Hàng chục tỉ mỗi tháng
Theo Biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ban hành kèm Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước), mức phí dịch vụ chuyển khoản dao động từ 0 đến 15.000 đồng/giao dịch. Như vậy, sau lần tăng lên 5.000 đồng/giao dịch, Vietcombank hoàn toàn có thể tăng phí chuyển khoản thêm gấp 3 lần mức hiện tại.
"Lẽ ra, ngân hàng dự kiến sẽ tăng phí chuyển khoản từ tháng 3/2013, nhưng thời điểm đó, đã tăng phí rút tiền nội và ngoại mạng rồi. Đến giờ, sau 6 tháng, ngân hàng mới quyết định tăng tiếp phí chuyển khoản", một cán bộ phụ trách thẻ cấp chi nhánh của Vietcombank cho biết.
Vị cán bộ này lý giải, việc đầu tư ban đầu cho hệ thống máy rút tiền, điểm đặt máy cùng các chi phí vận hành, quản lý máy… rất tốn kém. Nhưng suốt nhiều năm qua, ngân hàng đã miễn phí giao dịch cho các chủ thẻ của Vietcombank.
Một số khách hàng sử dụng dịch vụ của Vietcombank khi được hỏi đều tỏ ra không bất ngờ. Theo họ việc tăng phí cũng chỉ bằng một cốc trà đá, tuy nhiên vấn đề họ quan tâm chính là chất lượng của dịch vụ có cải thiện không?
Theo công bố của Vietcombank, ngân hàng này có mạng lưới ATM rộng lớn với gần 1.626 máy ATM và khoảng 11.000 điểm chấp nhận thẻ trên cả nước. Hệ thống máy ATM này không chỉ phục vụ cho hơn 5 triệu khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa của Vietcombank, mà còn cả thẻ của ngân hàng khác.
Giả sử, mỗi tháng 5 triệu chủ thẻ Vietcombank chỉ phát sinh một lần rút tiền nội mạng thì ngân hàng thu về 5 tỷ đồng. Nếu phát sinh một lần chuyển khoản từ tài khoản Vietcombank sang tài khoản ngân hàng khác, ngân hàng có thể thu được tới 25 tỷ đồng. Dĩ nhiên, nếu chủ thẻ giao dịch càng nhiều thì số tiền phí ngân hàng thu được càng lớn.
Ngoài Vietcombank, một số ngân hàng như: BIDV, Vietinbank, Agribank, Seabank, Sacombank… đã và đang rậm rịch kế hoạch thu phí rút tiền nội mạng qua máy ATM . Đối với giao dịch rút tiền ngoại mạng, mức phí hiện hành tại một số ngân hàng như: Vietinbank, VP bank… là 3.000 đồng/giao dịch.
Phí ATM móc túi khách hàng với 17 loại phí
Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), toàn hệ thống thanh toán đang có khoảng gần 50 triệu thẻ các loại gồm: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ thanh toán, thẻ mua hàng... Chủ thẻ chỉ cần đút thẻ vào máy là bị vô số các loại phí bủa vây.
Với loại thẻ tín dụng cho phép người dùng tiêu trước trả sau, khách hàng được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng lên tới hàng trăm triệu đồng, tất cả các nhà băng đều miễn phí 45 ngày không phải trả lãi.
Tuy nhiên, để sở hữu và sử dụng một chiếc thẻ như vậy, chủ thẻ phải gánh không dưới 17 loại phí, cùng với mức lãi suất cho vay cắt cổ.
Phí dày đặc như vậy nhưng từ ngày 1/3, Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa bắt đầu có hiệu lực. 12 ngân hàng thương mại lập tức thu phí rút tiền ATM nội mạng.
Như vậy, một thẻ ATM theo tính toán sẽ phải chịu: Phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000 - 90.000 đồng, phí phát hành lại thẻ 25.000 - 66.000 đồng, phí cấp lại số pin 10.000 - 33.000 đồng, phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ) từ 39.600 - 132.000 đồng, phí tra soát nếu không đúng từ 10.000-110.000 đồng, phí chuyển khoản 1.650 đồng, phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550 - 1.650 đồng, trả thẻ bị nuốt tại máy ATM từ 5.000 - 20.000 đồng... Cá biệt có NH còn thu 10.000 đồng phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.
Với thông tư mới này theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân lao động nhất là trong khi kinh tế khó khăn như hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời điểm người lao động vật lộn với hàng loạt chi phí cứ vùn vụt tăng như hiện nay, nên cân nhắc khi đặt thêm các loại phí vào thời điểm này. Đồng thời phải xem xét lộ trình tăng phí ATM nội mạng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra có thuyết phục không, nếu không người lao động sẽ quay lưng với dịch vụ ATM.
"Trong việc trả lương qua tài khoản, không chỉ người lao động mà chủ DN và ngân hàng cũng có lợi. Do đó nên có sự chia sẻ giữa ba bên, tránh việc tập trung thu phí chủ thẻ" – TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) lại đưa ra những phân tích cho thấy, ngoài những tích cực, nếu không có sự điều tiết hài hòa, việc thu phí ATM nội mạng sẽ không chỉ gây ra tác động tiêu cực đối với người dùng mà sẽ tác động tới chính với ngân hàng và quản lý nhà nước.