Người do SCIC cử hay đề cử vào HĐQT doanh nghiệp có ích gì?

Nguyễn Quang A |

SCIC chỉ được quy định bởi một Điều lệ đính kèm một Nghị định của Chính phủ, nó bị hạn chế quá nhiều trong kinh doanh, nó “chỉ là cánh tay nối dài” của Chính phủ, cho nên nó không có động lực và khuyến khích để hoạt động hiệu quả (trong khi lại tạo ra cơ hội tham nhũng rất lớn).

Kinh nghiệm ở các nước chuyển đổi cho thấy các Công ty (hay Cơ quan) quản lý vốn nhà nước thường chỉ hoạt động trong một thời gian nhất định, theo một luật riêng biệt và bị giám sát chặt chẽ do nguy cơ tham nhũng rất lớn.

Báo chí nghi ngờ vai trò của Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) trong việc quản lý các công ty mà SCIC sở hữu toàn bộ hay một phần thông qua việc cử người vào các vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp đó. Sự thực ra sao về mặt pháp lý và hiệu quả?

SCIC là một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và bổ nhiệm ban lãnh đạo.

Cơ sở pháp lý hiện hành là Nghị định Số: 57/2014/NĐ-CP ngày 16/06/2014 của Chính phủ về Điều lệ và tổ chức hoạt động của SCIC.

SCIC tiếp nhận một số doanh nghiệp nhà nước do các địa phương, Bộ chuyển giao; lập doanh nghiệp mới; kinh doanh vốn (mua, bán cổ phần của các công ty cổ phần khác) trên thị trường vốn hay sở giao dịch chứng khoán; thực hiện quyền chủ sở hữu tạo các doanh nghiệp mà SCIC có vốn;…

Về mặt pháp lý SCIC, với tư cách chủ sở hữu toàn phần hay một phần của một doanh nghiệp khác, có toàn quyền cử người đại diện của mình để được cử (với các công ty trách nhiệm hữu hạn) hay được bầu (đối với các công ty cổ phần) vào ban lãnh đạo của các doanh nghiệp đó.

Như thế về mặt pháp lý SCIC hành xử đúng. Về hiệu quả hoạt động của những người được SCIC đưa vào hay đề cử lại là chuyện hoàn toàn khác.

Trước kia vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các bộ chủ quản hay địa phương chủ quản do chính các Bộ hay địa phương đó quản lý.

SCIC được thành lập nhằm tập trung sự quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đó một cách “chuyên nghiệp” hơn, giúp giải phóng các Bộ chủ quản và các địa phương chủ quản khỏi việc trực tiếp “kinh doanh”.

Liệu mô hình này có tốt hơn mô hình cũ hay không cần có nghiên cứu thấu đáo.

Bài này chỉ bàn về việc cử hay đề cử người vào ban lãnh đạo của các doanh nghiệp mà SCIC sở hữu. Như đã thấy, với tư cách chủ sở hữu, SCIC có toàn quyền cử hay đề cử những người như vậy.

Về hiệu quả và tính chuyên nghiệp của những người được SCIC cử hay đề cử lại là chuyện hoàn toàn khác.

Tại các nền kinh tế thị trường hiện đại có thị trường CEO (tổng giám đốc), một phần của thị trường lao động, nơi các lãnh đạo chóp bu của doanh nghiệp (như lực lượng lao động đặc biệt) cạnh tranh nhau vào các chức vụ Tổng giám đốc: người mua (thuê) thường là các Hội đồng quản trị doanh nghiệp, người bán dịch vụ quản lý là các chuyên gia quản trị người sẽ trở thành tổng giám đốc doanh nghiệp; có một hợp đồng quy định rõ nghĩa vụ và quyền hạn của bên thuê và bên được thuê.

Đáng tiếc ở ta chưa hình thành thị trường CEO như vậy để các doanh nghiệp thuê mướn CEO.

Nói cách khác việc tuyển người vào HĐQT của doanh nghiệp là do các chủ sở hữu quyết định; việc chọn người điều hành (CEO) phải do HĐQT quyết định.

Và doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không tùy thuộc vào HĐQT và CEO có giỏi hay không.

SCIC là một công ty 100% vốn nhà nước, do Thủ tướng chủ quản, các lãnh đạo của SCIC không phải là chủ sở hữu của SCIC mà vẫn là các “quan chức nhà nước” đi kinh doanh.

Lẽ ra phải có một luật riêng về SCIC và SCIC phải hoạt động hoàn toàn trên cơ sở thị trường, thì SCIC chỉ được quy định bởi một Điều lệ đính kèm một Nghị định của Chính phủ, nó bị hạn chế quá nhiều trong kinh doanh, nó “chỉ là cánh tay nối dài” của Chính phủ, cho nên nó không có động lực và khuyến khích để hoạt động hiệu quả (trong khi lại tạo ra cơ hội tham nhũng rất lớn).

Kinh nghiệm ở các nước chuyển đổi cho thấy các Công ty (hay Cơ quan) quản lý vốn nhà nước thường chỉ hoạt động trong một thời gian nhất định, theo một luật riêng biệt và bị giám sát chặt chẽ do nguy cơ tham nhũng rất lớn.

Chúng ta không học theo mô hình này mà lập ra SCIC theo cách khá nửa vời.

Cách tránh sự phi hiệu quả trong sử dụng vốn nhà nước triệt để nhất là tư nhân hóa (tức là bán các tài sản đó, trong trường hợp này là các doanh nghiệp nhà nước cho các chủ sở hữu tư nhân) và tiền thu về kho bạc nhà nước do Bộ Tài chính quản lý và Chính phủ không tham gia trực tiếp (như trước đây) hay gián tiếp (thông qua SCIC) vào việc kinh doanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại