Tràng Tiền Plaza nên “cắn răng” chờ đợi cơ hội
Thảm cảnh đìu hiu, vắng khách tại TTTM Tràng Tiền Plaza theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ siêu thị BigC Thăng Long không có gì lạ.
Tuy nhiên, phương án đóng cửa một thời gian, dừng hoạt động kinh doanh để tránh thua lỗ, theo ông Dũng, là cách không hợp lý.
Ông giải thích: “Có thể nó đúng với lĩnh vực bất động sản, nếu nó là một dự án, tạm ngưng một thời gian thì không vấn đề gì. Nhưng với những địa điểm thực tế, với lĩnh vực kinh doanh thường xuyên, nếu đóng cửa coi như là chết.
Bởi nếu đóng cửa, trong đầu người tiêu dùng sẽ nghĩ Tràng Tiền Plaza đã chết, không biết bao giờ mới mở lại. Kể cả khi họ có nhu cầu hay kể cả khi thị trường ấm lên đi chăng nữa thì Tràng Tiền lại mất một thời gian để làm lại từ đâu, không phải là 1 ngày, 2 ngày, 1 tháng hay 2 tháng mà có thể là 1 năm đến 2 năm, để tăng cường nhận diện cho khách hàng, thông tin tới người dùng rằng: Ở Tràng Tiền Plaza đang bán những sản phẩm nào”.
Việc tạm thời ngưng hoạt động như Grand Plaza, theo ông Dũng không những không giảm bớt được tổn thất nặng nề về mặt tài chính mà còn thiệt hại về mặt uy tín cho thương hiệu hàng đầu trên “lô đất vàng” của Tràng Tiền Plaza.
Bởi người tiêu dùng sẽ có những ấn tượng xấu rằng trung tâm này đã từng đóng cửa, kinh doanh không tốt,… Điều này khó lấy được lòng tin nơi khách hàng, kể cả sau này khi đã quay trở lại cũng khó có thể nói là sẽ thành công.
Vì vậy, lối đi duy nhất đúng đắn cho những “chùa bà Đanh” như Tràng Tiền Plaza lúc này, theo ông Dũng, các TTTM vẫn phải cắn răng duy trì hoạt động nếu muốn kinh doanh lâu dài, chờ thị trường ấm lên.
Trong ngắn hạn, bằng mọi cách phải tiết kiệm, cắt giảm lỗ, giảm lượng hàng tồn kho, để thuê nhân viên và trả tiền thuê mặt bằng. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhất để vượt qua khó khăn trước mắt.
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường hiện nay, đối với các mặt hàng xa xỉ, đại diện của đại siêu thị BigC cũng nhấn mạnh rằng: Chỉ còn cách giảm giá để kích cầu cũng như triển khai mạnh chính sách marketing hướng vào các đối tượng khách hàng tiềm năng của mình.
“Tràng Tiền nên cắn răng chờ đợi cơ hội, chờ đợi thời cơ, chờ đợi nhu cầu thị trường nóng lên để họ có thể kinh doanh tốt” – ông Dũng khuyến cáo.
Tràng Tiền sẽ đắc lợi nếu thị trường ấm lên
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới cảnh đìu hiu như chợ chiều của Tràng Tiền Plaza, các TTTM cao cấp và siêu cao cấp khác hiện nay, ông Dũng nhấn mạnh: Các trung tâm này tập trung vào mặt hàng tiêu dùng cao cấp, hàng xa xỉ nên thông thường khi suy thoái kinh tế, nguồn thu giảm, sức mua giảm, những dịch vụ, mặt hàng cao cấp sẽ được người dân đưa đầu tiên vào danh sách cắt giảm chi phí.
Chính vì lẽ đó, những đơn vị cung cấp những sản phẩm cao cấp bị ảnh hưởng trước tiên. Tràng Tiền Plaza đặc biệt hơn vì họ tập trung vào những hàng hiệu, hàng cực kỳ xa xỉ. Những mặt hàng đó, người dân Việt mua rất ít bởi vì những người dùng hàng hiệu thường là người có tiền, mức độ đi nước ngoài nhiều, họ hay mua hàng hiệu đó ở nước ngoài thay vì mua ở Việt Nam. Ở Việt Nam chưa có nhiều hàng và trung tâm mua sắm đủ sức thuyết phục họ.
Một tín đồ của hàng hiệu đã từng bật mí rằng: “Hàng hiệu ở Việt Nam có ít nhãn, giá không rẻ, mỗi nhãn lại đưa về ít mẫu, tốc độ thay mẫu mới chậm... nên khó khọn lựa. Sang Thái Lan, Singapore hay Malaysia vừa có nhiều hàng, lại tin tưởng hơn. Thậm chí, hàng hiệu ở nước ngoài có khi còn rẻ hơn ở Việt Nam”.
Một số đối tượng khách hàng mua hàng hiệu ở đất nước sở tại như ở Tràng Tiền Plaza, theo ông Dũng, chủ yếu là mua để tặng, để biếu. Đối tượng đi tặng có một phần là các cá nhân, còn chủ yếu là các doanh nghiệp. Trong khi đó, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng làm ăn ế ẩm, nhu cầu của thị trường suy giảm, dẫn tới việc kinh doanh với những mặt hàng xa xỉ và cực kỳ xa xỉ gặp nhiều không ít trở ngại.
Trong khi đó, năm 2014 sẽ tiếp tục là một năm đầy ảm đạm đối với nền kinh tế của Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bán lẻ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. “Tôi không hi vọng hay kì vọng quá nhiều vào sự ấm lên của thị trường bán lẻ 2014. Bao giờ cũng vậy, thị trường bán lẻ luôn có độ trễ so với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Khi nào thu nhập của người lao động tăng lên, nhu cầu mua sắm trang thiết bị sản xuất của doanh nghiệp và người dân tăng thì khi đó, thị trường bán lẻ mới được hưởng lợi. Năm 2014, tôi chưa thấy có nhiều tín hiệu khởi sắc nào trong phân phối các mặt hàng này” – một chuyên gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhận định.
Khi thị trường chưa có gam màu sáng như vậy, “tôi không dám đưa ra các hướng đi vì mỗi một nhà đầu tư đều có các chiến lược khác nhau. Trong khi tất cả trung tâm thương mại hoặc các nhà kinh doanh phân phối hàng xa xỉ khác đều đóng cửa hoặc giảm hoạt động kinh doanh thì vẫn có những nhà đầu tư sẵn sàng “chịu nhiệt” để duy trì hình ảnh của họ với khách hàng, xây dựng lòng tin với người dùng để 1 – 3 năm, khi thị trường nóng lên, khách hàng có nhu cầu thì nhớ đến nhà phân phối đó.
Nếu trường vốn, lực nhiều, có chiến lược lâu dài và bài bản thì vẫn có thể thành công. Vì thị trường là sự kết nối. Khách hàng dựa trên các thông tin của quá khứ chứ không phải hiện tại và lòng tin cũng được xây dựng từ quá khứ để có quyết định mua trong hiện tại và tương lai. Nếu thị trường chỉ có 1 hoặc vài ba đơn vị “dũng cảm” như thế thì khi thị trường ấm lên, họ sẽ được hưởng lợi rất lớn” – ông Dũng nhận xét.