Lạm phát tăng, lãi suất khó giảm thêm

Giá xăng dầu tăng liên tiếp, cộng với thông tin tăng giá điện, viện phí, học phí trong thời gian tới đã đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao.

Lạm phát tháng 7 “đột biến” tăng và được dự đoán sẽ còn tăng nữa trong các tháng tới. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, lạm phát vẫn trong giới hạn đề ra, do sức cầu nội địa yếu. Vậy, vấn đề lãi suất sẽ được nhìn nhận ra sao trong bối cảnh đó?

Lạm phát tháng 7 có quá cao?

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng so với tháng trước là 0,27%, so với tháng 12/2012 tăng 2,68%, so với tháng 7/2012 tăng 7,29%. CPI bình quân 7 tháng đầu năm so cùng kỳ tăng 6,81%.

Các chuyên gia đều chung nhận định, CPI tháng 7 tăng chắc chắn có sự ảnh hưởng bởi 2 đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 14/6 và 28/6. Giá xăng tăng đã tác động ngay đến giá cả nhóm giao thông, đẩy nhóm này tăng 1,34% trong tháng 7.

Lạm phát tăng, lãi suất khó giảm thêm
CPI tháng 7 tăng do sự ảnh hưởng bởi 2 đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 14/6 và 28/6

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, mức tăng lạm phát không có gì đáng báo động, bởi dù cao nhất trong 6 tháng qua, nhưng nguyên nhân sâu xa là do các tháng trước đó tăng quá thấp, nên tháng 7 trở nên “đột biến”.

Ngoài ra, mức tăng 0,27% là bình thường nếu nhìn vào biến động của rổ hàng hóa tháng 7. Ví dụ, nhóm lương thực, thực phẩm tăng rất thấp, còn riêng lương thực tiếp tục hạ. Nhóm giao thông tăng cao nhất 1,34% và các nhóm khác đều nhích dưới 0,5% nên không đáng ngại.

Tuy nhiên, đợt điều chỉnh giá xăng ngày 17/7 chưa được phản ánh vào CPI tháng 7 nên giá tiêu dùng tháng 8 sẽ còn biến động vì giá xăng đã tăng tiếp 4%. Việc liên tiếp tăng giá xăng dầu, cộng với thông tin tăng giá điện, viện phí, học phí thời gian tới đang và sẽ đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, lương cơ bản tăng thêm 100.000 đồng từ 1,05 triệu đồng/tháng trước đó lên 1,15 triệu đồng/tháng, đồng thời, tiền hưu trí và trợ cấp xã hội cũng tăng với tỷ lệ tương ứng.

Theo ước tính của Bộ Nội vụ, chỉ tính riêng khối cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chi phí để thực hiện tăng lương đã lên tới 21.000 tỷ đồng. Do hiện thu nhập của người lao động còn khá thấp, nên một điều chắc chắn là phần lớn thu nhập tăng thêm này sẽ được dùng để tiêu dùng. Đó là một áp lực rất lớn đến lạm phát.

Dự báo lạm phát cả năm

Báo cáo kinh tế của ANZ vừa công bố có tiêu đề “Lạm phát Việt Nam tháng 7 như dự đoán” nhận định, dù lạm phát theo tháng trong tháng 7 tăng ở mức 0,27% và cao hơn so với mức 0,05% của tháng 6, nhưng ANZ vẫn tái khẳng định dự báo lạm phát cả năm nay của Việt Nam chỉ ở mức 6 - 8% do một số yếu tố, trong đó chủ yếu vì sức cầu nội địa còn yếu.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm (sau khi loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 4,9%, tức là xấp xỉ 4,7% năm 2011 và thấp xa so với mức 6,2% năm 2012. Nếu tiếp tục tăng giá, chắc chắn sức mua sẽ kém và tác động đến chuyện tiêu thụ hàng tồn kho của doanh nghiệp”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

Quả vậy, Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6/2013 do HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng Công ty Markit Economics công bố cũng cho biết, tổng cầu xã hội vẫn tiếp tục đà suy giảm. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam suy giảm đáng kể về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới khiến cho các công ty phải cắt giảm việc làm và mua hàng.

Với kết quả chỉ số PMI giảm từ 48,8 điểm của tháng 5 xuống còn 46,4 điểm trong tháng 6. Chỉ số PMI đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ của HSBC đã rơi xuống mức thấp thứ ba kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Chỉ số PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm - ngưỡng biểu thị sự giảm sút - trong hai tháng liên tiếp.

“Khả năng giữ được lạm phát cả năm nay dưới 7% là trong tầm tay, dù giá xăng, điện cùng với tiền lương tăng, do sức mua của người dân vẫn thấp, tín dụng tăng rất thấp và giải ngân vốn ngân sách cũng trong tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, một số dự báo cho rằng, giá hàng hóa trên thế giới năm nay sẽ duy trì ở mặt bằng thấp nên không có tác động vào Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nói.

Có nên tiếp tục hạ lãi suất?

TS. Hiếu cho rằng, nên tiếp tục hạ lãi suất bởi lạm phát vẫn đang kiểm soát tốt. Lãi suất huy động giảm sẽ giúp hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ DN được phần nào, dù lãi suất không phải là lời giải cho mọi vấn đề. Khi hạ lãi suất, cung tiền sẽ cao hơn, nhưng trước lựa chọn giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, cần phải thực sự hướng vào tăng trưởng ở giai đoạn hiện nay, vì nền kinh tế chưa thoát khỏi trạng thái trì trệ.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không nên hạ tiếp lãi suất, bởi một vài lý do sau. Thứ nhất, người dân Việt Nam chưa có thói quen gửi tiết kiệm với lãi suất thấp gần bằng không.

Trong khi đó, mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào, song phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn. Hơn nữa, tính bền vững cũng không cao do đa phần là nguồn vốn ngắn hạn.

Bởi vậy, chỉ cần một biến động nhỏ về lãi suất, nhiều ngân hàng có thể rơi vào rủi ro thanh khoản, kéo theo đó là cả hệ thống. Thời gian qua, việc giá vàng giảm thấp, tỷ giá biến động cũng đã thu hút một lượng tiền không nhỏ từ kênh tiết kiệm. "Không nên mạo hiểm, nhất là trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang cao và đang trong lộ trình tái cơ cấu như hiện nay", một chuyên gia nói.

Thứ hai, không nhất thiết phải hạ lãi suất để đẩy tín dụng ra trong bối cảnh hiện nay. Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn một ngân hàng TMCP cho rằng, lãi suất cho vay bây giờ thực sự đã rất thấp, thậm chí có những món vay, những gói tín dụng mà lãi suất vay thấp hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, tín dụng vẫn khó tăng. Một phần do DN không đủ điều kiện vay. Số đủ điều kiện cũng không muốn vay trong bối cảnh triển vọng của nền kinh tế còn chưa sáng.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank nói: “Lãi suất hiện đang ở mức hợp lý, không thể thấp hơn được. Vấn đề ở đây là làm thế nào để DN hấp thụ được vốn”.

Trên cơ sở dự báo lạm phát, ANZ dự báo lãi suất tái cấp vốn sẽ ở mức 7%/năm trong những tháng còn lại của năm nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại