Nợ xấu tại Việt Nam “đáng sợ và đáng ngờ”

Tốc độ tăng và mức độ là trầm trọng, nhưng biện pháp nào được coi là hữu hiệu để xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện nay lại là câu hỏi không dễ trả lời.

Đáng sợ và đáng ngờ là thông điệp được đưa ra ở hầu hết các đề cập về nợ xấu trong không ít tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại tại Nha Trang (Khánh Hòa) trong hai ngày 5 và 6/4.

Theo phân tích của TS. Trịnh Quang Anh (Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam), nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu ngân hàng được ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng.

Con số tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa 2012 này được tác giả bản tham luận nhấn mạnh là “đáng sợ”, dù rất có thể còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Không khó để có thể đồng cảm với cảm giác đó, bởi một năm trước, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2012, chính ông Quang Anh đã đưa ra con số ước tính, nếu hạch toán đúng và áp dụng chuẩn quốc tế về phân loại nợ, nợ xấu ngân hàng thực chất sẽ đạt tới mức ít nhất là 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tức khoảng trên 10 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP hiện hành của Việt Nam.

Cho dù một bức tranh toàn diện về thực trạng nợ xấu ngân hàng chưa bao giờ được đưa ra, thì theo vị chuyên gia này, các con số nói trên cũng đã là một minh chứng mạnh mẽ để giải thích tại sao tín dụng cho nền kinh tế rơi vào đình trệ, thanh khoản hệ thống ngân hàng bất ổn và nền kinh tế chìm sâu hơn trong suy thoái.

Con số rất đáng sợ, song sự giảm mạnh của nợ xấu theo công bố mới nhất lại được cho là... đáng ngờ.

Nợ xấu tại Việt Nam “đáng sợ và đáng ngờ”
 

Phân tích của TS. Tô Ánh Dương (Viện Kinh tế Việt Nam) cho thấy, với nhiều khoản nợ xấu đã được làm đẹp bằng những khoản vay mới để trả nợ cũ quá hạn và nhờ tăng trưởng tín dụng ảo cuối năm thì tỷ lệ nợ xấu giảm 2% trong 60 ngày đầu năm nay chỉ là giảm số liệu chứ không phải là bản chất.

Nhắc đến số nợ xấu giảm rất nhanh từ mức 8,82% vào cuối tháng 9/2012 xuống còn 6% vào tháng 2/2013, TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng đây cũng là vấn đề cần xem xét.

Ông Hưng cũng nhìn nhận, việc nợ xấu giảm chủ yếu do ngân hàng thương mại tăng cường “trích lập” dự phòng và đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng quỹ này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi chỉ khi ngân hàng thực sự sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xóa nợ thì nợ xấu mới thực sự được xóa khỏi bảng cân đối của ngân hàng, khi đó giá trị nợ xấu mới giảm.

Tốc độ tăng và mức độ là trầm trọng, nhưng biện pháp nào được coi là hữu hiệu để xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện nay lại là câu hỏi không dễ trả lời, dù đã được bàn thảo "nát nước".

Khẳng định chắc chắn rằng việc xử lý nợ xấu không thể diễn ra trong ngắn hạn, song TS. Tô Ngọc Hưng khá lạc quan khi cho rằng khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế là tương đối khả quan mà không cần nhiều tới nguồn từ ngân sách cũng như sự hỗ trợ của nước ngoài.

Theo nguyên tắc thị trường thì trước tiên trách nhiệm xử lý nợ xấu thuộc về bản thân các ngân hàng. Đối với ngân hàng, nguồn để xử lý nợ xấu chỉ có thể là khoản trích lập dự phòng rủi ro, tài sản đảm bảo và cuối cùng là vốn tự có, ông Hưng phân tích.

Phân tích 3 kịch bản kinh tế từ phục hồi nhanh chóng, phục hồi dần dần và chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái, vị Giám đốc học viện Ngân hàng cho rằng chỉ từ việc xử lý tài sản đảm bảo, ngân hàng đã có thể xử lý được phần lớn số nợ xấu hiện nay.

Điều này cũng có vẻ khá logic với câu trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng Chính phủ không dùng tiền ngân sách để xóa nợ cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Trịnh Quang Anh thì nguồn tài lực để xử lý nợ xấu trước hết phải là công quỹ quốc gia (nếu không có đủ thì Chính phủ phải đi vay quốc tế), trước khi tính đến chuyện quy kết, trừng phạt những tổ chức, cá nhân cụ thể nào đó đã làm bậy, gây ra hậu quả tệ hại cho nền kinh tế như đã thấy.

Lý do là chính những yếu kém, mất cân đối nội tại của nền kinh tế trong nước do năng lực bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ những năm qua, mới là căn nguyên của thực trạng nợ xấu ngân hàng ngày nay.

Nói cách khác, cơ chế dẫn tới sự hình thành “khối u” nợ xấu suy cùng nằm chính ở những khiếm khuyết trong hoạch định và điều hành kinh tế vĩ mô nhiều năm qua. Đây là hệ lụy tất yếu của những sự yếu kém, sơ hở, lơ là hay buông lỏng quản lý, giám sát của bộ máy nhà nước trong một thời gian dài, bên cạnh nguyên nhân khách quan đến từ môi trường quốc tế bất lợi.

Và như vậy, hiển nhiên Chính phủ (đằng sau trước hết là Ngân hàng Nhà nước) chứ không phải ai khác, vì sự an nguy của hệ thống các tổ chức tín dụng, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, phải đứng ra chịu trách nhiệm cắt bỏ khối u ác cũng như ngăn chặn nguy cơ hình thành trở lại khối u mới.

Tác giả này cũng cho rằng, khi thực trạng từng tổ chức tín dụng đã bị phơi bày, thì những “thây ma” phải được “chôn” để tránh làm hoại tử các phần còn lành mạnh khác của cơ thể.

Nhấn mạnh “giải pháp của mọi giải pháp” là vấn đề con người, ông Quang Anh cho rằng, trong khi chưa thể “thay được máu” hoặc thiết lập lại cơ chế “lọc máu” hữu hiệu, thì việc “làm loãng máu” hay “cô lập phần máu độc”, cần thiết phải làm ngay.

Đó là công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình, áp dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại trong mọi quy trình tác nghiệp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro đạo đức có thể phát sinh.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh: thông điệp “giải quyết những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà là của toàn bộ hệ thống chính trị” mà Ngân hàng Nhà nước mới phát đi đầu năm nay, cần được thấu hiểu và chia sẻ rộng rãi, làm điều kiện tiền đề để Ngân hàng Nhà nước nói riêng, toàn ngành ngân hàng nói chung, có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại