Ruồi và dị vật có thể làm doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà

Kiều Linh |

Đâu là bài học cho ngành đồ uống Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN sắp thành lập và các hãng nước giải khát lại liên tiếp gặp sự cố vệ sinh an toàn thực phẩm?

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Đặng Đình Đào – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra nguyên nhân và giải pháp cho ngành đồ uống Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa giáo sư, thời gian vừa qua không chỉ Tân Hiệp Phát mà các hãng sản xuất nước giải khát như Công ty TNHH URC Việt Nam hay Công ty Pepsico cũng bị người tiêu dùng phản ánh có dị vật trong chai nước uống. 

Sắp tới, Việt Nam thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, với những sự cố như vậy ngành đồ uống Việt Nam sẽ gặp khó khăn và thách thức gì?

Chỉ còn vài tháng nữa, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra mắt thì những sự cố về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyết tật sản phẩm … càng làm cho ngành đồ uống giải khát trong nước đối diện với nhiều khó khăn hơn.

Với việc cắt giảm thuế nhập khẩu từ 30% đối với nước giải khát có gas xuống 0%, sẽ đưa nước giải khát Việt Nam vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Người tiêu dùng Việt Nam lại hay có tâm lý “sính hàng ngoại”.

Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… cùng các nước có ngành công nghiệp đồ uống phát triển như Mỹ, Canada, Chile… sản phẩm nhiều chủng loại, chất lượng cao, giá rẻ đang xâm nhập vào Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp nội không giải quyết được dứt điểm bài toán chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không nắm bắt tâm lý người tiêu dùng ngay từ bây giờ thì nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà khi AEC được thành lập và TPP được ký kết là rất hiện hữu.

Khi Việt Nam thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, các hãng sản xuất nước giải khát có cơ hội gì không thưa ông?

Với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN có một thị trường rộng lớn trên 620 triệu người và khá tương đồng, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, liên kết mở rộng thị trường sản phẩm trong khu vực.

Để đứng vững, các doanh nghiệp nội có nhiều cơ hội ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đầu tư cho khoa học công nghệ để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, buộc các doanh nghiệp nội phải thay đổi cung cách làm ăn, theo đúng quy tắc thị trường và phải giữ cho được chữ tín với khách hàng.

Với xu hướng dịch vụ ăn nhanh đang tăng tại Việt Nam và khu vực, tạo cơ hội tốt cho sản phẩm nước giải khát tiêu thụ với số lượng lớn, các doanh nghiệp cần nắm bắt để đầu tư, phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu, thị hiếu và tâm lý của người tiêu dùng trong AEC.

GS.TS Đặng Đình Đào (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Muốn chiếm thị phần, doanh nghiệp trong nước cần làm gì?

Một số ý kiến cho rằng, không thể loại trừ trường hợp các hãng nước ngoài "chơi xấu" các nhãn hiệu trong nước để dọn đường cho việc chinh phục thị trường Việt Nam khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Ông suy nghĩ gì về ý kiến này?

Nếu chúng ta buông lỏng quản lý nhà nước về thị trường và thương mại, hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ, các biện pháp lại không đủ mạnh, thiếu tính răn đe thì không thể loại trừ những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.

Tình trạng gian lận thương mại, chuyển giá, sử dụng các thủ đoạn để dìm các nhãn hiệu của các đối thủ cạnh tranh nhằm chinh phục thị trường Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN là có thể xảy ra.

Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp nội trong bối cảnh hình thành thị trường chung ASEAN là phải nhận thức rõ các chức năng quan trọng của cạnh tranh, mặt trái của kinh tế thị trường để vươn lên chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu cho sản phẩm.

Xin ông cho biết, đứng trước thách thức bị các nhãn hàng ngoại quốc chiếm thị phần, các cơ quan chức năng cần làm gì để bảo vệ ngành đồ uống trong nước?

Để giữ vững thị trường và mở rộng thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu, bản thân các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đồ uống Việt Nam phải hợp tác, liên kết và tự mình vươn lên là chính.

Các câu hỏi cơ bản của sản xuất kinh doanh sản phẩm đồ uống, doanh nghiệp nào trả lời chính xác bao nhiêu thì làm ăn hiệu quả bấy nhiêu trên thị trường!

Trong cơ chế thị trường, rõ ràng là cơ quan quản lý nhà nước không thể trả lời thay cho doanh nghiệp mà chủ yếu là tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận tiện và môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp mà lại không trái với các thông lệ quốc tế.

Để các doanh nghiệp nội xâm nhập và mở rộng thị trường trong nước, Nhà nước, các ngành và các địa phương cần quan tâm đầu tư đồng bộ hơn cơ sở hạ tầng logistics.

Trong đó, đặc biệt quan trọng là kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng thương mại, sớm xây dựng các mô hình kết nối cơ sở hạ tầng logistics để thúc đẩy phân phối, lưu thông sản phẩm rộng khắp của các doanh nghiệp đồ uống cho thị trường trong nước.

Còn các doanh nghiệp cần có giải pháp nào để cạnh tranh được với các hãng nước ngoài?

Hiện nay, khoảng 50% thị trường nước giải khát Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015 và khi các nước trong khu vực đua nhau đầu tư vào chuỗi bán lẻ ở Việt Nam như Thái Lan, Malaysia … thì chắc chắn họ sẽ đưa hàng hóa, đồ uống của nước họ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Lúc đó ngành đồ uống trong nước nguy cơ bị các hãng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, nguy cơ thua ngay trên sân nhà là rất rõ ràng.

Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp nội với những thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường cần phải có chiến lược kinh doanh mới phù hợp và triển khai nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong đó nghiên cứu và tìm hiểu thị trường hàng hóa của các nước trong AEC từ tập quán, thị hiếu, sản xuất đến kênh phân phối sản phẩm.

Thứ hai, các thương hiệu trong nước phải mở rộng thị trường nội địa bằng chính chất lượng, giá cả, dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu vào thị trường các nước trong Cộng đồng AEC.

Hiện nay sản lượng nước giải khát không cồn mới chỉ xuất khẩu được 0,09% tổng lượng bán ra.

Thứ ba, các doanh nghiệp nội phải tối ưu hóa đầu vào, không ngừng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng và hạ giá bán trên thị trường.

Thứ tư, hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp nội trong bối cảnh hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN để phát triển kinh doanh là giải pháp rất cần thiết hiện nay.

Cuối cùng, đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nội cần được đặc biệt quan tâm từ phía doanh nghiệp và Chính phủ.

Kỹ năng quản lý, kinh nghiệm điều hành, kinh doanh và đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp là chìa khóa để doanh nghiệp nội vươn lên tận dụng tốt các cơ hội do chính AEC mang lại cho Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

* TPP: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương

Pct Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát VN
Lê Bá Cơ
Liên tiếp sự cố người tiêu dùng tố có dị vật trong chai nước giải khát đã đẩy doanh nghiệp vào bước khó khăn. Doanh nghiệp bị tố có dị vật trong chai nước không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của nhà sản xuất. Trong quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm không có gì là tuyệt đối, người tiêu dùng phải thông cảm cho nhà sản xuất, mà nhà sản xuất trên cơ sở đó phải bảo vệ người tiêu dùng, có sự cố thì cùng nhau giải quyết. Còn sự việc xảy ra thì vẫn phải xử lý đúng với luật, vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ nhà sản xuất chứ nghiêng về phía bên này hay phía bên kia là không được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại