Hạn chế sử dụng vốn ngân sách cho việc xử lý nợ xấu

Kim Chi |

(Soha.vn) - Tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu.

Đây là một trong những nội dung của Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng và đã trình Bộ Chính trị và Chính phủ thông qua.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN cho biết, mục tiêu của Đề án là xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD, thị trường tiền tệ.

Theo Đề án, về nguyên tắc, do nợ xấu hiện nay tăng lên mức khá lớn và là vấn đề kinh tế vĩ mô sinh ra từ nhiều nguyên nhân, do đó xử lý nợ xấu phải khẩn trương, quyết liệt, đồng thời phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, bằng nhiều biện pháp, đặt trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Trước hết, TCTD và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu . Nhà nước hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu thông qua ban hành các cơ chế, chính sách và tổ chức, quản lý có hiệu quả thị trường mua bán nợ. Giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn liền với phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Một trong những khó khăn chủ yếu trong việc xử lý nợ xấu mà ngành Ngân hàng gặp phải là việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD không có sự hỗ trợ tài chính trực tiếp của ngân sách nhà nước do ngân sách nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế, nợ công lớn và đang tăng nhanh trong khi nhu cầu chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội rất lớn.

 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới khi thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng luôn có sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với thông lệ quốc tế và cũng có thể là nguyên nhân làm chậm lại quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Kinh tế vĩ mô kém ổn định, nguy cơ lạm phát cao thường trực làm hạn chế khả năng nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô để kích thích hoạt động kinh tế. Thị trường bất động sản đóng băng, chậm phục hồi trong khi một khối lượng vốn tín dụng ngân hàng được đầu tư vào thị trường này.

Mặt khác, thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là thị trường mua bán nợ kém phát triển cũng làm ảnh hưởng tới việc huy động vốn để xử lý nợ xấu, sử dụng các công cụ tài chính xử lý nợ xấu, hoán đổi, chuyển đổi rủi ro tín dụng liên quan đến nợ xấu.

Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu nhiều các cơ chế, chính sách, pháp luật hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, thu hồi cưỡng chế thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm, cơ cấu lại tài chính và doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp, kể cả các thiết chế cho xử lý nợ xấu nhanh, bền vững như Công ty Quản lý tài sản quốc gia theo mô hình tập trung mà thường thấy ở nhiều nước.

Thực hiện Đề án xử lý nợ xấu không phải là trách nhiệm riêng của ngành Ngân hàng mà là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Chính phủ, nhân dân và sự quyết tâm của hệ thống ngân hàng, chúng tôi tin rằng Đề án xử lý nợ xấu sẽ thành công.

Ngành Ngân hàng đã sẵn sàng và trên thực tế đã chủ động triển khai ngay từ cuối năm 2012 một số biện pháp xử lý nợ xấu và đã đem lại một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, đặc biệt là tốc độ tăng nợ xấu được kiềm chế.

Bên cạnh đó, NHNN tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và ngăn chặn, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai. NHNN đang tích cực triển khai hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thành lập và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản, bao gồm cả việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (trong tháng 3/2013).

Về nguồn vốn xử lý nợ xấu, quan điểm thống nhất của Bộ Chính trị, Chính phủ và NHNN về xử lý nợ xấu của các TCTD là huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xử lý nợ xấu và hạn chế việc sử dụng vốn ngân sách cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại