Sáng 17/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, liên quan đến việc thực hiện các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, theo báo cáo của TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các bộ ngành địa phương, tính từ ngày 1/10/2012 đến ngày 20/9/2013 có tổng số 82 đơn yêu cầu bồi thường. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền đã thụ lý 61 đơn, 21 đơn không đủ điền kiện thụ lý, và tiếp tục giải quyết 21 đơn từ 2012 chuyển sang.
Trong tổng số 82 vụ việc bồi thường nhà nước được giải quyết có 19 vụ việc trong hoạt động quản lý hành chính, 46 vụ việc trong hoạt động tố tụng, 17 vụ việc trong hoạt động thi hành án. Đã giải quyết xong 37 vụ với số tiền nhà nước phải bồi thường là hơn 15 tỉ đồng.
Đã có 20 trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Tòa các cấp đã thụ lý 18 trường hợp, giải quyết 11 vụ án, với số tiền bồi thường gần 23 tỉ đồng. Tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là hơn 38 tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, những con số trên vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế vì công việc này còn gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc đầu tiên xuất phát ngay trong quy định của luật này khi buộc phải có văn bản của cơ quan nhà nước xác định sai phạm của công chức thì người dân mới được làm đơn yêu cần bồi thường.
Cạnh đó, việc thực hiện các quy định của luật còn hạn chế do người dân vẫn còn e dè, ngại va chạm với cơ quan nhà nước. Ví dụ trong trường hợp bị thu hồi đất sai, người dân chỉ cần trả lại đất là đủ chứ không yêu cầu cơ quan làm sai bồi thường nữa.
Liên quan đến vấn đề thi hành án trong vụ sai phạm tại Vinashin, ông Nguyễn Thanh Thủy, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết việc thu hồi hơn 1.000 tỉ đồng thiệt hại trong vụ Vinashin vẫn đang gặp nhiều khó khăn.Đây là khoản thiệt hại mà tòa án đã buộc 9 bị cáo nguyên là lãnh đạo của Vinashin bồi thường do hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp bị thiệt hại chậm làm đơn yêu cần bồi thường. Mặc dù phía bộ Tư pháp đã có công văn yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc các doanh nghiệp này nhưng hơn một năm sau khi vụ án có hiệu lực, các doanh nghiệp này vẫn chưa có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án đòi tiền những “sếp cũ” của mình bồi thường những thiệt hại họ đã gây ra cho nhà nước.