Trong danh sách mới cập nhật tháng 3/2013 về những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đứng thứ 974. Cụ thể, danh sách năm 2013 có tổng cộng 1.426 cái tên. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng cùng hơn 40 tỷ phú khác đứng đồng hạng 974 với tài sản ròng 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Vượng còn được đưa vào danh sách những gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.
Một ngày trước khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2013, trong đó có ghi danh Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, thì Vingroup cũng đạt được thỏa thuận bán tòa nhà Vincom Center A tại trung tâm Tp. Hồ Chí Minh với giá 9.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, một câu hỏi gây nhiều tranh cãi cũng như thắc mắc của mọi người chính là: Lý do gì mà Vingroup lại bán đi niềm tự hào của mình?
Trong cuốn tạp chí số đầu tiên phiên bản tiếng Việt, ông Phạm Nhật Vượng được Forbes dành khá nhiều lời khen ngợi về con người cũng như công việc kinh doanh của ông. Ngay phần đầu bài viết, ông tâm sự rằng: “Mục tiêu của tôi là làm đẹp cho đời, không quan trọng có bao nhiêu tài sản, mà quan trọng là làm sao cho đẹp, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút. Dĩ nhiên là trong chiến lược ấy là thêm lợi nhuận để có thể tiếp tục xây dựng. Cho nên bất kỳ bất động sản nào được giá tốt là mình bán ngay, để có tiền xây cái khác”.
Ông Phạm Nhật Vượng trên bìa tạp chí Forbes
Kể từ khi đầu tư về Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua, những bước đi của Vingroup đa phần thể hiện quan điểm: Liên tục xây dựng, bán, xây dựng tiếp. Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Vingroup khiến các nhà tư vấn bất động sản quốc tế đặt tập đoàn Việt Nam này ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực như City Development, Capital Land, Keppel Lan của Singapore, hay HongKong Land, Cheung Long, Henderson Land Development của HongKong.
Ở Việt Nam, theo đánh giá của ông Marc Townsend, giám đốc điều hành công ty tư vấn CB Richard Ellis thì: “Vingroup thuộc đẳng cấp của chính họ. Họ đang xây dựng những dự án lớn nhất nước. Họ liên tục tìm kiếm nhân tài và ý tưởng mới, trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Trong tình hình thị trường hiện nay, khi hầu hết những người khác phải dừng lại thì Vingroup vẫn tiếp tục làm”.
Khởi đầu bằng những khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl tại đảo Hòn Tre, Nha Trang, Vingroup hiện nay đa tạo ra được 4 thương hiệu và dòng sản phẩm chính. Vinpearl, với những khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp trên toàn quốc, là phần đầu tư Vingroup ít bán đi sau khi xây dựng xong mà thường giữ lại để khia thác, tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên. Vincom, thương hiệu phát triển các dự án bất động sản phức hợp thường bao gồm cả nhà ở, văn phòng, khu mua sắm giải trí.
Hai thương hiệu còn lại, Vinmec và Vinschool, hai dòng sản phẩm trong lĩnh vực y tế và giáo dục mang nhiều khát vọng xã hội hơn là lợi nhuận. Ít nhất là thời điểm này khi Vingroup vẫn đang trong quá trình đầu tư và trợ giá cho các dự án bệnh viện cao cấp và trường học mà họ đnag xây dựng.
Một điểm chung của các thương hiệu là đều bắt đầu bằng chữ “VIN” – chữ viết tắt của Việt Nam, thể hiện một khát vọng mà ông Phạm Nhật Vượng thường chia sẻ với mọi người thân cận là góp phần để Việt Nam có thể “ngẩng mặt với thế giới”.
Khởi nghiệp từ việc sản xuất mỳ ăn liền thô sơ tại Ukraina bán cho người dân bản địa, hoạt động kinh doanh của ông phát triển mạnh và “lên như diều gặp gió”. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh của mình và gặt hái được nhiều thành tựu đáng nể.
Ở tuổi 45, ông Phạm Nhật Vượng trông trẻ trung, sung sức, thậm chí là quá hăng, nếu bạn có điều kiện quan sát ông tranh bóng với nhân viên ở vị trí tiền đạo tại sân bóng mini của Vingroup tại Vincom Village. “Mình đang ngon như thế này mà người ta bảo mình bị ung thư”, ông Vượng hóm hỉnh nói khi được hỏi về lời đồn đoán.
Trực diện, ông Vượng là người điềm đạm nhưng thẳng thắn khi bày tỏ quan điểm. Khi được đặt câu hỏi về hàng loạt những tin đồn bao trùm từ nguồn gốc tài sản đến công việc kinh doanh mang tính “mafia” được gắn cho doanh nhân trở về từ Đông Âu, đến tin đồn ông bị “thủ tiêu” khi xuất hiện tại các sự kiện công cộng, ông Vượng nói: “Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi. Tôi cứ tập trung vào việc của mình thôi”.
Trong một câu trả lời khác trong vấn đề tương tự, ông bày tỏ: “Có thể hình dung là để có được những doanh nghiệp Việt Nam lớn, đàng hoàng là nhu cầu của xác hội, nhu cầu của người thực tế. Còn người xấu chỉ muốn đập cho doanh nghiệp ấy chết”.
Ông Vượng không chỉ dừng lại ở 2 triệu đô la Mỹ, và cũng không nghỉ làm việc để chơi. Công việc cuốn ông đi và ngày hôm nay, Vingroup là một tập đoàn có giá trị 3 tỷ đô la Mỹ, tuyển dụng hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp.
Ngay khi nắm cả một tài sản khổng lồ trong tay, ông Vượng vẫn làm việc bận rộn suốt ngày, thường xuyên xuống tận công trường. Ông nói: “Bây giờ mình làm vì nhiều lý do khác. Tôi không quan tâm làm được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời”.
(Lược trích trong Tạp chí Forbes Việt Nam)