Ngân hàng mập mờ, người vay ôm quả đắng lãi suất

Hiện nay, nhiều ngân hàng (NH) chào mời cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất rất hấp dẫn là 10%/năm.

Thêm vào đó, thời gian vay cũng rất linh động, từ 12 tháng đến 36 tháng; mức cho vay là 10 tháng lương và thường là không vượt quá 70 triệu đồng; hình thức vay là tín chấp (đối với đối tượng vay là cán bộ - nhân viên của các đơn vị hành chính sự nghiệp); phương thức trả nợ: trả góp hàng tháng.

Khách hàng cá nhân khi vay thường chuộng lãi suất thấp, ít khi quan tâm cách tính lãi, cho nên với lãi suất trên, thường họ sẽ cho là rẻ. Ngoài ra, đa số khách hàng cá nhân cũng không nắm rõ cách tính lãi của NH. Vậy lãi suất trên có thật sự rẻ hay không?

Trước tiên, nếu so với mặt bằng cho vay hiện nay và so với lãi suất huy động (đang ở mức 8,5%/năm cho các kỳ hạn huy động trên 1 năm) thì mức lãi suất cho vay trên là khá thấp.

Tuy nhiên, nếu xem kỹ bảng ước tính vốn gốc và lãi phải trả hằng tháng của NH, sẽ thấy với lãi suất 10%, trong suốt quá trình vay, NH sẽ luôn tính lãi trên số tiền vay ban đầu (thuật ngữ NH thường dùng là tính lãi tiền vay theo dư nợ ban đầu).

Ví dụ, nếu bạn vay 60 triệu đồng, thời gian trả góp 12 tháng. Hàng tháng, NH sẽ tính lãi bằng cách lấy 60 triệu đồng nhân với lãi suất tháng (10% chia 12 tháng), tiền lãi sẽ là 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, hàng tháng khách hàng phải trả vốn gốc bằng số tiền vay chia cho thời hạn vay.

dư nợ giảm dần, thỏa thuận lãi suất, trả lãi, vay tiêu dùng
 

Theo ví dụ này, vốn gốc phải trả là 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/12 tháng). Như vậy, vốn gốc và lãi vay khách hàng phải trả hàng tháng là 5,5 triệu. Trong 12 tháng, khách hàng sẽ trả hết vốn gốc là 60 triệu đồng, lãi vay phải trả 6 triệu đồng (*).

Ở đây, sẽ thấy, mặc dù hàng tháng khách hàng đã trả vốn gốc là 5 triệu đồng, nhưng NH không trừ ra khỏi vốn gốc ban đầu (60 triệu đồng) để tính lãi cho khách hàng. Điều này làm cho tiền lãi phải trả cao hơn thực tế.

Nếu NH tính lãi cho khách hàng bằng cách sau mỗi kỳ trả vốn gốc, vốn gốc còn lại để tính lãi sẽ giảm tương ứng (thuật ngữ NH thường dùng là tính lãi tiền vay theo dư nợ giảm dần). Lấy ví dụ trên, nếu NH tính lãi theo dư nợ giảm dần, thì tháng đầu tiên, khách hàng sẽ trả lãi là 500.000 đồng (60 triệu x 10%/12 tháng).

Đến tháng thứ hai, tiền lãi giảm xuống 458.333 đồng (60 triệu trừ 5 triệu nhân với lãi suất tháng). Tương tự, giống như tên gọi của phương thức tính lãi này, dư nợ gốc sau mỗi kỳ hạn sẽ giảm dần và do đó lãi phải trả cũng giảm theo.

Theo tính toán (hiện có vài NH đưa công cụ tính toán lãi vay theo các phương thức khác nhau lên trang tin điện tử của mình, mọi người có thể tham khảo dễ dàng), tổng lãi tiền vay theo phương thức dư nợ giảm dần sẽ là 3,25 triệu đồng, thấp hơn phương thức tính lãi theo dư nợ ban đầu là 2,75 triệu đồng.

Đó là đối với kỳ hạn 12 tháng, nếu kỳ hạn này tăng lên thì chênh lệch tiền lãi cũng tăng cao theo. Cụ thể, nếu thời hạn vay là 36 tháng, tiền lãi tương ứng sẽ là 18 triệu đồng và 9,25 triệu đồng chênh lệch 8,75 triệu đồng.

Ngoài ra, trong phương thức cho vay theo dư ban đầu, nếu khách hàng trả nợ trước hạn sẽ bị phạt. Lãi phạt NH áp dụng theo quy tắc 78 (theo nhân viên kinh doanh của một NH cho biết) mà hầu hết những người vay tiền không làm trong lĩnh vực tài chính NH sẽ không thể hiểu nổi!

Vì vậy, nếu phải lựa chọn một phương thức trả nợ nào đó, khách hàng nên tính toán thu nhập hằng tháng, tổng lãi phải trả theo từng phương thức, khả năng chịu đựng rủi ro khi lãi suất thay đổi...

Trong ví dụ trên, tổng số tiền lãi phải trả theo lãi suất cho vay 10%/năm (phương thức dư nợ ban đầu) sẽ gần bằng với lãi suất từ 18% đến 19%/năm theo dư nợ giảm dần. Nếu phải bắt buộc chọn phương thức trả lãi theo dư nợ ban đầu thì lãi suất này phải thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay theo phương thức dư nợ giảm dần.

Hiện nay, vài NH cho vay tiêu dùng (hình thức tín chấp) tính lãi theo dư nợ giảm dần vào khoảng 15%/năm. Như vậy, khách hàng nên có thỏa thuận giảm bớt lãi suất khi vay theo dư nợ ban đầu (có thể yêu cầu NH giảm lãi suất xuống mức thấp hơn mức 10%/năm nêu ở đầu bài).

(*)Các NH thường tính lãi vay theo ngày. Ví dụ, tháng 3 có 31 ngày thì tiền lãi tháng 3 được tính như sau: 60 triệu x 31 ngày x 10%/360 ngày; tiền lãi tháng 4: 60 triệu x 30 ngày x 10%/360 ngày. Trong ví dụ của bài viết, để đơn giản, tác giả tính lãi theo tháng, tổng tiền lãi phải trả không khác biệt mấy so với cách tính theo ngày (trong một năm, tiền lãi tính lãi theo ngày cao hơn so với tính theo tháng).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại