Ông chủ Trung Nguyên giỏi che dấu cảm xúc
Đã từng tiếp xúc với “vua cà phê Việt” ở nhiều góc độ rất đời, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group, người bạn thân thiết với Đặng Lê Nguyên Vũ suốt 25 năm, cho biết: Nếu tinh ý, bạn sẽ cảm nhận không phải ông là người khô khan mà thực ra ông rất giỏi che giấu cảm xúc.
“Từ một bác sỹ vươn lên làm cà phê, Đặng Lê Nguyên Vũ khổ lắm chứ, đau lắm chứ, thất vọng quá nhiều, nếm trải tất cả tủi cực, chua chát, trả bằng mồ hôi, xương máu mới có được như ngày hôm nay” – ông Việt khẳng khái nói.
Mặc dù giỏi che giấu cảm xúc nhưng qua những lần tiếp xúc với Chủ tịch cà phê Trung Nguyên, tôi cảm nhận được ông là một người cô độc. Ông thường rít một hơi thuốc sâu, vẻ mặt đầy trầm tư suy nghĩ. Ông nói về thời cuộc, về giới trẻ đương đại, về thế vận của đất nước và thi thoảng, xen giữa cuộc trò chuyện, tôi lại nghe thấy ông thở dài.
Có lần, hơn 8h tối, ông gọi tôi ra quán uống cà phê, cầm điếu xì gà quen thuộc trên tay, vẫn cái nhìn xa xăm ấy, đôi mắt “sáng quắc hơn mức bình thường ấy”, ông trải lòng về ước mong một Việt Nam hùng cường. Lần đó, tôi chỉ lắng nghe vì sợ cắt ngang dòng cảm xúc đang sục sôi lên trong người ông. Có cảm giác, nếu không nói ra thì những suy nghĩ của ông sẽ chất chứa rồi nổ tung lên mất!
Vũ cũng đã có lần tâm sự với báo giới: “Tôi chỉ thấy buồn khi mình khá đơn độc trên chặng đường dài hết lòng vì một Việt Nam hùng mạnh, hết lòng vì thanh niên. Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những mục tiêu lớn lao mà chúng tôi đang theo đuổi là vĩ cuồng, những gì chúng tôi đang làm là quá xa vời, không gần gũi...”.
Lẽ giản đơn là nhiều người không “cảm” được cái “cá biệt” của vị CEO của Trung Nguyên, chính vì vậy mà ông luôn cảm thấy mình cô độc.
“Theo nguyên tắc, những người ở tầm cao bao giờ cũng cô đơn. Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không phải là ngoại lệ… Vũ sẽ không bao giờ hết cô đơn nếu như Vũ không hạ sự sáng tạo hay hạ khát vọng lớn lao của mình xuống” – nhạc sỹ Nguyễn Cường – người đã từng viết bản giao hưởng 3 chương dành tặng Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ nhận xét.
Có lẽ vì cô đơn mà Đặng Lê Nguyên Vũ luôn khát khao được chia sẻ. “Tôi đã nhiều lần phải nói lời xin lỗi Vũ vì anh gọi điện vào thời gian quá sớm. Có những lần từ 3 – 4h sáng, rất ít khi Vũ gọi sau 5h sáng” - ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group kể.
"Chỉ cần Việt Nam có 100 người như Đặng Lê Nguyên Vũ"
Chơi với Đặng Lê Nguyên Vũ từ lâu và luôn coi Vũ là người bạn tốt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books luôn nhìn Vũ như “vua cà phê”, người có công đưa cà phê Việt Nam lên tầm mới, người mang cà phê Việt Nam ra với thế giới, người mơ ước xuất khẩu được 20 tỷ đô la/năm cà phê ra nước ngoài.
Ông kể: “Nhiều học trò bảo tôi “Anh Đặng Lê Nguyên Vũ, bạn thầy, là người bán cà phê giỏi”. Tôi gật đầu và không nói gì thêm, bởi bạn này chưa biết nhiều về Vũ”.
Trong tâm niệm của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, mặc dù Vũ chưa nhận mình là Phật tử nhưng những gì anh nói, hình như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của anh.
Theo ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group, Đặng Lê Nguyên Vũ rất giỏi che giấu cảm xúc.
Còn trong mắt của ông Phan Quốc Việt (Tâm Việt Group): “Vũ ngoài đời là một người rất bình dị, không quen nói những lời hoa mỹ. Mới nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói có lẽ nhiều người “phát ngán”, nhưng nghe kỹ thì thấy hay, càng nghe càng thấy có nhiều thứ có lý”.
“Nói chuyện với Vũ, tôi thấy rất sướng bởi vì Vũ bắt tôi phải nghĩ, bắt tôi phải tư duy dù tôi lớn hơn Vũ nhiều tuổi” – ông Việt nói.
Điều ông Việt quý nhất ở Đặng Lê Nguyên Vũ đó là khát khao muốn làm được gì đó cho người Việt. “Tôi thích Đặng Lê Nguyên Vũ ở hệ thống chiến binh – khát khao – sáng tạo và làm giàu”.
Theo ông Việt, “Ở Việt Nam chỉ cần 100 người hết lòng vì đất nước như Đặng Lê Nguyên Vũ là được. Tôi thích Đặng Lê Nguyên Vũ ở chỗ anh luôn hành động chứ không chỉ nói suông”.
Rất nhiều lời khen dành cho Vũ, nhưng ở một góc nhìn khác, có người lại đặt dấu hỏi cho sự thành công hơn nữa của CEO Trung Nguyên. Họ nhìn thấy một điều gì đó giống như việc nói chưa đi đôi với việc làm, một tầm tư duy thiếu thực tế.
Rất khó để người ta tin ở “tính sáng tạo” của Trung Nguyên nếu như họ vẫn viết ra những lời lẽ đại ngôn đao to búa lớn và phần lớn có vẻ khá thiếu thực tế như “Cà phê là báu vật của trời đất, là di sản của nhân loại và giải pháp của tương lai”.
Sẽ rất khó để người ta tin ở “tính sáng tạo” của Trung Nguyên nếu như câu khẩu hiệu của họ “chỉ có thể là Trung Nguyên” nghe như vừa len lén ôm xuống từ câu khẩu hiệu nổi tiếng “chỉ có thể là Heineken”.
Chưa hết, đứng thuần túy trên góc độ truyền thông, có chuyên gia đánh giá: Cùng một lúc Trung Nguyên xây dựng hai thông điệp “lòng yêu nước” và “tính sáng tạo” là điều hoàn toàn nên tránh.
Bởi lẽ, kêu gọi lòng yêu nước, ủng hộ hàng nội một cách rầm rộ có thể tăng cường nhận biết về thương hiệu Trung Nguyên, nhưng sẽ làm công chúng lẫn lộn và cuối cùng là nhầm lẫn những giá trị cốt lõi của thương hiệu này, và chính điều đó sẽ dẫn đến việc Trung Nguyên đánh mất bản sắc của thương hiệu mình.
Rất nhiều dự định của Vũ vẫn còn dang dở và tôi không biết trong tương lai cái nào hoàn thành, cái nào đổ vỡ, nhưng tôi cảm động cái cách Vũ đang làm với cà phê Việt Nam. Sắp tới giờ bay, ông vẫn nán lại, thêm chút thời gian ngồi với phóng viên để giúp họ có thể hiểu rõ hơn về cà phê, về thứ hương vị huyền bí mà ông đã thề: “Tôi nguyện sống với cà phê, chết với cà phê và lên thiên đường cũng với cà phê”.
* Xem thêm thông tin về Đặng Lê Nguyên Vũ tại đây.