Ủy ban giám sát cho rằng khả năng kiềm chế lạm phát năm 2013 thấp hơn 2012 vẫn có cơ sở để thực hiện. Tác động của lạm phát cầu kéo đến lạm phát năm 2013 là không quá lớn do tổng cầu còn khá yếu trong khi yếu tố tiền tệ đang tạo nên những áp lực nhất định đến lạm phát nhưng chưa quá lo ngại.
Tuy nhiên, lạm phát chi phí đẩy chủ yếu phụ thuộc vào sự phối hợp trong điều hành chính sách và đây có lẽ là nhân tố cần được đặc biệt quan tâm đối với công tác quản lý giá trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn đang yếu, vốn tín dụng chưa cho thấy dấu hiệu được cải thiện, cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN nhằm hỗ trợ tổng cầu, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân trong 2 quý đầu năm 2013”- Ủy ban Giám sát tài chính khuyến nghị.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm 2012 sẽ có tác động nhất định đến lạm phát trong thời gian tới. Cung tiền M2 đã tăng trên 22% trong năm 2012 (so với mức tăng 12,5% của năm 2011), sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lạm phát trong năm 2013 với độ trễ khoảng 6 tháng.
Do đó, việc thực hiện các kế hoạch giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 01 và 02 và quá trình xử lý nợ xấu cũng cần phải tính đến lượng tiền ra lưu thông để không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu lạm phát của cả năm 2013.
Theo tính toán của Ủy ban giám sát, nếu VND giảm giá 3% sẽ góp phần làm CPI tăng thêm khoảng 0,3-0,4%. Trong khi đó, nếu giá điện tăng 10% thì CPI tăng t hêm 0,4% và giá xăng khoảng 5% thì CPI tăng thêm 0,1%-0,15%.
Như vậy, chỉ tính riêng 3 yếu tố này nếu được điều chỉnh vào cùng thời điểm sẽ góp phần làm CPI tăng khoảng 0,8-1%. Những phân tích này cho thấy, việc điều chỉnh tỷ giá cũng như giá điện, nước và các dịch vụ công khác cần phải rất thận trọng và có sự phối hợp chặt chẽ.