Ngân hàng PVcombank bị chuyên gia chê "không biết đặt tên"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam, nếu viết tắt theo đúng trình tự về mặt ngữ nghĩa, lẽ ra phải là VPcomBank, chứ không phải PVcombank.

Là nhà băng hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) với Ngân hàng Phương Tây (WesternBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (viết tắt là PVcombank) vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2013. Hiện PVcombank có tổng tài sản 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (52%) còn cổ đông chiến lược là Morgan Stanley (6,7%).

Được biết đến như một ngân hàng lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tuy nhiên, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam lại khiến không ít người thất vọng về cách quản lý thương hiệu của đơn vị này.

Bởi căn cứ vào tên bằng tiếng Anh: Vietnam Public Joint Stock Commercial Bank" của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam, nếu viết tắt theo đúng trình tự về mặt ngữ nghĩa, lẽ ra phải là VPcomBank, chứ không phải PVcombank.

 	Biển quảng cáo PVcombank trên đường ra sân bay Nội Bài

Biển quảng cáo PVcombank trên đường ra sân bay Nội Bài

"Khả năng là ngân hàng này muốn gắn chữ PV của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam vào tên viết tắt của mình, chứ bình thường đặt tên PVcombank là sai về kiến thức thương hiệu" – một chuyên gia marketing nhận xét.

Dưới góc độ của cá nhân, ông Trần, một chuyên gia trong lĩnh vực Tư vấn Thương hiệu & Tên miền cho hay: “Tôi nghĩ nên chọn "VPcomBank" sẽ hợp lý hơn là "PVcomBank". Trường hợp chọn "VPComBank" sợ bị trùng âm với "VPBank" của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng. Do vậy, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam nên chọn “Vietnam Public Bank” là hợp lý nhất, tương tự Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (Tên tiếng Anh: Lien Viet Post Bank. Website: www.lienvietpostbank.com.vn) ”.

"Ngân hàng Đại chúng Việt Nam không phải là một công ty nhỏ, nếu để tên viết tắt PVcombank như vậy là không hợp lý. Vẫn biết chọn tên nào là quyền của họ nhưng với những người có kiến thức về thương hiệu thì việc lấy tên PVcombank này quả thật là hài hước bởi khi dịch từ Việt sang Anh hay từ Anh sang Việt lại không đồng nhất" - ông Trần nhấn mạnh.

 	Tên bằng tiếng Anh:

Tên bằng tiếng Anh: "Vietnam Public Joint Stock Commercial Bank" của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam, nếu viết tắt theo đúng trình tự về mặt ngữ nghĩa, lẽ ra phải là VPcomBank, chứ không phải PVcombank.

Không những sai về mặt kiến thức cơ bản về nhận diện thương hiệu, PVcombank còn vướng nhiều sơ hở trong cách quản lý thương hiệu của mình.

Cụ thể, có tới 3 tên miền được xem là liên quan tới ngân hàng Đại chúng Việt Nam đã bị 1 người khác đăng ký sở hữu, 3 tên miền đó bao gồm VietnamPublicbank.com, Vpcombank.com, nganhangdaichungvietnam.com. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho nhiều khách hàng của PVcombank.

Đặc biệt nếu những tên miền này lọt vào tay một công ty nước ngoài hoặc ngân hàng cạnh tranh với PVcombank hay một tổ chức nào đó muốn bôi nhọ, phá hoại ngân hàng này, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Đơn cử như trong quá khứ, Trung Nguyên đã từng nhiều lần phải tranh chấp tên miền thương hiệu, gặp phải sự “rắc rối” khi tên miền liên quan đến thương hiệu Legendee Coffee mà mình đang kinh doanh, bị một cá nhân tên Nguyễn Trọng Khoa (Tp. HCM) mua lại. Trọng Khoa sử dụng tên miền Legendeecoffee.com, để nhúng nội dung quảng cáo cho cà phê Starbucks mà trên lý thuyết, đây là thương hiệu cạnh tranh với cà phê Trung Nguyên.

Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp tên miền, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức theo đuổi vụ việc. Do đó, theo lời khuyên của các chuyên gia trong ngành, không gì tốt hơn là các doanh nghiệp hãy chủ động bảo vệ thương hiệu của mình trên Internet bằng cách tiến hành đăng ký những tên miền gắn liền với các thương hiệu đã được bảo hộ để tránh việc tranh tụng phức tạp và tốn kém.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại