Ngân hàng không mơ lợi nhuận

Dù đã tích cực triển khai nhiều gói sản phẩm tín dụng, nhưng xem ra việc tăng trưởng tín dụng và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng là chuyện không dễ dàng.

Khó ở quý IV

Thông thường, nhu cầu sử dụng vốn quý IV luôn cao hơn so với các quý trước đó, nên chỉ trong một thời gian ngắn, các ngân hàng đã tranh thủ giới thiệu các gói tín dụng trị giá hàng ngàn tỉ đồng ra thị trường.

Sacombank, chẳng hạn, đã triển khai gói cho vay ưu đãi 2.000 tỉ đồng với lãi suất tối thiểu 9%/năm cho 3 tháng đầu tiên; HDBank có gói tín dụng 1.000 tỉ đồng, lãi suất 0%/năm cho tháng đầu tiên…

Tuy nhiên, khác với những năm trước, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, dù ưu đãi nhiều đến mức nào cũng khó có thể đẩy mạnh tín dụng khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp mà là nợ xấu, hàng tồn kho và sức mua thị trường yếu. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này thì mới có thể khơi thông được tín dụng.

Một lãnh đạo ngân hàng tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết hiện chỉ có một số ít ngân hàng có thể giải ngân vốn cho doanh nghiệp; những ngân hàng có thế mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm đều gặp khủng hoảng.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến ngày 31.10, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 84% tổng dư nợ trên địa bàn; trong đó, cho vay tiêu dùng chỉ ở mức 16%. So với cuối năm 2012, dư nợ cho vay tính đến nay chỉ tăng 5,5%.

Con số này phần nào cho thấy hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đang khá ì ạch. Đó là chưa kể đến việc nợ xấu vẫn là rào cản lớn trong việc khơi thông vốn ra thị trường. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hiện nay, các ngân hàng phải đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vốn vay…

Ngan hang khong mo loi nhuan
 

Tính đến ngày 10.10, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại tại TP.HCM, tình hình hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giảm lãi vốn vay đã lên tới 267.860 tỉ đồng với 62.599 khách hàng. Điều này đã góp phần đẩy chỉ số nợ xấu của các ngân hàng lên cao.

Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng Giám đốc Viet Capital Bank, cho biết tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 9% so với giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là 12%.

Theo ông, lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đã được điều chỉnh xuống mức hợp lý và không còn là rào cản đối với họ trong việc tiếp cận vốn. "Tuy nhiên, do nợ xấu, sức khỏe doanh nghiệp yếu nên họ không thể đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng", ông nói.

Chỉ dám kỳ vọng đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận

Hiện nay, không chỉ than phiền tín dụng khó tăng trưởng mà phần lớn ngân hàng đều cho biết việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay cũng hết sức khó khăn. Điều này xảy ra không chỉ với ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc mà còn cả với ngân hàng nhỏ và vừa, có dư nợ tăng trưởng dương trong 3 quý đầu năm nay.

Một lãnh đạo của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết tín dụng 9 tháng đầu năm của OCB cũng ở mức tương đối. Còn về lợi nhuận hoạt động 3 quý đầu năm nay, vị này thừa nhận rất khó đạt được kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được OCB đặt ra cho năm 2013 chỉ ở mức 320 tỉ đồng, tương đương mức thực hiện của năm trước.

Theo báo cáo bán niên năm 2013, tổng chi phí dự phòng NamA Bank đã trích lập đối với rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên trên 40,2 tỉ đồng. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng đã khiến lợi nhuận của NamA Bank bị sụt giảm mạnh.

Như vậy, khả năng lợi nhuận tăng đột biến của ngân hàng này trong những tháng còn lại của năm là rất khó. Hiện tại, giới hạn tăng trưởng tín dụng của NamA Bank đã được tăng lên mức 30%. Song do tình hình khó khăn và quy mô nhỏ, con số tuyệt đối về tăng trưởng dư nợ của NamABank cũng ở mức khá khiêm tốn.

Eximbank là ngân hàng có thế mạnh về tài trợ vốn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt 8% trong 3 quý đầu năm nay so với kế hoạch cả năm là 15%. Vì thế, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, cho biết Ngân hàng chỉ dám kỳ vọng hoàn thành được 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại