh hơn".

Cô Nguyễn Thị Thu Trúc, chủ sạp trứng tại chợ Bà Chiểu cho biết: "Hôm nay giá trứng tiếp tục giảm, cô bán được lắm. Rất may là số trứng đợt rồi bán cũng gần hết, chịu lỗ nhưng "giải quyết" được số trứng đó là vui rồi. Mấy ngày nay, buôn bán cũng không căng thẳng, lo lắng như mấy ngày trước nữa".

Cô nói vui mà giọng buồn thiu: "Thị trường trứng mà bất ổn thế này, tiểu thương chúng tôi dễ "bị cảm" lắm. Chỉ mong giá trứng giảm về mức giá trước đây, giá bán lẻ ngang bằng giá trứng bình ổn siêu thị thì buôn bán mới được".

Còn chị Nguyễn Thị Diễm Trang, chủ sạp trứng chợ Thị Nghè vừa bận rộn chia trứng để đi giao cho khách hàng vừa nói: "Giá trứng giảm thế này, công việc buôn bán của tôi bắt đầu lấy lại "phong độ", chạy đi giao hàng miết, không còn thảnh thơi ngồi chơi như mấy hôm trước nữa".

Có người mua, tiểu thương bớt lo

Người tiêu dùng và tiểu thương "thiệt", ai lời?

Trong thời gian từ ngày 4 - 11/1, chỉ trong vòng 1 tuần giá trứng gà bán sỉ về các sạp tại TPHCM đã liên tục tăng lên gần cả ngàn đồng/quả trứng, đẩy giá trứng bán lẻ lên thêm cả chục ngàn/vỉ 10 quả. Thấy tình hình giá trứng lên từng ngày với lý do nguồn cung khan hiếm, nhiều tiểu thương đã phải nhập hàng dự trữ vì sợ đứt nguồn cung.

Theo thống kê của Chi cục Thú y TPHCM, trước thời điểm "sốt giá trứng" thì lượng trứng gà vào thành phố trung bình chỉ gần 1,8 triệu quả/ngày, trong tuần sốt giá thì lượng trứng vào thành phố là gần 2,5 triệu quả/ngày. Con số này cho thấy lượng hàng mà tiểu thương đã nhập để dự trữ là rất lớn.

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, các nhà cung cấp lớn hạ giá, tiểu thương cũng đành phải hạ giá theo mới bán được hàng dù lỗ nặng. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy buồn bã cho biết: "Chấp nhận chịu lỗ để bán cho hết số trứng lấy đợt trước, chứ giờ ôm đem về nhà ăn sao hết. Đợt trứng lên giá, tiểu thương tụi tôi đổ xô đi mua trứng về dự trữ, sợ trứng tiếp tục tăng giá. Nào ngờ giá trứng giảm lại, tụi tôi "ôm xô". Giờ không biết khóc hay cười!".

Đối với người tiêu dùng, nhu cầu dùng trứng của mỗi hộ gia đình có lẽ chỉ ở mức trung bình là 1 vỉ 10 quả trong nửa tháng trứng neo ở giá cao, thiệt hại cũng chỉ chừng 10 ngàn đồng. Tuy nhiên, nếu tính trên địa bàn toàn thành phố, trên cả nước thì con số này không hề nhỏ.

Người tiêu dùng và tiểu thương đều "thiệt" khi các doanh nghiệp có khả năng chi phối thị trường đẩy giá bất thường

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, mỗi năm công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (1 trong 2 nhà sản xuất lớn dẫn đầu tăng giá trong đợt sốt giá vừa qua) sản xuất 450 - 600 triệu quả trứng, như vậy trung bình mỗi tuần là khoảng 10 triệu quả.

Nếu tính toán một cách đơn giản thì khi mỗi quả trứng tăng giá 1.000 đồng, con số lợi nhuận thu thêm mỗi tuần của CP là khoảng 10 tỷ đồng. Vậy suốt thời gian đẩy giá vừa qua họ thu được bao nhiêu? Còn công ty Emivest thì kiếm được bao nhiêu?

Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM thì các ban ngành sẽ rà soát lại doanh thu, chi phí, lợi nhuận mà hai công ty trên có được trong đợt đẩy giá trứng vừa qua. Dựa trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ tính nghĩa vụ tài chính, thuế.

Thế nhưng, cái mà cơ quan chức năng thu được chỉ là nghĩa vụ tài chính, thuế. Phần lãi còn lại mà họ "móc túi" người tiêu dùng và tiểu thương nhờ đợt tăng giá bất hợp lý vừa qua vẫn còn nằm trong túi họ. Nếu sự việc suôn sẻ, ai chắc sẽ không có lần sau? Vì lợi nhuận kiếm được quá cao mà!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại