"Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương sẽ có quyết định thanh tra Công ty Cổ phần CP. Cơ quan chức năng TPHCM sẽ làm việc với Đồng Nai, Bình Dương để xem xét nghĩa vụ tài chính của CP và Emivest trong thời gian tăng giá trứng không hợp lý".
Đây là những thông tin do bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, công bố tại buổi họp báo sáng 18-1 về những biến động của thị trường trứng gia cầm hơn một tuần qua.
Phải giảm giá mạnh trở lại
Theo bà Đào Thị Hương Lan, làm việc với đoàn công tác của các sở, ngành TPHCM cùng Bộ Công Thương và sở, ngành, hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, Bình Dương, 2 công ty CP và Emivest đã không đưa ra được lý do hợp lý của việc đột ngột tăng giá trứng gà lên gần 50% thời gian qua.
Cụ thể: từ ngày 4 đến 11/1, giá trứng gà của CP và Emivest đã tăng 850 đồng/quả và 700 đồng/quả, kéo giá trứng của nhiều doanh nghiệp (DN) khác tăng theo, đẩy giá bán lẻ trứng gà trên thị trường lên đến 3.200 - 3.300 đồng/quả. Hai công ty này đã thừa nhận việc tăng giá bất hợp lý và sau đó lần lượt điều chỉnh giảm giá.
Ngày 17/1, Công ty CP đã có thông cáo báo chí cho biết chỉ chiếm 16% thị phần trứng gà cả nước. Từ ngày 18/1, CP giảm giá bán trứng gà xuống còn 2.100 đồng/quả (trước đó, ngày 15/1, trứng gà CP đã giảm từ 2.950 đồng/quả xuống còn 2.300 đồng/quả) và bảo đảm giữ ổn định giá thu mua cho các hộ chăn nuôi. Công ty Emivest cũng giảm giá trứng nguyên liệu từ 2.620 đồng/quả xuống còn 2.120 đồng/quả và cam kết hôm nay (19/1) sẽ giảm xuống mức 2.020 đồng/quả.
Hiện nguồn cung dồi dào, sức mua đã trở lại bình thường, giá trứng trên thị trường dao động ở mức 2.600 đồng/quả và tiên liệu sẽ còn giảm tiếp trong vài ngày tới...
Sẽ có nhiều biện pháp xử lý
Trước thông tin CP khẳng định chỉ chiếm 16% thị phần cả nước trong khi theo số liệu của Chi cục Thú y TPHCM, trứng gà CP chiếm 30% thị phần TPHCM, Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ có quyết định thanh tra để xử lý vi phạm của công ty này theo đúng pháp luật. Hiện tại, theo Luật Cạnh tranh, DN chiếm 30% thị phần có hành vi tăng giá không hợp lý, làm ảnh hưởng đến thị trường sẽ bị xử lý theo các khung quy định, trong đó hình thức xử lý nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, tuần sau, các sở, ngành TPHCM sẽ làm việc với Bình Dương, Đồng Nai để xem xét, làm rõ nghĩa vụ tài chính của CP và Emivest đối với khoản thu chênh lệch do tăng giá bất hợp lý.
Để tình trạng đẩy giá tăng đột biến gây xáo trộn thị trường không tái diễn, ngoài việc xử lý nghiêm, các DN cho rằng cơ quan chức năng cần ngồi lại tính toán với DN để có mức giá hợp lý, bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi để họ tiếp tục đầu tư.
Sắp tới, TPHCM sẽ ưu tiên hỗ trợ DN tham gia bình ổn thị trường đầu tư chiều sâu: đầu tư chuồng trại, con giống để chủ động nguồn cung chứ không chỉ cho vay vốn lưu động để thu mua, chuẩn bị nguồn hàng như lâu nay.