Có là ngẫu nhiên khi những can thiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào bộ máy lãnh đạo tại một số DNNN thì đều là những DNNN làm ăn hiệu quả, được coi là “những con bò sữa đẻ ra vàng”, trước đây là Dược Hậu Giang, rồi đến Vinamilk và giờ sắp tới có thể là Traphaco, thưa ông?
Việc sắp xếp lại DNNN, cổ phần hoá DNNN là nội dung cốt lõi trong đề án tái cơ cấu DNNN của Chính phủ.
Việc mua vào, bán ra cổ phần Nhà nước tại các DNNN là thường xuyên. DN nào Nhà nước cần nắm giữ thì Nhà nước sẽ đầu tư mua cổ phần tỷ trọng lớn để kiểm soát và ngược lại.
DNNN nào tỷ trọng sở hữu về vốn của Nhà nước chiếm đa số thì về nguyên tắc Nhà nước sẽ nắm quyền quản lý. Nguyên tắc quản lý này thì bất cứ quốc gia nào cũng áp dụng.
Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên các chức danh lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc... đều do Nhà nước bổ nhiệm.
Sức sống của một DN, sự tồn tại hay phát triển của một DN đều phụ thuộc vào một tay người lãnh đạo.
Vì thế, bổ nhiệm ai làm lãnh đạo thì phải “nhắm” đúng người, phải lấy hiệu quả hoạt động của DN là tiêu chí đầu tiên.
Nhưng không thể phủ nhận, sau những lần can thiệp vào đội ngũ lãnh đạo DNNN của SCIC , như trường hợp của Dược Hậu Giang chẳng hạn, hiệu quả kinh doanh của DN này đã giảm sút...?
Đúng là kỳ vọng của Chính phủ vào SCIC khi thành lập tổng công ty này là rất lớn, nhưng thực tế hoạt động của SCIC lại khiến không ít người thất vọng, trong đó có cả những ĐBQH như tôi.
Bên cạnh những DNNN mà SCIC đang nắm giữ vốn như Vinamilk... ăn nên làm ra, thì cũng không ít DNNN có tỷ suất lợi nhuận/vốn âm, thậm chí ăn mòn vốn. Số DN này cũng cần phải công khai để rà soát.
Nhưng nếu xét nguyên nhân chủ quan thì cũng có thể hiểu được. Hiện cơ chế thoái vốn của chúng ta còn nặng về hành chính hoá, quyền tự chủ cho SCIC chưa thoả đáng.
Chưa kể quy mô quản lý vốn Nhà nước giao cho SCIC còn nhỏ - chỉ 3%, còn số vốn lớn vẫn nằm trong tay các tổng công ty, tập đoàn lớn... nên khiến kết quả hoạt động của SCIC không như kỳ vọng.
“Sứ mệnh” mà SCIC được giao là làm gia tăng vốn Nhà nước tại các DNNN, nhưng nếu can thiệp thô bạo vào bộ máy lãnh đạo, hay cản DNNN phát hành cổ phiếu, thoái vốn... có đúng với chức năng, trọng trách mà Nhà nước giao cho tổng công ty này?
Hoạt động của SCIC cũng có thành công và cũng có bất cập.
Việc phát hành cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phiếu hiện có hay bán cổ phần để thu hút vốn cho DN... là quyền của lãnh đạo DN.
Nhưng nếu đó là DNNN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì lại là quyền của Nhà nước.
Trong trường hợp này, SCIC là DN đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước.
Thời điểm phát hành cổ phiếu thế nào? Phát hành bao nhiêu?... phải căn cứ trên hiệu quả, lợi ích của DN và trong điều kiện thị trường.
Nếu thời điểm đó thị trường chứng khoán xuống quá thấp, việc huy động vốn bằng cách bán cổ phần, thoái vốn... là không nên.
Vì thế, việc can thiệp của SCIC trong những trường hợp như vậy là đúng để bảo toàn vốn Nhà nước.
Theo ông, thời gian tới Quốc hội có nên giám sát những “địa chỉ” cụ thể, như SCIC chẳng hạn, để vừa tăng chức năng giám sát, vừa tăng chất lượng hoạt động của những tổng công ty có vai trò lớn như SCIC?
Một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội là thực hiện quyền giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Vừa qua đúng là hoạt động giám sát của Quốc hội chưa được nhiều, phần lớn là giám sát về mặt thực thi cuộc sống, còn giám sát vào từng “địa chỉ” cụ thể hạn chế và tới đây hoạt động giám sát này phải tăng cường hơn.
Nhưng, có quá nhiều mục tiêu cần giám sát, trong quỹ thời gian và nhân lực hạn hẹp Quốc hội cũng không thể “ôm” hết mọi nhiệm vụ giám sát.
Theo quan điểm của tôi, không phải cứ giám sát nhiều đã tốt, mà chính là chất lượng giám sát phải nâng lên. Giám sát ít nhưng phát hiện đúng, trúng, kịp thời.