Mấy hôm nay, tôi có đọc được thông tin về việc các công ty tài chính cho khách hàng vay với lãi suất cao mà tôi lại muốn xỉ vả mình. Tôi lại mơ màng nhớ lại cảnh dở khóc, dở cười của gia đình mình cách đây đúng tròn 3 năm.
Khi ấy, tôi là một nhân viên kinh doanh của một công ty quảng cáo có tên tuổi trên thị trường. Số tiền tôi kiếm được hàng tháng cũng rủng rỉnh chi tiêu. Chính vì vậy mà việc vay tiền bên ngoài đối với tôi là một chuyện chưa từng nghĩ đến.
Tuy nhiên, hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên bị quấy rầy bởi những cuộc điện thoại từ các công ty tài chính. Dù không ít lần tôi đã thẳng thừng từ chối, thậm chí có lần to tiếng trên điện thoại với nhân viên của các công ty tài chính này nhưng họ vẫn kiên nhẫn gọi cho tôi đều đặn như không có chuyện gì xảy ra.
Hình minh họa
Sau khi từ chối vay rất nhiều lần thì một hôm, đang gặp khách hàng, tôi nhận được điện thoại của mẹ. Ông tôi lên cơn đau tim bất ngờ, đang phải cấp cứu tại bệnh viện. Ông nội là người yêu thương và chăm lo cho tôi từ nhỏ. Ông cũng chính là người yêu thương và lo lắng cho tôi nhất nhà. Chính vì vậy, khi nghe tin “sét đánh ngang tai” này, tức thì, tôi phóng xe như điên trên đường để vào viện thăm ông.
Các bác sĩ nói, nếu không được phẫu thuật ngay, với sức khỏe và tuổi tác của ông, ông rất khó qua khỏi. Tuy nhiên, chi phí cho ca mổ này lên đến cả trăm triệu đồng, dù chạy vạy khắp nơi nhưng bố mẹ tôi vẫn chỉ lo được gần ½ số viện phí. Lúc này, tôi chợt nhớ đến các công ty tài chính hay gọi điện khi trước. Lục tìm danh bạ, tôi bấm một số bất kỳ và bắt đầu cuộc giao dịch.
Nghe những lời tư vấn “ngọt như mía lùi” của cô nhân viên công ty tài chính tôi không ngần ngại mà quyết một khoản vay tín dụng lên đến 60 triệu đồng. Điều đáng tiếc nhất là tôi đã gần như không đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng. Vì số tiền này nên ca phẫu thuật của ông tôi thành công rực rỡ. Lúc ấy tôi nghĩ, ông được cứu sống thì mấy đồng lãi xuất có bõ bèn gì. Nhưng không phải như vậy. Chỉ đến khi nhận được bản hợp đồng chi tiết tôi mới hốt hoảng giật mình khi lãi suất hàng tháng tôi phải gửi lên đến 4.500.000 đồng/tháng, tương đương với hơn 7%/tháng.
Tôi tức tốc đến trụ sử của công ty tài chính kia để hỏi tại sao lãi suất họ cho tôi vay cao thế? Trước chất vấn của tôi thái độ của nhân viên tỏ ra khó chịu, kêu tôi về nhà tìm hiểu thêm. Tôi vội vã về nhà và đọc kỹ hợp đồng, té ra, mức lãi xuất đã được ghi trong đó mà tôi chủ quan không đọc kỹ trước khi ký. Tôi đề nghị trả lại số tiền tôi vay thì được nhân viên yêu cầu trả thêm số tiền lãi tháng 2 và gần 20 triệu đồng do phá vỡ hợp đồng. Đương nhiên điều này cũng được ghi trong cái hợp đồng mà tôi chỉ liếc mắt qua trước khi ký.
Hình minh họa
Tôi tính sẽ vay tiền ngoài “chợ đen” để trả lãi. Tuy nhiên, lãi suất tín dụng đen còn cao hơn nhiều. Hơn nữa, chứng kiến cảnh nhiều gia đình trong khu bị bọn chủ nợ đến chửi bới, cho đầu gấu đến nhà dằn mặt, đe dọa, đập phá nhà cửa mà tôi thấy hãi hùng. Tôi sấp ngửa đến các ngân hàng hỏi vay để trả khoản nợ vay tiêu dùng kia, thì các ngân hàng đều lắc đầu do tôi không đủ mức lương hoặc tài sản tín chấp. Tính đi tính lại, cả gia đình tôi lại cắn răng chấp nhận bán mảnh vườn sau nhà lấy tiền trả nợ.
Chính vì sự cẩu thả, thiếu suy nghĩ, không chịu tìm hiểu kỹ thông tin, không đọc kỹ trước khi đi vay tiền nên gia đình tôi đã lâm vào tình trạng đau lòng trên.
Tôi nghĩ rằng, câu chuyện tôi kể ra đây là một bài học quý giá cho riêng bản thân tôi cũng như không ít người đã từng đi vay lãi.
Trước khi đặt bút ký bất kỳ một giấy tờ gì, đặc biệt là những cái liên quan đến tài chính, tôi nghĩ, các bạn đừng có đại khái, qua loa không tìm hiểu.
Trước khi trách các công ty tài chính thì các "thượng đế" hãy biết trách chính bản thân mình.